Bát nháo chương trình tiếng Anh tăng cường tại Thành phố Thanh Hóa

26/07/2018 07:36
XUÂN THIÊN
(GDVN) - Nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa vẫn đưa chương trình tiếng Anh tăng cường lớp 1, 2 vào giờ chính khóa, không có hợp đồng liên kết...

Lợi dụng "tranh tối, tranh sáng" để trục lợi?

Việc đa dạng các hình thức giảng dạy tiếng Anh trong các nhà trường là điều cần thiết trong bối cảnh cần nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh.

Tuy nhiên, việc nhiều cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa sử dụng một số chương trình liên kết ngoại ngữ sai quy định mà không có sự giám sát chặt chẽ, thậm chí đại diện cơ quan quản lý có dấu hiệu lợi dụng việc này để làm lợi cho cá nhân một cách không trong sáng thì chẳng khác nào biến trường học thành nơi kinh doanh.

Trong khi đó có phụ huynh học sinh thì thờ ơ và không biết rằng con em mình đang học chương trình liên kết ngoại ngữ chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, điển hình là chương trình tiếng Anh Let’s Go do công ty Đại Trường Phát DTP và DTP Online đã được triển khai (năm học 2017-2018) tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thanh Hóa. Ảnh của Xuân Quang.
Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thanh Hóa. Ảnh của Xuân Quang.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, ngày 9/11/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có công văn 2673/SGDĐT-GDTH ngày 9/11/2017 về việc chấn chỉnh việc tập huấn và triển khai bộ sách Let’s Go tại thành phố Thanh Hóa.

Công văn này nêu rõ: “Yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thanh Hóa dừng phối hợp với Công ty Đại Trường Phát DTP và DTP Online trong tất cả các hoạt động tập huấn và triển khai bộ sách Let’s Go (tất cả ấn bản) và các bộ sách khác của Nhà xuất bản Đại học Oxford.

Đồng thời, yêu cầu các trường Tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa dừng việc tổ chức dạy học tiếng Anh làm quen cho học sinh lớp 1, 2 theo chương trình tiếng Anh Let’s Go do công ty Đại Trường Phát DTP và DTP Online thực hiện từ ngày 13/11/2017”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, việc dừng phối hợp với Công ty Đại Trường Phát DTP và DTP Online trong tất cả các hoạt động tập huấn và triển khai bộ sách Let’s Go (tất cả ấn bản) và các bộ sách khác của Nhà xuất bản Đại học Oxford là do “Bộ sách Let’s Go của Nhà xuất bản Đại học Oxford không chỉ định, đồng thời không cho phép Công ty Đại Trường Phát DTP và DTP Online tập huấn phương pháp dạy học và triển khai bộ sách Let’s Go”.

Tuy nhiên, ngay cả khi Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn dừng việc tổ chức dạy học tiếng Anh làm quen cho học sinh lớp 1, 2 theo chương trình tiếng Anh Let’s Go của Công ty Đại Trường Phát DTP và DTP Online, nhưng nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa phớt lờ chỉ đạo trên, tiếp tục triển khai hoạt động này dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố mà trực tiếp là bà Lê Thị Thu Hà – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, tài liệu mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được cho thấy, không lâu sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo số 2673/SGDĐT, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “cuộc họp kín” với 19 lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa phổ biến kế hoạch tiếp tục triển khai sử dụng (tận dụng) phần mềm DTP Online (phần mềm này chưa bị gỡ bỏ khỏi các thiết bị hỗ trợ giảng dạy sau khi Công ty Đại Trường Phát bị chấm dứt hoạt động tại các cơ sở giáo dục này).

Bát nháo chương trình tiếng Anh tăng cường tại Thành phố Thanh Hóa ảnh 2Liên kết ngoại ngữ, cuộc chơi đầy toan tính vụ lợi!

Một số Hiệu trưởng trường tiểu học (đề nghị giấu tên) trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa tham dự cuộc họp này cũng xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về thông tin nêu trên.

Tiếp đó, ngày 20/3/2018, phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thanh Hóa có công văn 128/CV-PGD&ĐT về việc tổ chức tiết dạy tiếng Anh theo chương trình Let’s Go cho học sinh lớp 1, lớp 2 năm học 2017-2018 vào ngày 22/3/2018, tại trường tiểu học Lê Văn Tám.

Công văn này nêu rõ: "Thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức tiết dạy tiếng Anh cho các trường thực hiện chương trình tiếng Anh làm quen Let’s Go năm học 2017-2018 gồm lãnh đạo, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, giáo viên tham gia dạy học tiếng anh làm quen Let’s Go lớp 1, 2".

