Ông Donald Trump xiết chặt 2 gọng kìm nhằm vào Trung Quốc

21/06/2018 08:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công giúp ông Donald Trump rảnh tay hiệu chỉnh hành vi của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải thay đổi đã là nhận thức chung ở Hoa Kỳ.

Bloomberg ngày 19/6 nhận định, chuyến thăm thứ 3 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc hôm thứ Ba cho thấy, đòn bẩy của Bắc Kinh chống lại áp lực của Hoa Kỳ không chỉ có đánh thuế đậu tương Mỹ, hợp đồng mua máy bay Boeing, mà còn con bài Triều Tiên.

Một số nhà quan sát được Bloomberg phỏng vấn tin rằng, Trung Quốc sẽ sử dụng Triều Tiên như con bài vì khả năng tác động đến các cuộc đàm phán Mỹ - Triều tiếp theo về phi hạt nhân hóa bán đảo. [1]

Tuy nhiên, quan sát những diễn biến trong quan hệ Trung - Mỹ gần đây, chúng tôi nhận thấy Tổng thống Donald Trump đã "rảnh tay" sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều để xiết chặt 2 gọng kìm nhằm vào Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải thay đổi.

Gọng kìm thương mại

Tờ China Daily bản tiếng Anh mà Reuters tin là Bắc Kinh thường sử dụng để chuyển thông điệp của họ với phần còn lại của thế giới, ngày 19/6 có bài xã luận chỉ trích chính quyền Tổng thống Donald Trump "hút máu" nền kinh tế Trung Quốc. [2]

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Military Times.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Military Times.

Hôm thứ Hai ngày 18/6, ông Donald Trump đã đe dọa áp gói thuế 10% với tổng trị giá 200 tỷ USD với hàng nhập khẩu Trung Quốc, nếu Bắc Kinh trả đũa biện pháp áp gói thuế nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD của Mỹ, để buộc Trung Quốc phải ngừng "ăn cắp" sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đã thề sẽ trả đũa, đồng thời cáo buộc Washington gây áp lực cực độ, khiến thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi tranh chấp thương mại leo thang. Xã luận China Daily viết:

"Đối mặt với sự đe dọa từ Hoa Kỳ, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa với các biện pháp trực tiếp và có mục tiêu rõ ràng để buộc Mỹ xuống thang;

Bởi dường như mọi nhượng bộ cho đến lúc này không làm chính quyền Trump vừa lòng, khi họ muốn hút máu nều kinh tế Trung Quốc."

"Bắc Kinh sẽ phải làm cho Washington nhận thức ra rằng, cái giá phải trả cho mọi hành động tấn công chống lại Trung Quốc sẽ rất đắt, nếu muốn tránh trở thành nạn nhân của sự khát máu ngày càng tăng của chính quyền Trump".

Tài khoản mạng xã hội Wechat của Nhân Dân nhật báo nói rằng:

"Mọi người đều thấy rõ, Trung Quốc đã bị buộc phải chiến đấu. Mức giá mà Hoa Kỳ muốn không chỉ là tận dụng lợi thế của Trung Quốc, thậm chí là muốn phá hoại nền kinh tế Trung Quốc." [3]

Ông Donald Trump xiết chặt 2 gọng kìm nhằm vào Trung Quốc  ảnh 2

Ông Kim Jong-un khéo léo "trả nợ" Tập Cận Bình, kết thân Donald Trump

Tuy nhiên, bất chấp những hùng biện của truyền thông Trung Quốc, chỉ số thị trường chứng khoán nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua vào sáng 20/6.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang đã phải lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư không mất lòng tin, vì:

"Sự biến động của thị trường (hôm nay) chủ yếu bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Trung Quốc vẫn có nền tảng kinh tế tốt và tăng trưởng bật lên.

Tôi hoàn toàn tự tin về sức khỏe của thị trường vốn Trung Quốc dựa trên các nguyên tắc cơ bản."

