Rất nhiều người không được học nhưng muốn nhận Giáo sư Phan Huy Lê làm thầy

25/06/2018 07:34
Trinh Phúc - Thùy Linh
(GDVN) - Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam, tiếp cận bộ phận” là sự tích tụ những đóng góp lớn của giáo sư Phan Huy Lê.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, Giáo sư Phan Huy Lê – một trong những nhà nghiên cứu sử học uy tín của Việt Nam qua đời vào lúc 13h10’ ngày 23/6, tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thọ 85 tuổi.

Ngay sau đó, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang -  Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam về những  đóng góp và dấu ấn đậm nét của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê với nền sử học nước nhà.

Ông Giang cho rằng, Giáo sư Phan Huy Lê cùng với Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Hà Văn Tấn, Giáo sư Đinh Xuân Lâm là lứa học trò xuất sắc nhất của thế hệ thầy Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh. 

Giáo sư Phan Huy Lê được nhắc tới với đặc trưng là người có khả năng tổng kết và chỉ ra những phương hướng nghiên cứu mới cũng như đưa ra những phương pháp mới vào nền sử học Việt Nam. 

“Đấy là khái quát rất là cô đọng nhất về đóng góp của thầy Phan Huy Lê với nền sử học” – Giáo sư Vũ Minh Giang nhấn mạnh. 

Phân tích sâu thêm về khả năng tổng kết sử học của Giáo sư Phan Huy Lê, theo ông Vũ Minh Giang thì điều này được thể hiện ở việc Giáo sư Phan Huy Lê là tác giả của rất nhiều bộ giáo trình thông sử.

Những công trình của Giáo sư Phan Huy Lê được giới khoa học ví là bộ chữ cái mà từ đó có thể biên soạn tiếp. Tính chất nền tảng của những công trình do ông Phan Huy Lê biên soạn là rất lớn. 

Ngoài ra, ông Vũ Minh Giang còn cho rằng, ở rất nhiều lĩnh vực đã có nhiều nghiên cứu chi tiết, cụ thể nhưng Giáo sư Phan Huy Lê lại là người đã tổng kết và nâng tầm các nghiên cứu trên. Điển hình là lĩnh vực nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ông Vũ Minh Giang giải thích thêm: “Nghệ thuật quân sự Việt Nam được coi như nét đặc sắc của lịch sử Việt Nam mà cha ông tạo nên trong các công cuộc chống ngoại xâm. 

Đây là lĩnh vực được nhiều nhà nghiên cứu tham gia nhưng Giáo sư Phan Huy Lê lại có công lớn khi tổng kết trong cuốn “Những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam”.

Đó là đóng góp theo tôi đã nâng tầm khoa học, nâng tầm nghệ thuật quân sự Việt Nam”. 

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận” là sự tích tụ những đóng góp lớn của giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: VTC)
Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận” là sự tích tụ những đóng góp lớn của giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: VTC)

Còn về những phương hướng nghiên cứu mới cũng như đưa ra những phương pháp khoa học mới vào nền sử học Việt Nam, ông Vũ Minh Giang cho biết:

“Giáo sư Phan Huy Lê là người nghiên cứu về văn hóa theo ý nghĩa nền tảng của lịch sử. Lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra nhưng mà cái thần thái của lịch sử chính là văn hóa.

Công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam, tiếp cận bộ phận” được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2016 là sự tích tụ những đóng góp lớn của giáo sư Phan Huy Lê.

Đỉnh cao của đóng góp của Giáo sư Phan Huy Lê là ông được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm đề án, Tổng chủ biên Bộ Lịch sử Quốc gia Việt Nam – ta gọi là Quốc sử. 

Công trình này bao gồm 5 tập thông sử và 5 tập biên niên sử - hiện đã hoàn thành bản thảo lần 1. 

Ngoài ra, Giáo sư Phan Huy Lê còn là người khai phá mở đường cho một lĩnh vực khoa học rất mới gọi là Việt Nam học”.

