Giữa Thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền lên lớp

07/06/2018 07:00
Vũ Phương
(GDVN) - Nhiều giáo viên tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) bức xúc, chục năm qua tiền đứng lớp dạy 2 buổi/ngày của họ bị bớt xén bằng công thức áp đặt do trường áp đặt.

Trường có làm trái quy định của Sở?

Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều thầy cô giáo Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội) bức xúc vì 10 năm qua tiền đứng lớp 2 buổi/ngày bị bớt xén.

Hơn nữa, nhiều giáo viên cũng phản ánh, hiệu trưởng nhà trường là bà Bùi Thị Kim Thúy ưu ái “không trong sáng” với một số giáo viên, nhân viên trong trường gây bức xúc, bất công trong giáo viên nhà trường.

Đáng nói, có trường hợp một giáo viên chủ nhiệm nghỉ hàng năm trời, nhưng vẫn có lương và nhận phụ cấp đứng lớp như các giáo viên hàng ngày lên lớp khác. Trong khi đó, lương và phụ cấp của giáo viên này do ngân sách nhà nước chi trả.

Để làm rõ phản ánh của nhiều giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có buổi làm việc với một số thầy cô giáo Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

Nhiều giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, 10 năm qua tiền dạy 2 buổi của họ bị bớt xén. Ảnh: Vũ Phương
Nhiều giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, 10 năm qua tiền dạy 2 buổi của họ bị bớt xén. Ảnh: Vũ Phương

Trao đổi với phóng viên, một giáo viên bức xúc cho biết: “Đầu tháng 11/2017, tôi và một số giáo viên phát hiện ra cách tính lương tham gia dạy 2 buổi/ngày đối với giáo viên tham gia bị tính sai theo hướng dẫn của Công văn 296 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành ngày 15/1/2007.

Sự việc chỉ được phát hiện khi có giáo viên trong trường so sánh đơn giá 1 tiết 2 buổi/ngày của trường chỉ 34.000 đồng thấp hơn nhiều so với một trường khác trên địa bàn đến trên 50.000 đồng.

Giáo viên này cũng cung cấp cho phóng viên Công văn số 296 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội ban hành ngày 15/1/2007.

Theo đó, công văn 296 hướng dẫn rất cụ thể việc kinh phí thu được từ học 2 buổi/ngày được chi cho giáo viên tham gia giảng dạy là 60%, 40% còn lại được chi cho các mục khác. Đơn giá cũng được hướng dẫn như sau Đơn giá một tiết = 60% tổng thu 2 buổi/ngày của 1 lớp : Số tiết chi cho giáo viên tham gia dạy 2 buổi/ngày.

Một giáo viên cho biết: “Công thức rõ như vậy, nhưng nhà trường lại đưa ra một công thức tính loằng ngoằng và khó hiểu.

Giữa Thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền lên lớp ảnh 2Cán bộ phải xin hưu non vì tố Hiệu trưởng tham ô

Hơn nữa, theo quy định, chỉ giáo viên đứng lớp mới nằm trong nhóm được hưởng 60% tiền thu học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, không hiểu vì sao bà Bùi Thị Kim Thúy (Hiệu trưởng từ năm 2007 đến nay) cho Tổng phụ trách, nhân viên thư viện, thủ quỹ nhà trường vào nhóm hưởng 60% như giáo viên đứng lớp.

Công văn 296 cũng nói rõ, tổng phụ trách, nhân viên thư viện, thủ quỹ nằm trong nhóm hưởng 40% còn lại. Điều này gây bất công, ảnh hưởng quyền lợi đối với giáo viên đứng lớp. 

Có trường hợp một giáo viên chủ nhiệm nghỉ dạy cả năm vẫn được nhận lương và phụ cấp đứng lớp bình thường”.

Nói rõ hơn về việc chi cho giáo viên tham gia dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên này cho biết: “Từ năm 2007 học sinh tiểu học bắt đầu học 2 buổi/ngày. Còn trước đó học sinh tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày.

Theo quy định của thành phố Hà Nội, từ năm 2007 đến năm 2012, học sinh đóng 50.000 đồng/học sinh/tháng cho việc học 2 buổi/ngày và từ năm 2012 đến nay học sinh đóng 100.000 đồng/tháng.