Có điều, Thống đốc Yi Gang cho biết, vẫn cần sự chuẩn bị cho những cú sốc tiềm ẩn từ bên ngoài và chống lại các rủi ro hệ thống tài chính. [4]

Sức ép gọng kìm này không chỉ là quyết định của cá nhân Tổng thống Donald Trump. 

Thậm chí Thượng viện Mỹ còn thông qua một dự luật, trong đó có điều khoản khôi phục hình phạt với tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc ZTE, mặc dù ông Donald Trump đã quyết định “phạt 1,4 tỉ USD, cho ZTE tồn tại” thay vì bóp chết doanh nghiệp này.

Trong một động thái hiếm hoi, ngày 18/6 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người vừa gặp ông Tập Cận Bình hôm 14/6, nói rằng nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế "ăn cướp" và Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực điều chỉnh hành vi này.

"Vài tuần trước, lãnh đạo Trung Quốc liên tục tuyên bố về mở cửa và toàn cầu hóa, nhưng đó chỉ là trò đùa.

Nói thật, đây là chính phủ mang tính cướp bóc về kinh tế nhất, hoàn toàn không đếm xỉa đến lợi ích của người khác trên toàn cầu", ông Mike Pompeo nói. [5]

Gọng kìm Đài Loan

Cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình với ông Mike Pompeo hôm thứ Năm 14/6 đã cho thấy những gì ông chủ Trung Nam Hải thực sự lo ngại. 

Bà Thái Anh Văn và Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan trong ngày khánh thành trụ sở mới, ảnh: AIT.
Bà Thái Anh Văn và Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan trong ngày khánh thành trụ sở mới, ảnh: AIT.

Trong khi khách đến thông báo kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều, thì chủ nhà bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ xử lý các vấn đề nhạy cảm, bao gồm vấn đề Đài Loan và thương mại, một cách thận trọng để tránh làm gián đoạn nghiêm trọng quan hệ song phương.

Đài Loan, chứ không phải là tranh chấp thương mại, là mối quan tâm hàng đầu của ông Tập Cận Bình.

Trước đó ngày 16/3 Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật Du lịch Đài Loan, mở đường cho các chuyến thăm viếng chính thức lẫn nhau của quan chức Mỹ - Đài.

Nếu xét về mặt pháp lý, hiện tại không có rào cản nào ngăn chặn nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn có thể thăm Hoa Kỳ.

Điều trớ trêu là, ông Donald Trump ký ban hành đạo luật này đúng thời điểm ông Tập Cận Bình tái cử Chủ tịch nước và Quốc hội Trung Quốc xóa giới hạn nhiệm kỳ.

Tham vọng của ông Tập Cận Bình khi xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước là lãnh đạo Trung Quốc vượt Mỹ về kinh tế, đồng thời thống nhất đảo Đài Loan.

Nếu ông Tập Cận Bình theo đuổi mục tiêu này một cách mạnh mẽ, chính phủ Donald Trump lẫn Quốc hội Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn.

Nhà báo Katsuji Nakazawa của Tạp chí Nikkei Asian Review nhận định, cuộc so găng giữa Bắc Kinh và Washington sẽ vẫn tiếp tục, và điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên đang dịch chuyển sang eo biển Đài Loan.

Do đó, người chiến thắng lớn nhất trong cuộc đua quyền lực địa chính trị ở Đông Á hiện nay là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. [6]

Ông Donald Trump xiết chặt 2 gọng kìm nhằm vào Trung Quốc  ảnh 4

Đài Loan đang trở thành con bài chính để Mỹ kiềm chế Trung Quốc

Các quan chức Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với việc Mỹ khai trương tòa văn phòng Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) ngày 12/6, cơ quan này có vai trò như một tòa đại sứ Mỹ ở các nước khác.

Năm ngày sau khi Đạo luật Du lịch Đài Loan được chính thức ban hành, và một ngày sau khi ông Tập Cận Bình cảnh báo "mọi hành động và thủ đoạn chia rẽ Trung Quốc đều phải chịu thất bại", Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alex Wong thăm Đài Loan.

