Cán bộ phòng giáo dục kém năng lực sử dụng sai quyền lực, Sở làm gì?

06/07/2018 16:24
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nội dung đại biểu Đỗ Thùy Dương, tổ Cầu Giấy chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng.

Chiều 6/7, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề về quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trước phiên chất vấn, hiện tại trên địa bàn Thành phố có 477 cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Số liệu cụ thể bao gồm có 320 trường mầm non; tiểu học 40 trường; trung học cơ sở 22 trường; trung học phổ thông 95 trường.

Về cơ sở vật chất, có 91 trường được thành phố cho thuê đất; 386 trường thuê, mượn địa điểm.

Đó là những thông số cơ bản về các cơ sở giáo dục ngoài công lập của thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương chất vấn. (Ảnh: Kinh tế Đô thị)
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương chất vấn. (Ảnh: Kinh tế Đô thị)

Đại biểu Đỗ Thùy Dương, tổ Cầu Giấy chất vấn, hiện nay cán bộ quản lý trung gian, cụ thể là phòng giáo dục quận, huyện, thị xã thiếu năng lực quản lý giáo dục.

Đặc biệt với việc thẩm tra và đánh giá giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Từ việc yếu kém về năng lực dẫn tới việc sử dụng quyền lực sai mục đích.

Năm 2018, Hà Nội tập trung nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Vậy với tư cách là Sở chuyên ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Thành phố trong vấn đề này như thế nào?

Cũng liên quan đến yếu tố đào tạo ngoại ngữ, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nêu thực trạng, gần đây địa bàn Thủ đô có nhiều trung tâm đào tạo ngoại ngữ, cơ sở giáo dục liên kết với nước ngoài, phát triển nhiều loại hình đào tạo.

Trong đó có một số cơ sở sử dụng nhiều giáo viên nước ngoài không có trình độ sư phạm, không có hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy ở các trường tiến hành liên kết.

Vậy nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp cho tình trạng này của Sở ra sao?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng trả lời chất vấn. (Ảnh: Kinh tế và Đô thị)
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng trả lời chất vấn. (Ảnh: Kinh tế và Đô thị)

Về câu hỏi của đại biểu Đỗ Thùy Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho rằng, hiện nay có một số Phòng Giáo dục và Đào tạo không có chuyên viên ngoại ngữ.

“Đây là khó khăn trong việc chỉ đạo dạy học ngoại ngữ trong các nhà trường”, ông Dũng nói.

Về nội dung liên kết dạy bổ trợ, đào tạo ngoại ngữ, Sở đã có văn bản 6083 hướng dẫn về công tác thẩm định giáo trình.

Qua đó, Sở chịu trách nhiệm về thẩm định chương trình, căn cứ vào tài liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sách giáo khoa.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chịu trách nhiệm thẩm định các giáo trình này.

Căn cứ vào đó, nhà trường lựa chọn bộ giáo trình và các đơn vị cung ứng dịch vụ, theo quy trình của văn bản 6083 (6083/SGD&ĐT-GDTrH-GDTH-GDMN ngày 26/6/2015, người viết chú thích) mà Sở đã đưa ra.

Các nhà trường xây dựng đề án thông qua Phòng về tính phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhà trường, được sự đồng thuận của phụ huynh đúng quy trình. Sau đó, sẽ trình Sở sẽ xem xét.

“Tuy nhiên, có những trường giao trắng cho đối tác. Trách nhiệm của hiệu trưởng còn hạn chế.

Sở đang nghiên cứu điều chỉnh văn bản hướng dẫn 6083 làm sao phù hợp hơn, tăng cường hơn nữa tính chịu trách nhiệm của các hiệu trưởng”, ông Dũng nói.

Về giáo viên dạy ngoại ngữ, ông Dũng khẳng định, việc thẩm định giáo viên vào các trung tâm ngoại ngữ đã có quy định cụ thể.

Trong văn bản 6083 hướng dẫn cụ thể, giáo viên khi vào trường dạy phải có giấy phép lao động của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, có đủ trình độ về chuyên môn nghiệp vụ.

“Nếu đại biểu nói có trường hợp giáo viên dạy tiếng Anh không đảm bảo chắc rất là hãn hữu.

Vì có phản hồi của cha mẹ phụ huynh, nhà trường, công cụ kiểm soát khi hồ sơ gửi đến các đơn vị”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, giáo viên giảng dạy tại các trường cũng thường xuyên tham gia hoạt động tại các tổ chuyên môn, trao đổi việc học của trẻ với phụ huynh...nên chất lượng các phụ huynh sẽ biết.

Theo ông Dũng, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, sẽ tăng cường giám sát cộng đồng và đề nghị các đơn vị, nhà trường thông qua trang web nhà trường công khai việc liên kết bổ trợ ngoại ngữ. Đặc biệt là chương trình đào tạo.

Đỗ Thơm