AVG khóa kênh thiết yếu quốc gia, ông Nguyễn Hà Yên nói dân cần xem tìm chỗ khác

04/08/2018 08:02
Lại Cường
(GDVN) - Ông Yên cũng cho rằng, AVG có nhiều lỗi cần khắc phục; Cục cũng sẽ tiến hành thanh tra kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp không kiểm soát được hợp đồng

Như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa trong bài Mập mờ hợp đồng, khách hàng bị thiệt hại, AVG khẳng định mình đúng, trong đó doanh nghiệp nêu việc họ cắt khóa mã và việc nhiều thuê bao không ký hợp đồng với nhà cung cấp là đúng.

Ngày 31/7, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nói về truyền hình trả tiền, ông Yên cho biết: “Truyền hình trả tiền là dùng biện pháp kỹ thuật để quản lý thuê bao. Có nhiều kỹ thuật quản lý khác nhau trong đó có khóa mã.

Nó khác với truyền hình quảng bá là ai cũng có thể thu xem được bằng các thiết bị sẵn có.

Trên truyền hình trả tiền có sự ràng buộc về kỹ thuật thu xem thì doanh nghiệp phải truyền các kênh truyền hình thiết yếu của trung ương.

Còn đối với địa phương thì tùy với phương án của địa phương”.

AVG không kiểm soát được hợp đồng cung cấp dịch vụ khách hàng vì phân phối qua Mobifone? (Ảnh: LC)
AVG không kiểm soát được hợp đồng cung cấp dịch vụ khách hàng vì phân phối qua Mobifone? (Ảnh: LC)

Theo ông Yên thì việc phải truyền ở đây đã rất rõ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình thì phải truyền: “Riêng đối với công ty AVG (Công ty nghe nhìn toàn cầu) thì Cục theo dõi trên hệ thống truyền dẫn phát sóng của doanh nghiêp là có các kênh thiết yếu và kênh địa phương.

Cái mà doanh nghiệp và khách hàng gặp vướng mắc ở đây chính là vấn đề quyền lợi của khách hàng”.

Ông Yên cho biết thêm: “Qua cuộc họp của Cục với Doanh nghiệp chúng tôi thấy có điểm mấu chốt như thế này:

Theo giải trình của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phân phối qua tổng đại lý là Mobiphone, Mobiphone giao cho 9 chi nhánh và các chi nhánh này phân phối qua các đại lý trong các tỉnh và các cửa hàng bán lẻ.

Tiếp theo các cửa hàng bán lẻ này có người bán sẽ lắp đặt cho khách hàng.

Ở mỗi hộp đầu thu sẽ có 2 hợp đồng mẫu, khách hàng sẽ ký hợp đồng và đơn vị giao dịch sẽ chuyển hợp đồng về cho doanh nghiệp.

Các đại lý này lại cung cấp theo kiểu doanh nghiệp cung cấp phiếu bảo hành, nghĩa là người mua hàng sẽ ghi thông tin vào phiếu gửi về cho doanh nghiệp sau đó doanh nghiệp sẽ kích hoạt tài khoản qua một số điện thoại đã đăng ký.”

AVG khóa kênh thiết yếu quốc gia, ông Nguyễn Hà Yên nói dân cần xem tìm chỗ khác ảnh 2MobiTV vẫn cắt sóng kênh thiết yếu quốc gia, lờ quy định pháp luật

Theo giải trình của AVG với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho thấy:

“Trong một số trường hợp doanh nghiệp nói doanh nghiệp cũng không kiểm soát được khách hàng của doanh nghiệp có hợp đồng hay không”.

Thiết bị đầu cuối đã bán cho khách hàng nếu không nạp tiền sẽ không thu xem được kênh truyền hình trả tiền và các kênh cung cấp dịch vụ khác.

Ông Yên cho biết, doanh nghiệp đang làm sai ở khâu đó, vì chưa làm tốt khâu này dẫn đến ngay cả việc khách hàng đang khiếu nại đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì AVG cũng không biết khách hàng của mình là dịch vụ mặt đất hay dịch vụ truyền hình vệ tinh.

Chính AVG cũng không giữ hợp đồng cho nên không biết khách hàng thuộc diện nào chỉ biết rằng nhân thân của khách hàng thông qua số điện thoại đã đăng ký và nạp tiền qua thẻ.

Khi AVG thấy trên hệ thống tiền đã được nạp, thiết bị đã được kích hoạt, doanh nghiệp cho đó là một thuê bao hợp lệ.

Khi hết tiền thì thuê bao đó không còn hợp lệ nữa và tự nhiên các biện pháp ràng buộc kỹ thuật để thu xem nó có hiệu lực và thiết bị thu hết tiền đó sẽ không giải mã được.

Đây là bản chất của vấn đề. Ở đây doanh nghiệp là đang có quy trình phân phối thiết bị chưa phù hợp.

Trong biên bản làm việc với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục đã yêu cầu doanh nghiệp phải chấn chỉnh việc này.

