Các trung tâm dạy nghề ở nhiều tỉnh lẻ đang gặp khó

27/07/2018 07:37
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Trong hoàn cảnh hiện tại, các trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề xem ra đuối sức, không còn phù hợp với nhu cầu của người học.

LTS: Phản ánh hoạt động khó khăn của các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề ở một số địa phương, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Sở Nội vụ Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề đang hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả do nguồn tuyển sinh không ổn định;

Nhu cầu học bổ túc văn hóa, bồi dưỡng kiến thức, học nghề hiện nay rất thấp; các nhiệm vụ về giáo dục thường xuyên không còn phù hợp.

Từ thực tế đấy, Sở Nội vụ tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh phương án và lộ trình chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và giải thể các trung tâm trong năm nay và các năm đến.

Lớp học nghề may ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, dạy nghề Bắc Trà My. Ảnh: Baoquangnam.vn
Lớp học nghề may ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, dạy nghề Bắc Trà My. Ảnh: Baoquangnam.vn

Về chức năng giáo dục thường xuyên, đối với các trung tâm còn đang thực hiện nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa, các phòng ban liên quan ở cấp huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh tiếp tục triển khai cho đến kết thúc;

Đối với chức năng giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông cấp Trung học cơ sở chuyển giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý thực hiện;

Đối với chức năng dạy nghề xã hội được chuyển giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý thực hiện.

Nhiều lãnh đạo trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề ở Quảng Nam băn khoăn, lo lắng về việc bố trí việc làm đối với diện cán bộ, giáo viên lâu nay dạy nghề kỹ thuật tổng hợp như các nghề: may, đan, gia chánh, điện dân dụng… không phải là giáo viên được đào tạo tại các trường sư phạm thì sẽ như thế nào và đi về đâu?

Từ năm học 2017-2018, Uỷ ban nhân dân huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức công bố quyết định giải thể Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề huyện. 

Các trung tâm dạy nghề ở nhiều tỉnh lẻ đang gặp khó ảnh 2Vì sao học giáo dục thường xuyên không phải là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh?

Cũng tại địa phương này, từ năm học này, việc áp dụng xét tuyển và phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở được cụ thể hóa từ Chỉ thị của Trung ương và Nghị quyết 11 Quảng Nam.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 20% học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, năm học 2017-2018, có hơn 1.280 học sinh không được tiếp tục học Trung học phổ thông.

Do trước đây, mỗi huyện đều có Trung tâm giáo dục thường xuyên dạy hệ bổ túc. 

Tuy nhiên, nhu cầu không còn nhiều nữa nên chủ trương của tỉnh là giải thể, sau đó sáp nhập về trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, ở thành phố Tam Kỳ.

Vì vậy, số học sinh thi hỏng lớp 10 các trường công lập sẽ phải chấp nhận đi học xa nhà khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng.  

Hai năm nay, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề ở tỉnh Quảng Ngãi được giao về cho các huyện, thành phố quản lý.

Tuy được các cấp, ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo sát sao sau khi sắp xếp, bàn giao về huyện, nhưng hiện nay phần lớn các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề ở đây vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn học sinh học hệ giáo dục thường xuyên, học nghề phổ thông, học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho các đối tượng ở nông thôn, miền núi ngày càng suy giảm, cạn kiệt.

Các trung tâm dạy nghề ở nhiều tỉnh lẻ đang gặp khó ảnh 3Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện đảo Lý Sơn sắp bị khai tử

Nhiều phòng ốc, trang thiết bị, dụng cụ, máy móc… của 8 trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề ở các huyện miền núi, hải đảo và huyện Nghĩa Hành bị bỏ không, rất lãng phí.

Còn cán bộ, giáo viên cơ hữu thì ít việc nhưng hàng tháng vẫn nhận đủ chế độ, lương của Nhà nước.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề huyện đảo Lý Sơn, được thành lập từ tháng 4 năm 2013, theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm, học sinh học bổ túc chưa được hai đầu ngón tay, học sinh bậc Trung học cơ sở ở xã An Vĩnh và An Hải học nghề phổ thông lại chẳng có nhiều, nên Trung tâm đứng trước nguy cơ bị đóng cửa và giải thể nay mai.

Các trường Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề ở các địa phương như thành phố Đà Nẵng, Thanh Hóa… tình hình hoạt động cũng ảm đạm, khốn đốn tương tự như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nhiều phụ huynh và học sinh cho biết:

"Nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm khuyến khích, cộng điểm (từ 0,5 điểm đến 2 điểm) đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông trong thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia thì còn lâu học sinh mới đi học nghề phổ thông ở trường Trung học phổ thông và ở các trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề.

Vì nặng lý thuyết, hình thức, thi cử không thực chất, toàn chứng chỉ loại khá, giỏi nhưng áp dụng, thực hành lại lúng túng, thậm chí không biết gì.”       

Các trung tâm dạy nghề ở nhiều tỉnh lẻ đang gặp khó ảnh 4Sự lãng phí ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng

Có thể nói, trong một chặng đường dài, khoảng 20 năm, các Trung tâm ở hầu hết các huyện trong phạm vi cả nước đã có những đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, học hệ bổ túc, học nghề, nhằm nâng cao trình độ dân trí và tạo cơ hội việc làm cho người lao động, giải quyết bớt áp lực, quá tải cho hệ thống giáo dục phổ thông công lập.

Tuy nhiên, trước những thay đổi, chuyển dịch nhanh chóng và sâu sắc về số lượng, quy mô học sinh, nhu cầu của người học, sự phát triển, đa dạng hóa các loại ngành nghề, loại hình đào tạo hiện nay, các trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề xem ra đuối sức, không còn phù hợp với nhu cầu của người học và thực tiễn xã hội, đã đến lúc, các địa phương cần tính toán đến việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và giải thể.

Tất nhiên, phải bàn bạc, thống nhất, cân nhắc thật kỹ lưỡng, có lộ trình hẳn hoi và làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền cho các đối tượng có liên quan để tránh xáo trộn, gây hoang mang, lo lắng và các vấn đề phức tạp khác nảy sinh.

Hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, gây lãng phí lớn về nguồn lực con người, kinh phí và cơ sở vật chất của Nhà nước thì các địa phương không thể không “khai tử” hoặc chuyển đổi mô hình này.

Các địa phương làm sau có thể học hỏi, vận dụng kinh nghiệm, cách xử lý, giải quyết của những địa phương đã và đang triển khai thành công.

ĐỖ TẤN NGỌC