Đề xuất lệch giờ làm và giờ học: Chỉ thí điểm và theo dõi

26/10/2011 06:39
Mai Hà/Thanh niên
Hôm qua 25.10, Hà Nội đã họp lấy ý kiến các sở, ngành về đề xuất lệch giờ học, giờ làm, do Sở Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì.

Ông Trần Quốc Toản, Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho rằng, nên chia thành 4 đối tượng điều chỉnh: nhóm 1 là cán bộ, công chức T.Ư và Hà Nội bắt đầu giờ làm từ 9 giờ sáng - 16 giờ chiều, nhóm 2 là học sinh (HS) mầm non, tiểu học, THCS nên bắt đầu sớm hơn (khoảng 8 giờ 30 sáng) để bố mẹ tiện đưa đón (phương án của Vụ Vận tải là 8 giờ). Nhóm đối tượng sinh viên (SV) do có thể tự chủ về giờ giấc, nên không cần phân rộng dải giờ mà tổ chức tập trung bắt đầu từ 6 giờ 30 - 11 giờ 30, chiều từ 14 giờ - 17 giờ.

Đề xuất lệch giờ làm và giờ học: Chỉ thí điểm và theo dõi ảnh 1 
Phụ huynh - đối tượng lo lắng nhất nếu điều chỉnh lệch giờ học, giờ làm - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Nguyễn Bá Lực, Phó phòng Chính sách lao động việc làm, Sở LĐ-TB-XH cho rằng, đối tượng làm trong doanh nghiệp rất lớn nhưng chưa được đề cập trong dự thảo. Mặt khác, giờ buổi chiều theo đề xuất đều kết thúc vào 5 giờ 30 - 6 giờ, nếu tất cả cùng xuất phát thì rất có vấn đề, nên chia giờ buổi chiều của các nhóm đối tượng cách nhau 30 phút.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ GTVT), đối tượng nhân viên doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng đại diện... đã điều chỉnh theo giờ nước ngoài (8 giờ 30 - 9 giờ bắt đầu) nên không cần điều chỉnh. Ông Mười gợi ý, “cần tập trung điều tiết nhóm SV, gộp tất cả cùng một giờ bắt đầu từ 7 giờ, kết thúc 17 giờ, lệch với tất cả các nhóm khác để tránh ùn tắc”.

Cấm ô tô, xe máy vào phố cổ

Liên quan đến chủ trương cấm ô tô, xe máy vào phố cổ để tổ chức những tuyến này thành các tuyến phố đi bộ phục vụ cho thương mại và bảo tồn phố cổ, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT cho biết, sở này đang nghiên cứu và thực hiện thí điểm quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm: phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường và khu vực chợ Đồng Xuân trong các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Công Bằng cho biết, so với dự thảo ban đầu, Bộ GTVT đã có điều chỉnh về giờ học của đối tượng SV, cách nhau khoảng 1 giờ giữa các quận. Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó phòng Tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, cho biết hiện có khoảng 200.000 HS trong nội đô với khoảng hơn 10.000 HS tiểu học học trái tuyến.

“Nên chênh nhau các múi giờ khoảng 1 tiếng, nếu chỉ 30 phút thì tất cả lại gặp nhau ngoài đường, không thay đổi được ùn tắc bao nhiêu. Ngoài ra cũng nên khoanh vùng quận nội thành khác ngoại thành”, ông Dũng đề xuất.

Các chuyên gia của Bộ GTVT cũng cho rằng, điều chỉnh giờ làm, giờ học sẽ chỉ tổ chức thí điểm và theo dõi phản hồi dư luận trước khi đưa ra điều chỉnh chính thức tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT cho rằng, cần có thời gian nghiên cứu thêm, đồng thời thu hẹp phạm vi đối tượng. “Lộ trình điều chỉnh là nhóm ít ảnh hưởng nhất là SV và trung tâm thương mại sẽ điều chỉnh trước, áp dụng nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng hơn, các nhóm khác vẫn hoạt động bình thường”. Cụ thể, theo ông Hùng, trung tâm thương mại sẽ mở cửa từ 9 giờ 30, đối tượng SV sẽ có điều tra xã hội học tại các quận thường xuyên ùn tắc trước khi đưa ra phương án giờ.

Dự kiến, Sở GTVT sẽ tổng hợp các ý kiến đưa ra phương án cuối cùng trình lên UBND Hà Nội và Bộ GTVT trước ngày 28.10. 

Mai Hà/Thanh niên