“Tôi sẽ theo đến cùng vụ cổ phần hóa doanh nghiệp giá bằng 1 căn nhà ở phố cổ"

02/07/2018 06:12
XUÂN QUANG
(GDVN) - Không loại trừ trường hợp cơ quan định giá thông đồng với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các bước cổ phần hóa nhằm trục lợi.

Bộ Giao thông vận tải phản hồi ý kiến của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) liên quan tới nội dung cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy (vivaso) và Công ty cổ phần hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV).

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5299/VPCP-ĐMDN ngày 5/6/2018 kèm theo phiếu chất vấn của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về việc cổ phần hóa hai doanh nghiệp nói trên.

Nội dung công văn phản hồi của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ: “Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra chuyên đề về đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải. Hiện tại Thanh tra Chính phủ đã tiến hành khảo sát và lên phương án triển khai thanh tra.

Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm triển khai thanh tra theo kế hoạch. Kết quả thanh tra, Bộ Giao thông vận tải sẽ thông báo và báo cáo tình hình thực hiện kết luận thanh tra đến đại biểu”.

Trụ sở Tổng công ty vận tải thủy - Công ty cổ phần. Ảnh của Xuân Quang/giaoduc.net.vn.
Trụ sở Tổng công ty vận tải thủy - Công ty cổ phần. Ảnh của Xuân Quang/giaoduc.net.vn.

Xin được nhắc lại, tại buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội cách đây không lâu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thể hiện quan điểm không đồng tình với đánh giá của tư lệnh ngành giao thông trong việc thực hiện cổ phần hóa một số doanh nghiệp.

Ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại việc cổ phần hóa 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải nói trên.

"Tại kỳ họp trước tôi đã có ý kiến với Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét lại việc cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy với hàng trăm tàu nhưng chỉ được định giá 327 tỷ đồng, tương đương một căn nhà tại phố cổ Hà Nội.

“Tôi sẽ theo đến cùng vụ cổ phần hóa doanh nghiệp giá bằng 1 căn nhà ở phố cổ" ảnh 2

Cán bộ đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp nhà nước, hình thành lợi ích nhóm?

Nhiều nguời bức tố cáo, nhưng kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo gây bất bình vì khẳng định không có vấn đề gì và thậm chí không tiếp cận được hồ sơ cổ phần hóa", ông Nhưỡng nêu.

Đại biểu đoàn Bến Tre lo ngại, tài sản không chỉ cổ phần thấp mà còn có dạng như "quỹ đen" của cổ phần hóa. Người mua tổng công ty đó chính là người mua xí nghiệp điện ảnh Việt Nam với giá "bèo".

Trường hợp thứ hai được ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng là việc cổ phần hóa một doanh nghiệp lớn khác trong ngành giao thông, khiến "cử tri đang làm ở đó không biết công ty được cổ phần hóa lúc nào, thực tế sau cổ phần hóa, họ phải đi thuê lại tài sản với hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ chính công ty mà họ cổ phần.

"Nhân dân và nhà nước được lợi gì không?", ông Nhưỡng băn khoăn.

Từ đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chính thức kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại việc cổ phân hóa 2 doanh nghiệp này.

“Tôi sẽ theo đến cùng”

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 30/6, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng lo ngại, tài sản nhà nước có thể bị thất thoát trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp đặc biệt là đối với hai doanh nghiệp ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra.

“Một tổng công ty với rất nhiều tài sản mà định giá có hơn 300 tỷ? Nếu công khai, thực hiện đúng nguyên tắc trong việc cổ phần hóa, chắc chắn sẽ có người sẵn sàng bỏ hơn số tiền đó để mua lại”, ông Nhưỡng nhận định.

Vị Đại biểu đoàn Bến Tre nêu những kẽ hở trong định giá doanh nghiệp (có thể) khiến tài sản nhà nước bị bòn rút, thất thoát, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi, tham nhũng.

“Tôi sẽ theo đến cùng vụ cổ phần hóa doanh nghiệp giá bằng 1 căn nhà ở phố cổ" ảnh 3

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Có cán bộ thiếu liêm sỉ, không thấy xấu hổ”

Ông Nhưỡng phân tích: Thứ nhất, chúng ta quá sơ hở về chuyện đất đai khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

Điều này là do thể chế chưa hoàn thiện, còn nhiều sơ hở, để doanh lợi dụng cổ phần hóa để đạt được mục đích về đất đai.

Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhà nước gắn với các lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị sau cổ phần hóa.

Thậm chí, khi chúng ta biết việc cổ phần hóa liên quan tới chuyện đất đai nhưng không có cơ chế để bảo vệ nó – thứ tài sản quan trọng nhất đối với bất kỳ cơ sở sản xuất kinh doanh nào. Cho nên người ta dễ dàng bàn giao đất kể cả những mảnh “đất vàng”, “đất kim cương” một cách quá dễ dàng.

Trong khi đó, người ta không tính toán hết đến giá trị thực của đất theo cơ chế thị trường, mà vẫn "ôm khư khư" cơ chế cho thuê đất hàng năm, trả tiền thuê đất.

Khi thực hiện xong việc cổ phần hóa, bằng cách này hay cách khác, giá đất có thể tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Như vậy có nghĩa là chúng ta có thể bị thất thoát tài sản vô cùng to lớn.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ảnh quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ảnh quochoi.vn.

Thứ 2: Việc cổ phần hóa chưa tính toán hết giá trị thực của tài sản. Có những tài sản đang hiện hữu có thể sử dụng được mấy chục năm sau, thế nhưng người ta không định giá nó bởi họ cho rằng, tài sản này đã được khấu hao hết rồi. Đây là vấn đề (nhận thức) vô cùng nguy hiểm.

Ví dụ, một cầu cảng xây dựng từ mấy chục năm trước được đơn vị định giá tài sản đã khấu hao hết, nhưng thực tế, bản chất cái cầu cảng đó vẫn hiện hữu, nên cần phải tính hết giá trị (sử dụng) trong những năm tiếp theo.

Hay tại Tổng công ty vận tải thủy, người ta phát hiện ra rằng, nhiều đoàn tàu vừa mới đóng được một thời gian ngắn, nhưng người ta định giá rất thấp...

Từ ví dụ trên cho thấy, không loại trừ trường hợp cơ quan định giá thông đồng với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các bước cổ phần hóa nhằm trục lợi. Hay nói cách khác, không loại trừ cả động cơ trục lợi mà việc định giá doanh nghiệp cổ phần hóa thiếu chính xác.

Thứ 3: Việc cổ phần hóa không công khai hoặc công khai một cách "giả vờ". Thậm chí có những nhà đầu tư chiến lược cũng không được thông báo, không được tham gia vào quá trình cổ phần hóa trong khi họ đang là đối tác, liên danh với doanh nghiệp nọ.

Thứ 4: Bản thân người lao động khi cổ phần hóa cũng không được tham gia sâu vào quá trình cổ phần. Quyền lợi của người lao động thậm chí bị bỏ quên khi thực hiện cổ phần hóa”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích và cho biết, ông sẽ theo đến cùng sự việc, đặc biệt là cổ phần hóa 2 doanh nghiệp nêu trên.

XUÂN QUANG