Ngoài số tiết giáo viên phải hoàn thành đủ định mức để nhận lương từ ngân sách, giáo viên nào tham gia dạy học 2 buổi/ngày sẽ được tính thêm một khoản lương dạy học 2 buổi/ngày”.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn cánh tính đơn giá 1 tiết cho giáo viên dạy tăng cường 2 buổi/ngày. Ảnh: V.P
Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn cánh tính đơn giá 1 tiết cho giáo viên dạy tăng cường 2 buổi/ngày. Ảnh: V.P

Một giáo viên khác cho hay: “Từ năm 2007 đến nay, tức 10 năm qua tiền mồ hôi, công sức của nhiều giáo viên đứng lớp 2 buổi/ngày bị ăn bớt một cách trắng trợn. Tính ra số tiền của hơn 30 giáo viên trong trường không phải là ít.

Sau khi phát hiện, một số giáo viên môn năng khiếu đã đến gặp bà Bùi Thị Kim Thúy - Hiệu trưởng nhà trường để yêu cầu tính lại đơn giá 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, thay vì tiếp thu, bà Thúy đã từ chối và sau đó còn có những lời lẽ xúc phạm giáo viên, điều này đi ngược đạo đức nhà giáo.

Chúng tôi phải nhờ công đoàn nhà trường can thiệp, đến ngày 24/11/2017, hiệu trưởng mới tổ chức họp để tính lại đơn giá học 2 buổi/ngày. Việc tính lại tiến hành thảo luận công khai trong tập thể giáo viên, nhân viên, đơn giá đúng của mỗi tiết dạy được xác định là 56.000 đồng/tiết.

Sau 10 năm, tổng phụ trách, nhân viên thư viện, thủ quỹ được hiệu trưởng ưu ái xếp vào danh sách giáo viên đứng lớp hưởng 60% tiền thu từ học 2 buổi/ngày đã phải thực hiện đúng quy định về nhóm 40% còn lại”.

Giữa Thủ đô, 10 năm qua, giáo viên trường Hoàng Hoa Thám bị ăn chặn tiền lên lớp ảnh 4Có trường nào lập nhiều quỹ trái phép như trường Ngô Thì Nhậm không?

Cũng theo giáo viên này, dù cả hội đồng nhà trường và giáo viên trong trường tính 56.000 đồng, nhưng hiệu trưởng lại quyết định đơn giá chỉ là 52.000 đồng /tiết. Tháng 11/2017, tháng 12/2017 giáo viên đã được nhận đơn giá mới là 52.000 đồng/tiết. Với đơn giá mới, mỗi giáo viên được hưởng cả triệu đồng.  

Đến tháng 1/2018, bà Bùi Thị Kim Thúy – Hiệu trưởng lại cho rằng đơn giá 52.000 đồng chưa đúng. Trường sẽ xin ý kiến cấp trên và sau đó chỉ cho giáo viên hưởng 50% theo đơn giá cũ (34.000 đồng) là 17.000 đồng”.

Cũng theo giáo viên trên, những lá đơn kêu cứu, kiến nghị của giáo viên được gửi đến các cơ quan chức năng, sau đó Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã công bố Kết luận số 116 của ký ngày 18/1/2018 về việc sử dụng khoản thu học 2 buổi/ngày tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

Kết luận số 116 giáo viên cung cấp cho phóng viên nêu rõ: “Ủy ban nhân dân quận phê bình hiệu trưởng, ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường khi tiếp nhận kiến nghị của tập thể giáo viên đã không nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các cấp;

Chưa tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn dẫn đến việc xác định sai đối tượng, sai đơn giá dạy tăng cường 2 buổi/ngày trong các tháng 11/2017, 12/2017”.

Kết luận số 116 của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình nêu rõ việc tính đơn giá, đối tượng của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám là sai. Ảnh: V.P
Kết luận số 116 của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình nêu rõ việc tính đơn giá, đối tượng của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám là sai. Ảnh: V.P

Văn bản của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cũng yêu cầu Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám: “Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc sử dụng khoản thu 2 buổi/ngày và xác định đối tượng, đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày, xuất toán các khoản đã tính sai, chi sai theo đúng quy định.