Rất nhiều người không được học nhưng muốn nhận Giáo sư Phan Huy Lê làm thầy ảnh 2Giáo sư Phan Huy Lê xứng đáng là tượng đài ngành giáo dục Việt Nam

Nói về những đóng góp của giáo sư Phan Huy Lê về ngành Việt Nam học, ông Vũ Minh Giang nhận định:

“Ông Phan Huy Lê là người khai mở cho việc nghiên cứu Việt Nam như một không gian văn hóa, như một khu vực, là người khai phá mở đường cho nền Việt học thế giới”.

Ông Vũ Minh Giang nhấn mạnh: “Có đóng góp còn cao hơn những công trình khoa học đó là Giáo sư Phan Huy Lê đã đào tạo rất nhiều những nhà sử học tiếp nối con đường của ông.

Học trò của Giáo sư Phan Huy Lê có rất nhiều người trở thành giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học điều này đảm bảo cho tương lai phát triển của sử học Việt Nam.

Đóng góp của Giáo sư Phan Huy Lê không chỉ được ghi nhận trong nước như giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ mà ông còn được đánh giá cao trên trường quốc tế.

Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996).

Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.

Giáo sư Phan Huy Lê được mời thỉnh giảng nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Ông là biểu tượng của khoa học Việt Nam trên trường Quốc tế”.

Cuối cùng ông Vũ Minh Giang khẳng định: “Về mặt học thuật, Giáo sư Phan Huy Lê có đóng góp vô cùng lớn lao.

Về nhân cách người ta nói thầy là người thầy rất nhiều người không được học nhưng cũng muốn nhận làm thầy”.

Tiểu sử về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Phan Huy Lê – Cây đại thụ của nền sử học Việt Nam: 

Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1956, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại.

Cũng trong năm đó, ông nhận chức danh Trợ lý giảng dạy và đến 2 năm sau, khi chỉ mới 24 tuổi ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại tại Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Giáo sư Phan Huy Lê cũng là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Đông phương học (1993 - 2000) tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1980, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư. Tiếp tục là danh hiệu Nhà giáo ưu tú (năm 1988); Nhà giáo Nhân dân (năm 1994). 

Từ năm 1988 đến 2016, Giáo sư Phan Huy Lê giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Từ 2016 đến nay, Giáo sư là Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Năm 2011, ông được trao danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc.

Năm 2016, Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) của Pháp đã trao bằng tiến sỹ danh dự cho giáo sư Phan Huy Lê.

Ngoài ra, trong suốt sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy Giáo sư Phan Huy Lê từng được trao nhiều huân chương, giải thưởng cao quý như:

- Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2000 cho công trình Tìm về cội nguồn (2 tập).

-  Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2016 cho công trình Lịch sử và văn hoá Việt Nam - Tiếp cận bộ phận.

- Giải thưởng Quốc tế Văn hóa Á châu Kukuoka, Nhật Bản (1996).

- Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp (2002).

Một vài công trình nghiên cứu tiêu biểu của Giáo sư Phan Huy Lê: 

- Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959.

- Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập II, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1960; in lần thứ hai, 1962.
- Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1961.

- Khởi nghĩa Lam Sơn (đồng tác giả), in lần thứ ba, có bổ sung và sửa chữa, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977; in lần thứ tư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.

- Lịch sử Việt Nam (đồng tác giả), tập I, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983; tái bản 1985, 1991.

- Về quá trình dân tộc của lịch sử Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1990.

- Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (Chủ biên), tập II, Hà Nội, 1996; tập III, Hà Nội, 1997.

- Tìm về cội nguồn, tập I, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 1998; in lần thứ hai, 1999; tập II, 1999.

- The country life in the Red River delta (Co-author), The gioi Publisher, Hanoi, 1999 Vietnam, Art et Culture de la préhistoire à nos jours (đồng tác giả), Nhà xuất bản Snoeck, Bruxelles-Vienne, 2003.

- Địa bạ cổ Hà Nội (Chủ biên), tập I, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2005, in lần thứ hai, 2010; tập II, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2008, in lần thứ hai, 2010.

- Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Tiếp cận bộ phận, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007; in lần thứ hai, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2012.

- Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (Chủ biên), 2 tập, Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội, 2012.

- Lịch sử Việt Nam (Chủ biên), tập I+II, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2012. 

- Lịch sử Quân sự Việt Nam (Chủ biên), tập V, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013.

Trinh Phúc - Thùy Linh