Ông Alex Wong dường như đã thực hiện tính toán của Mỹ trong việc "kích động" các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều hơn nữa khi phát biểu trước mặt bà Thái Anh Văn:

"Chúng tôi đã làm nhiều việc để tăng cường quan hệ Mỹ - Đài. Nhưng thông điệp của tôi là, chúng ta hãy làm nhiều hơn nữa.

Dân chủ và thành quả phát triển của Đài Loan là một tấm gương cho toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cam kết của Mỹ với Đài Loan về sự an toàn, về nền dân chủ, chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này.

Sự phát triển kinh tế năng động, rộng rãi và bền vững không bao giờ có thể dựa trên ý thích của một nhà độc tài."

Tiến sĩ Bonnie Glaser tin rằng, rất khó, nếu không muốn nói là không thể đối với Bắc Kinh trong việc xác định lập trường, ý đồ thực sự của ông Donald Trump về Đài Loan.

Ông Donald Trump xiết chặt 2 gọng kìm nhằm vào Trung Quốc  ảnh 5

Biển Đông và Đài Loan, đâu sẽ là "chiến trường" Trung - Mỹ?

Và không có gì ngạc nhiên khi dưới thời Donald Trump, người Trung Quốc đã đề cập đến Đài Loan trong mọi cuộc họp ở mọi cấp độ với các quan chức Hoa Kỳ, điều chưa từng có dưới thời Barack Obama. [7]

Khác với vấn đề thương mại, nơi còn những tranh cãi khác nhau trong Thượng viện Hoa Kỳ, riêng vấn đề Đài Loan, lập trường của Nhà Trắng hay Điện Capitol dường như nhất quán và cứng rắn như nhau.

Và trong vấn đề thương mại, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng đang có những tranh cãi xung quanh hiệu chính chính sách của ông Donald Trump;

Nhưng cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đều thấy rõ nguy cơ thao túng thương mại toàn cầu từ chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) các thương hiệu công nghệ toàn cầu mà Trung Quốc tìm cách thâu tóm.

Cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đều phải đối mặt với các thủ đoạn Trung Quốc áp đặt nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp Mỹ, Nhật, EU tại thị trường Trung Quốc và buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương. [8]

Như vậy, đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương có thể thấy, thượng đỉnh Mỹ - Triều thực sự là một thành công lớn của Tổng thống Donald Trump lẫn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Triều Tiên không còn là con bài để Trung Quốc có thể thao túng và mặc cả với Hoa Kỳ như trước đây, ông Donald Trump sẽ rảnh tay hơn để hiệu chỉnh các hành vi của Trung Quốc.

Tiến trình phi hạt nhân hóa có thể mất thời gian, nhưng nếu Triều Tiên thực sự muốn thoát khỏi bao vây cấm vận, hội nhập và phát triển thì không có cách nào khác ngoài thực hiện những gì đã cam kết một cách chân thành.

Ông Donald Trump đã tạm dừng tập trận chung Mỹ - Hàn, thì Bình Nhưỡng cũng không có cớ gì lật ngược.

Nguồn:

[1]https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-06-19/as-kim-visits-china-xi-flaunts-bargaining-chip-in-trade-dispute

[2]http://www.chinadaily.com.cn/a/201806/19/WS5b28f49aa3104bcf48c15584.html

[3]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2151571/trump-trade-bloodlust-washington-wants-suck-lifeblood

[4]http://www.scmp.com/business/markets/article/2151558/hong-kong-stocks-steady-early-trading-even-dow-wipes-out-gains-made

[5]http://news.dwnews.com/global/news/2018-06-20/60065595.html

[6]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/China-startled-by-Trump-s-hotline-to-Kim

[7]https://www.ft.com/content/01f7c3de-6993-11e8-b6eb-4acfcfb08c11

[8]https://asia.nikkei.com/Politics/International-Relations/Chinese-M-A-deals-face-wall-as-US-and-Europe-guard-tech

Hồng Thủy