Xóa ảnh hưởng của Thaksin Shinawatra, nền chính trị Thái Lan vẫn chông chênh

06/08/2018 07:05
Thạc sĩ Thanh Bình
(GDVN) - 4 năm sau đảo chính, Thái Lan chỉ duy trì được sự ổn định xã hội nhưng không thể thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Ngày 22/5/2018 đánh dấu kỷ niệm 04 năm kể từ lần đảo chính cuối cùng ở đất nước Thái Lan, lần đảo chính thành công thứ 12 trong tổng số 20 cuộc đảo chính ở quốc gia này kể từ năm 1932 đến nay.

Động cơ đằng sau các cuộc đảo chính gần đây rất phức tạp. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là xuyên suốt lịch sử của Thái Lan và sau cuộc đảo chính năm 2014, xu hướng bảo thủ đang ngày càng bao trùm trên đất nước chùa vàng.

Thái Lan sẽ không bao giờ có thể thiết lập được nền dân chủ và liên tục bị trì hoãn bởi những lợi ích của liên minh bảo hoàng và quân đội, những người được cho là thuộc phe bảo thủ.

Tướng Prayuth Chan-ocha (giữa), Thủ tướng Thái Lan trong một cuộc họp tại Trụ sở Quân đội Hoàng gia Thái Lan (Nguồn: ibtimes.com)
Tướng Prayuth Chan-ocha (giữa), Thủ tướng Thái Lan trong một cuộc họp tại Trụ sở Quân đội Hoàng gia Thái Lan (Nguồn: ibtimes.com)

“Yếu tố Thaksin” và nỗ lực củng cố quyền lực của phe bảo thủ

Điểm mấu chốt của các vấn đề năm 2014 là nhu cầu của một chế độ cũ đòi lại sự thống trị sau khi nó đã đánh mất dưới thời của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong giai đoạn 2001-2006.

Để thực sự hiểu được điều gì đang diễn ra ở Thái Lan bây giờ, cần phải có sự đánh giá “yếu tố Thaksin”.

Sau khi thắng cử năm 2001, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã thực hiện các chính sách vì người nghèo như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tài chính vi mô.

Ở Thái Lan, Thaksin Shinawatra được xem như là “người bảo vệ dân nghèo”.

Nhiều người đồng ý rằng các chính sách này đã cải thiện cuộc sống của người dân vùng nông thôn nghèo đói ở phía bắc và đông bắc Thái Lan.

Hơn nữa, ông Thaksin đã chứng tỏ là một chính trị gia tôn trọng lời hứa đối với người nghèo và hiện nay, phần lớn dân chúng vẫn ủng hộ ông một cách mạnh mẽ. Thực tế, điều này đã không làm hài lòng phe bảo thủ. [1]

Khoảng thời gian từ lần đảo chính năm 2006 đến cuộc đảo chính của quân đội gần đây cho thấy các nỗ lực tăng cường chiến dịch tuyên truyền của liên minh bảo hoàng-quân đội;

Mục đích nhằm lấy lại quyền lực chính trị, văn hóa và kinh tế, những thứ mà dường như đang bị nhượng lại cho chính phủ của các đảng liên kết, thuộc phe Thaksin Shinawatra, đã giành chiến thắng ở tất cả các cuộc bầu cử từ năm 2001.

Sau cuộc đảo chính năm 2006, để tránh tiếp tục xuất hiện cục diện một đảng chiếm đa số tại quốc hội như đảng của Thaksin, phe bảo thủ đã thông qua Hiến pháp năm 2007 nhằm xóa bỏ tiêu chuẩn phân phối ghế nghị sỹ trong cơ chế danh sách chính đảng.

Không những thế, hành động này còn kích thích sự phục hưng và phát triển của các đảng nhỏ nhằm kiềm chế sự vận hành quyền lực của phe Thaksin tại quốc hội.

Hiến pháp năm 2017 tiếp tục đưa ra nguyên tắc bầu cử với sự phân phối hỗn hợp số ghế quốc hội, hạn chế quy mô đảng lớn và khuyến khích sự phát triển của các đảng trung bình và nhỏ.

Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho bất kỳ đảng phái mới nào thực thi cải cách chính sách hoặc thể chế [2].

Ông Thaksin Shinawatra và bà Yingluck Shinawatra, cựu Thủ tướng Thái Lan (Nguồn:asyalist.com).
Ông Thaksin Shinawatra và bà Yingluck Shinawatra, cựu Thủ tướng Thái Lan (Nguồn:asyalist.com).

Sau đảo chính và lên nắm quyền vào năm 2014, chính phủ quân đội đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp đe nẹt những người không ủng hộ chính sách mới thông qua việc thay thế các quan chức ở tất cả các cấp.

Chính phủ quân đội đã chỉ định các nghị sỹ và các nhân vật thân cận với mình làm việc trong các lĩnh vực hành chính công, tòa án và các cơ quan được gọi là độc lập.

Song song với đó là sự vào cuộc của mạng lưới truyền thông với các chiến dịch tuyên truyền nhằm ủng hộ chính phủ quân đội hiện tại.

Điều đó khiến cho “yếu tố Thaksin” rất ít được thảo luận [3].