Doanh nghiệp không ý thức đầy đủ?

Về hợp đồng mẫu, ông Yên cho biết AVG đã đăng ký đúng hợp đồng mẫu về cục quản lý cạnh tranh và đã được phê duyệt cụ thể, hợp đồng mẫu của doanh nghiệp cũng rất cụ thể.

Tuy nhiên, theo ông Yên: “Hợp đồng của doanh nghiệp là hợp lệ, chỉ mỗi cái là hợp đồng giao kết giữa hai bên là chưa xác nhận bằng văn bản.

Ông mua không ký và ông bán cũng không nhận được. Doanh nghiệp chỉ biết thông qua đại lý bán lẻ báo về trung tâm thôi”.

Ông Yên cũng cho biết, trong thời gian tới cục sẽ tăng cường tiến hành kiểm tra việc này.

Nghĩa là doanh nghiệp cần phải chấn chỉnh quy trình phân phối và phát triển thuê bao, đảm bảo việc khách hàng điền đầy đủ thông tin vào hợp đồng, đảm bảo khách hàng biết nội dung giao kết hợp đồng và được nhận bản hợp đồng.

Nói về phải phát kênh truyền hình quảng bá, ông Yên cho biết: “Về vấn đề truyền hình trả tiền cũng đã được định nghĩa theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016.

Và trên tinh thần của nghị định này, doanh nghiệp được cấp phép truyền hình phải truyền các kênh thiết yếu quốc gia trên dịch vụ và phải được thể hiện và ràng buộc trong hợp đồng.

Như vậy khi có hợp đồng thì bất kỳ bên bán và bên mua dịch vụ đều phải tuân thủ theo hợp đồng, mọi vấn đề phát sinh đều được giải quyết theo hợp đồng.”

Hợp đồng dịch vụ chưa được AVG nhận thức đầy đủ, có đăng ký cũng như không? (Ảnh: AVG)
Hợp đồng dịch vụ chưa được AVG nhận thức đầy đủ, có đăng ký cũng như không? (Ảnh: AVG)

Ông Yên cho biết: “Theo hợp đồng mẫu, nếu khách hàng mà không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của khách hàng. Cụ thể là không nộp cước thì doanh nghiệp có thể tạm dừng cung cấp dịch vụ.

Tạm dừng dịch vụ ở đây có nghĩa là họ sẽ sử dụng biện pháp kỹ thuật (khóa mã) khiến thuê bao không xem được nữa cho đến khi nộp tiền”.

“Việc có được xem hay không xem kênh truyền hình thiết yếu quốc gia hay không khi hết cước phải được cụ thể hóa trong hợp đồng”. ông Yên cho biết.

Trong trường hợp khách hàng không xem được kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, khách hàng xem qua kênh dịch vụ quảng bá do nhà nước cung cấp. Thông qua các doanh nghiệp nhà nước phát sóng quảng bá, ông Yên cho biết thêm.

Ông Yên cũng cho biết thêm các doanh nghiệp truyền tải hệ thống miễn phí ngoài VTV còn có DTV và trong miền Nam là SCTV và thu bằng các loại ăng ten thông thường.

AVG khóa kênh thiết yếu quốc gia, ông Nguyễn Hà Yên nói dân cần xem tìm chỗ khác ảnh 4Mobitv tự ý cắt kênh thiết yếu, nói dối khách hàng

Về buổi làm việc với doanh nghiệp, đại diện Cục Phát thanh và Truyền hình cho biết hiện Cục vẫn đang chờ doanh nghiệp bổ sung văn bản, hồ sơ và sẽ có công văn trả lời cụ thể cho báo trong thời gian sớm nhất.

Ông Yên cũng khuyến cáo khách hàng nên công khai danh tính và khi có phát sinh nên khiếu nại tới bộ phận Thanh tra của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử để lấy lại quyền lợi.

Trong trường hợp này, ông Yên đánh giá: “Vấn đề hợp đồng đã không được doanh nghiệp ý thức đầy đủ”.

Ông Yên cũng cho biết việc doanh nghiệp không cung cấp hợp đồng hoặc có sự mập mờ về hợp đồng Cục sẽ tiến hành kiểm tra.

Đây cũng là một chuyên đề mà Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ tiến hành kiểm ra trong năm nay.

Hiện Cục đang phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương kiểm tra, rà soát các loại hợp đồng mẫu.

Ông Yên cũng nêu hiện tượng của một số doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền thình trả tiền thì hợp đồng mẫu hiện nay chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Chưa tách riêng hợp đồng viễn thông với hợp đồng truyền hình. Doanh nghiệp lại làm theo kểu combo (gói), tích hợp cả viễn thông, cả truyền hình có hạch toán riêng không được chồng chéo và phải nộp phí riêng.

Việc gộp dịch vụ như vậy sẽ gây thất thoát cho nhà nước.

Vấn đề này, ông Yên cho biết, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới.

Lại Cường