Một số giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa (đề nghị giấu tên) xác nhận với phóng viên sau khi tham gia tiết dạy mẫu này, ngoài sách tiếng Anh Let’s Go, họ được hướng dẫn tiếp tục sử dụng phần mềm offline dạy học chương trình Let’s Go 1A, 1B của Công ty Đại Trường Phát - phần mềm còn lưu lại trong máy tính của giáo viên tiếng Anh và máy của nhà trường để giảng dạy cho học sinh.

Khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tại một số cơ sở Giáo dục (trường tiểu học Đông Hương) cũng cho thấy, sau khi có chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 2673, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai hoạt động dạy học này đến hết năm học 2017-2018 thay vì việc dừng hoạt động trên và trả lại khoản tiền đã thu (thu 450.000 nghìn/học sinh/năm) cho phụ huynh.

Điều này được cho là trái quy định với nội dung văn bản chỉ đạo số 2673/SGDĐT-GDTH ngày 9/11/2017 về việc chấn chỉnh việc tập huấn và triển khai bộ sách Let’s Go tại Thành phố Thanh Hóa...

Dạy tiếng Anh tăng cường lớp 1, 2 vào giờ chính khóa, thu tiền trái quy định

Tại công văn số 664/CV-PGD&ĐT ngày 6/9/2017 của phòng Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình dạy học ngoài giờ chính khóa năm học 2017-2018 gửi các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa quy định rõ, việc triển khai các chương trình tiếng Anh tăng cường “do nhà trường sắp xếp ngoài giờ chính khóa”.

Mặc dù quy định rõ là như vậy, nhưng nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa vẫn đưa chương trình tiếng Anh tăng cường lớp 1, 2 vào giờ chính khóa để giảng dạy, không có hợp đồng liên kết giảng dạy (với đơn vị thứ 3) và các hồ sơ có tính pháp lý khác.

Tại nhiều trường tiểu học, mỗi học sinh đã (phải) đóng số tiền trọn gói 450.000 đồng/năm (Trường tiểu học Quảng Cát, Trường tiểu học Hoằng Long...) cho hoạt động dạy học tiếng Anh tăng cường, hoặc nhà trường thu khoản tiền theo cái gọi là "hỗ trợ" của phụ huynh (Trường tiểu học Lê Văn Tám).

Hành vi trên được cho là trái với Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28/2/2014, ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Theo đó, Điều 14: Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nêu rõ:

1. Bảo đảm chất lượng giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

2. Khi tổ chức các hoạt động phải đảm bảo an toàn về tính mạng và các quyền lợi hợp pháp về vật chất, tinh thần cho người học, người dạy; đồng thời phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi tham gia bảo hiểm rủi ro cho người học.

3. Quản lý, lưu giữ hồ sơ, bao gồm: hồ sơ đăng ký; danh sách người dạy; danh sách người học; kế hoạch, tài liệu; hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành.

4. Khi các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị để tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải có hợp đồng giữa hai bên.

Hợp đồng phải quy định rõ về nội dung dạy học, kinh phí, đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, địa điểm tổ chức và trách nhiệm của mỗi bên. Sau khi ký kết hợp đồng phải báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp.

Mặc dù đã có quy định, nhưng nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa vẫn đưa chương trình tiếng Anh tăng cường lớp 1, 2 vào giờ chính khóa để giảng dạy. Ảnh của Xuân Thiên.
Mặc dù đã có quy định, nhưng nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa vẫn đưa chương trình tiếng Anh tăng cường lớp 1, 2 vào giờ chính khóa để giảng dạy. Ảnh của Xuân Thiên.

Từ những phân tích trên có thể thấy rõ dấu hiệu buông lỏng quản lý của lãnh đạo Thành phố Thanh Hóa trong việc chỉ đạo, giám sát việc tổ chức hoạt động dạy tiếng Anh tăng cường tại các cơ sở giáo dục tiểu học không đúng các quy định của pháp luật. 

Thậm chí một số cá nhân có dấu hiệu lợi dụng những sơ hở trong quản lý để thao túng, làm méo mó hoạt động dạy học tiếng Anh trong nhà trường.

Một số Hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa (đề nghị giấu tên) còn tiết lộ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, 30% số tiền thu được từ việc triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường không đúng quy định đã nộp về Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thanh Hóa.

Trước sự việc nói trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã nắm được sự việc đồng thời sẽ cho kiểm tra thông tin theo phản ánh của phóng viên.

XUÂN THIÊN