Hơn nữa, Hiến pháp năm 2017 được đưa ra trưng cầu dân ý có vẻ nhằm chuẩn bị cho sự trở lại của chính phủ dân chủ nhưng thực tế là nhằm củng cố vai trò của quân đội với tư cách là cơ quan quyền lực tối cao.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng đây rõ ràng là hướng đến mục đích của phe bảo thủ cản trở nỗ lực quay lại chính trường của Thaksin.

Thitinan Pongsudhirak, một nhà nghiên cứu chính trị của Đại học Chulalongkorn, Bangkok cho biết chính quyền quân đội có thể rất sợ mất quyền kiểm soát khi tiến hành bầu cử [4].   

Thách thức đối với chính phủ quân đội và nền dân chủ Thái Lan

Từ lâu, chính trị của Thái Lan đã bị chi phối bởi quân đội và bảo hoàng. Đối với một chính phủ được bảo hoàng cho phép đứng ra điều hành, chính phủ đó thường có một địa vị yếu, dễ bị tổn thương và thường bị quân đội lật đổ.

Chống tham nhũng là lý do quan trọng khiến phe bảo thủ lật đổ được chính quyền Yingluck trong cuộc đảo chính năm 2014 do đã đáp ứng được xu thế lớn của lòng dân sau xung đột chính trị trong thời gian dài.

Sau 04 năm cầm quyền, chính quyền của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha chỉ có thể duy trì được sự ổn định xã hội nhưng không thể thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, mất điểm nhiều nhất của chính quyền quân đội là không thể xây dựng được một chính phủ liêm chính.

Vụ bê bối trốn thuế của tướng lĩnh quân đội Thái Lan được đẩy lên từ đầu năm 2018 đến nay đã có tác động không nhỏ đến uy tín chính trị của chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Nhân vật thứ hai trong chính phủ, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon đã gây ra sự bất bình lớn của công chúng, đặc biệt là giới trung lưu ở thành phố và đã có 60 nghìn người ký yêu cầu cách chức ông.

Ông Prawit bị cáo buộc đã không khai báo tài sản trước khi lên nắm quyền [5].

Ông Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng Thái Lan (Nguồn: Reuters).
Ông Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng Thái Lan (Nguồn: Reuters).

Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên đã khiến chính quyền quân đội thêm đau đầu trong khi vẫn đang chịu sức ép lớn từ việc quản trị tồi đến các vụ bê bối nói trên.

Phong trào áo đỏ ủng hộ nền dân chủ của Thái Lan tiếp tục xuất hiện trên truyền thông và tổ chức các cuộc biểu tình quanh thủ đô Bangkok.

Ông Weng Tojirakarn, một lãnh đạo Mặt trận Thống nhất vì dân chủ chống độc tài (UDD) cho biết chính quyền quân sự đang trong tình trạng tồi tệ.

Báo Bangkok Post của Thái Lan, số ra ngày 28/5/2018 cho rằng, uy tín của chính quyền quân sự và ban lãnh đạo Thái Lan đang ngày một suy giảm [6].

Chính quyền quân đội đang mất đi quyền lực và giờ đây không còn nhiều người sẵn sàng chấp nhận các sắc lệnh của chính quyền mà không đặt ra những câu hỏi và hoài nghi.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư James Taylor, Đại học Adelaide (Australia), Hiến pháp năm 2017 đã không cho phép một cuộc bầu cử công bằng và tự do.

Lần trưng cầu dân ý về thay đổi Hiến pháp năm 2017 được cho là sẽ giúp chính phủ quân đội kiểm soát chính trị ở Thái Lan trong khoảng thời gian ít nhất 20 năm tới.

Với cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào tháng 02/2019, tướng Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng hiện tại của Thái Lan đang ra sức vận động, tìm kiếm sự ủng hộ của người dân.  

Kế hoạch của ông là xây dựng một Thái Lan hoàn hảo, một "cõi thiên đường Shangri-La" được xây đắp bởi vị Thủ tướng của chính quyền quân sự và sẽ không có biểu tình, bởi theo quan điểm của ông về "nền dân chủ bền vững" sẽ không cần phải có các cuộc biểu tình [7].

Cuối năm 2016, nhà vua Bhumibol từ trần đã để lại một sự hụt hẫng lớn trong dân chúng Thái Lan.

Trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị mà đất nước này sa lầy vào từ hơn 10 năm nay đã khiến một bộ phận trong giới tinh hoa xã hội chán nản trước nền dân chủ.

Cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 02/2019, chính phủ quân đội cầm quyền đang cố gắng khai thác sự luyến tiếc quá khứ vì những mục đích chính trị.

Họ muốn thể hiện rằng chính phủ quân đội chính là sự bảo đảm cho một xã hội không lay chuyển.

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-39499485

[2] https://thediplomat.com/2018/05/thailands-junta-cracks-down-on-thaksins-pheu-thai-party/

[3] http://www.eastasiaforum.org/2018/06/27/illusions-of-progress-towards-thai-democracy/

[4] https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/1457669/thailands-global-standing-at-a-low-point

[5] https://asiancorrespondent.com/2018/01/thai-deputy-pm-prawits-luxury-watch-scandal-deepens/

[6] https://www.bangkokpost.com/news/politics/1474009/democrats-open-to-pheu-thai-coalition

[7] http://www.eastasiaforum.org/2018/06/27/illusions-of-progress-towards-thai-democracy/

Thạc sĩ Thanh Bình