Phương án thi lớp 10 của Hà Nội đang đi ngược lại với mục tiêu giáo dục

27/08/2018 07:47
Thùy Linh
(GDVN) - Không nên gắn mục đích tuyển sinh lớp 10 với việc cho rằng cần thi nhiều môn để học sinh học toàn diện - đây là mục tiêu giáo dục để hoàn thành bậc học.

Vào tháng 4/2018, theo thông tin mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, từ năm học 2019-2020, thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thi 3 bài thi - gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp:

Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học).

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 13/8 mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bất ngờ đưa ra thêm phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến góp ý đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. 

Đa số cho rằng phải thay đổi phương án thi, nhưng cũng đều băn khoăn bởi không rõ việc tăng số môn thi có giúp tăng chất lượng giáo dục hay sẽ khiến học sinh chịu thêm áp lực.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần xem lại mục đích tuyển sinh vào lớp 10 là gì để từ đó chọn phương án thi sao cho phù hợp. 

Chứ không nên gắn mục đích tuyển sinh với việc cho rằng cần thi nhiều môn để học sinh học toàn diện - đây là mục tiêu giáo dục để hoàn thành bậc học. 

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, không nên gắn mục đích tuyển sinh lớp 10 với việc cho rằng cần thi nhiều môn để học sinh học toàn diện - đây là mục tiêu giáo dục để hoàn thành bậc học. (Ảnh: Trinh Phúc)
Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, không nên gắn mục đích tuyển sinh lớp 10 với việc cho rằng cần thi nhiều môn để học sinh học toàn diện - đây là mục tiêu giáo dục để hoàn thành bậc học. (Ảnh: Trinh Phúc)

Thầy Khang chỉ rõ, nếu chúng ta vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở thì việc đòi hỏi học sinh thi nhiều môn để đánh giá là đúng và cần thiết, tuy nhiên, hiện nay học sinh hoàn thành bậc học này được xét tốt nghiệp. 

Do đó, nếu tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức nào đó để buộc học sinh phải học nhiều môn là không đúng với tinh thần tuyển sinh. 

Giống như tuyển sinh đại học, trước năm 2015, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng học trò chỉ cần thi 3 môn rồi các trường dựa vào kết quả đó để xét tuyển, còn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đòi hỏi học sinh thi ít nhất là 6 môn. 

Nhưng nay kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có mục tiêu tiên quyết là xác nhận trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông do đó việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 5 bài thi với 9 môn thi để học sinh lựa chọn là phù hợp với mục đích đưa ra. 

Phương án thi lớp 10 của Hà Nội đang đi ngược lại với mục tiêu giáo dục ảnh 2Tuyển sinh vào lớp 10, thi mấy môn là đủ?

Dựa trên cơ sở này, thầy Khang cho rằng, tuyển sinh vào lớp 10 học trò chỉ nên thi 3 môn công cụ chủ yếu gồm Toán, Văn và Tiếng Anh.

Còn muốn học sinh học toàn diện thì cần có cách dạy và học làm sao để mục tiêu giáo dục là “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để sống” thực hiện được. 

Hơn nữa, hiện nay xã hội đang lên án tình trạng học sinh học chỉ để thi do đó nếu dùng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để ép học sinh phải học toàn diện thì chẳng khác nào ngành giáo dục Thủ đô đang vi phạm vào đúng quan điểm đó. 

Khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra 3 phương án tuyển sinh lớp 10 để lấy ý kiến, một số chuyên gia cho rằng nên thi theo phương án thứ 3 để đảm bảo tránh học tủ, học lệch, tức là đòi hỏi học sinh thi 6 môn. 

Nhưng theo đánh giá của thầy Khang, nếu Hà Nội áp dụng phương án thi này thì 3 năm sau chắc chắn ngành giáo dục Thủ đô lại phải thay đổi. 

Thầy Khang giải thích, chúng ta đang tiến hành cải cách giáo dục, hiện tại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có, chương trình môn học dự kiến sắp được công bố tức là đang chuẩn bị viết sách giáo khoa. 

Theo đó, chương trình bậc trung học cơ sở nói chung, lớp 9 nói riêng sẽ thay đổi theo hướng tích hợp các môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và môn Lịch sử và Địa lý. 

Có nghĩa là, sách giáo khoa sắp tới sẽ không còn bài học thuần túy chỉ là Địa lý, Lịch sử mà chúng sẽ được tích hợp với nhau (kể cả Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng như vậy). 

Phương án thi lớp 10 của Hà Nội đang đi ngược lại với mục tiêu giáo dục ảnh 3Nếu Hà Nội chọn thi tổ hợp để tuyển sinh vào 10 thì cần làm những việc sau đây!

Tuy nhiên, khi nhìn vào phương án tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, môn Vật lý ở nằm trong bài thi tổ hợp 1 thì Hóa học, Sinh học lại nằm trong bài thi tổ hợp 2. 

Và ngược lại, Địa lý nằm trong bài thi tổ hợp 2 thì Lịch sử lại nằm trong bài thi tổ hợp 1. 

Do đó, khi có sách giáo khoa mới thì Hà Nội sẽ buộc phải thay đổi cách thi vào lớp 10. 

“Rõ ràng, phương án thi số 3 mâu thuẫn với chương trình giáo dục phổ thông mới” thầy Khang nhấn mạnh. 

Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 và đang lấy ý kiến các nhà trường, cụ thể: 

Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Bài thi thứ tư do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.

Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học).

Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài.

Với phương án này, thực chất học sinh sẽ thi 6 môn và việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào cũng sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.

Thùy Linh