Tổ chức xác định lại đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày do đã xác định sai tại thời điểm tháng 10/2017. Điều chỉnh lại quy chế chi tiêu nội bộ (phần đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày) làm cơ sở thực hiện đúng quy định từ tháng 1/2018.

Nghiêm túc kiểm điểm cá nhân, tập thể về việc xác định sai đơn giá tiết dạy tăng cường 2 buổi/ngày và rút ra những kinh nghiệm trong quá trình tổ chức quản lý. Báo cáo kết quả thực hiện việc kiểm điểm tập thể, cá nhân về Ủy ban nhân dân quận trước ngày 31/1/2018”.

Giáo viên thiệt đơn, thiệt kép

Về kết luận này, nhiều giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho rằng thiếu thuyết phục, chưa chính xác và có dấu hiệu bao che cho sai phạm.

Một giáo viên phân tích: “Kết luận chỉ nói sai đối tượng, sai đơn giá trong tháng 11/2017 và tháng 12/2017, vậy nhiều tháng, nhiều năm trước thì sao? Trong khi đó, học 2 buổi/ngày bắt đầu từ năm 2007 và từ năm 2012 đến 2017 chúng tôi chỉ nhận một đơn giá là 34.000 đồng/tiết.

Công thức mà Công văn 296 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra, đơn giá được tính bằng tổng tiền thu được (60% được phép chi cho giáo viên giảng dạy) chia cho số tiết thực dạy. Nhưng nhiều năm qua nhà trường lại áp dụng công thức tính riêng khiến giáo viên thiệt thòi.

Mỗi năm số học sinh luôn biến động, điều đó có nghĩa số tiền thu 2 buổi/ngày cũng thay đổi. Nhưng thực tế nhiều năm qua, số tiền giáo viên được nhận vẫn giữ nguyên ở con số 34.000 đồng/tiết . Rõ ràng công thức này có vấn đề, nhập nhèm.

Ví dụ như năm học 2015-2016 số lượng học sinh là 1.496 em, năm học 2016-2017 số lượng học sinh tăng lên là 1.513 học sinh. Năm học 2017- 2018, học sinh lại giảm còn 1.454 em”.

Cũng theo giáo viên này, tháng 4/2018, hiệu trưởng nhà trường lại cho tính lại đơn giá 2 buổi/ngày. Không còn 52.000 đồng như thống nhất vào 24/11/2017 mà được tính lại là 49.000 đồng/tiết vì có thêm 3 tiết tâm lý.  

“Bà Bùi Thị Kim Thúy – Hiệu trưởng đứng lên nói trước giáo viên chỉ có mức 49.000 đồng/tiết và còn dọa ai muốn kiện đi đâu thì kiện. Nhiều giáo viên sợ bị trù dập nên đã phải đồng ý, kết quả 60% đồng ý, 40% không đồng ý đơn giá trên, nhưng phải thông qua vì quá bán số người đồng ý”, một giáo viên nói.

Đáng nói, trường không chỉ tính sai đơn giá mà còn tính thiếu tiết dạy cho giáo viên, điều này có nghĩa giáo viên bị thiệt đơn, thiệt kép trong nhiều năm liền mà không biết kêu ai.

Một trường hợp giáo viên bị tính thiếu tiết dạy cho biết: “Từ năm 2015 đến nay tôi chỉ được tính 18 tiết dạy 2 buổi/ngày. Với đơn giá 34.000 đồng/tiết, tôi chỉ được hưởng lương 2 buổi/ngày là 612.000 đồng/tháng.

Cũng thời gian đứng lớp như vậy, số tiết của tôi được tính lại là 28 tiết. Đơn giá mới là 49.000 đồng, tính ra số tiền mỗi tháng của tôi tăng gấp đôi là 1.372.000 đồng.

Không chỉ tôi mà một giáo viên khác cũng bị tính thiếu 10 tiết. Giáo viên này dạy 34 tiết/tháng, nhưng chỉ được tính 24 tiết. Như vậy, rõ ràng 3 năm qua, thu nhập của tôi bị thiếu đến cả triệu đồng/tháng”.

Hiện, nhiều giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám vẫn tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng để làm rõ số tiền 2 buổi/ngày mà hàng chục năm qua họ bị tính thiếu và số tiền này đi đâu hay chảy vào túi ai?

Vũ Phương