Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa

12/09/2018 07:08
GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN HÃN
(GDVN) - Lấy bất biến ứng vạn biến là lẽ thường. Còn ngược lại là không thuận (là nghịch). Thực tiễn cho thấy, tư duy ngược, giáo dục sẽ bị xáo trộn.

LTS: Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết thứ 2 của thầy Nguyễn Xuân Hãn luận giải nguyên nhân tại sao Việt Nam cứ thay sách giáo khoa liên tục.

Nội dung và văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Năm nào cũng in lại sách giáo khoa, chưa rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vô tình hay hữu ý, đã làm giàu cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với siêu lợi nhuận.

Các chuyên gia giáo dục đã ít nhiều làm rõ một số nguyên nhân sau: 

Thứ nhất, theo tư tưởng Hồ Chí Minh vào năm 1950 ta bỏ phân Ban theo Pháp thời nô lệ, xây dựng nền giáo dục độc lập và khẳng định tính toàn diện trong giáo dục phổ thông;

Có duy nhất một chương trình thống nhất, mấy bộ sách giáo khoa trong toàn quốc, các câu lạc bộ được tổ chức cho tất cả các em học sinh năng khiếu (học tập cách làm chương trình của Anh, Đức, Mỹ, Nga đã làm hàng trăm năm nay).

Năm 1993 phân Ban được Bộ Giáo dục và Đào tạo khôi phục lại, đến nay đã 25 năm song mọi phương án phân Ban của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất và triển khai đều bị thực tiễn phủ quyết.  

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa ảnh 1Năm nào cũng in lại sách giáo khoa, những con số biết nói

Thứ hai, việc biên soạn sách giáo khoa chuẩn đã được đề cập trong cả 3 nghị quyết:

a) Trong Cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ chính trị ra ngày 11/1/1979 “về xây dựng Chương trình – Sách giáo khoa chuẩn và triển khai trong toàn quốc, sau khi đất nước Việt Nam thống nhất”;

b) Nghị quyết số 40-NQ/QH10 ngày 9/12/2000 “về đổi mới Chương trình – Sách giáo khoa chuẩn phổ thông”, khẩu hiệu “Dạy học theo phương pháp tích cực” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra và tuyên truyền;

c) Nghị quyết 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 1/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…, khẩu hiệu “Tiếp cận phẩm chất năng lực của người học” được tuyên truyền rộng rãi.

Đến nay gần 40 năm, giáo dục phổ thông vẫn chưa có được sách giáo khoa chuẩn. Tại sao?

Theo cá nhân tôi, nghiên cứu và chiêm nghiệm cách làm sách trong và ngoài nước, tôi có một số kết luận sau:

Một là, việc phân chia người dạy và người học thành “giáo viên là trung tâm” và “học sinh là trung tâm” được thảo luận ở mức các ý tưởng mới trên diễn đàn phương pháp giảng dạy. [1]

Xin trích một đoạn “… thuật ngữ dạy học giáo viên là trung tâm là do những người chủ trương học sinh là trung tâm đặt ra để chỉ kiểu dạy học truyền thống đang tồn tại phổ biến.

Trước đó, kiểu dạy học truyền thống chưa bao giờ tự định danh dạy học lấy giáo viên làm trung tâm”.

Nói một cách hình ảnh, tương tự như việc phân chia thành “quân xanh” và “quân đỏ” để diễn kịch.

Hai là, tư duy đổi mới trong làm sách hiện nay đi theo hướng ngược lại 180 độ với tiền nhân.

Các phương pháp giảng dạy tích cực và tiếp cận phẩm chất năng lực lại được coi là hai tiêu chí quan trọng để triển khai Nghị quyết của Quốc hội và của Đảng.

Nghiên cứu các tài liệu nước ngoài, nhận thấy tiêu chí của Việt Nam phân chia giáo viên là trung tâm và học sinh là trung tâm đang áp dụng, chưa phải là tiêu chí khoa học, vì nó rất lạ và chưa được bất cứ nước nào thừa nhận trong dạy và học.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa ảnh 2“Đừng làm chương trình, sách giáo khoa bằng tư duy... tiểu nông"

Khi hỏi người có trách nhiệm của Bộ trong đợt đổi mới sách giáo khoa lần này “các phương pháp giáo dục kể trên và phương pháp “học đi đôi với hành” của Bác, có gì khác nhau?

Không ai trả lời được.

Sau một Giáo sư nguyên Hiệu trưởng của Đại học Sư phạm nói “không có gì khác nhau cả”! Các khái niệm cốt lõi này đã vô tình bị đánh tráo, người dân phải chịu mọi hậu quả!

Ba là, sách giáo khoa trước đây được coi trọng - là pháp lệnh trong dạy và học, nay làm ngược lại, chương trình mới là quan trọng.

Ai cũng biết, chương trình mới là nội dung tóm tắt, là hình ảnh, cái bóng của sách giáo khoa, còn rất xa mới có được sách giáo khoa.

Tại sao?

Cùng một mục lục, ta có vài cách viết sách giáo khoa khác nhau, viết cho người nghiên cứu (thường gọi là hàn lâm), viết cho người sử dụng, viết phổ biến khoa học nâng cao dân trí, một phần nội dung chọn lọc đưa vào phổ thông;

Chúng ta vẫn gọi đó là môn khoa học thường thức ở các nước sử dụng cho cấp tiểu học, tôi đã đăng ý kiến “sách giáo khoa cái có thật, tại sao lại đang phải chạy theo cái bóng của mình?” (Báo Nhân Dân 6/11/2000) để bình luận về vấn đề này.

Lưu ý, Chương trình Giáo dục tổng thể với sách giáo khoa tích hợp ở cấp trung học cơ sở tới đây, theo nghiên cứu riêng của tôi, hiện đang được sao chép sách môn khoa học thường thức ở bên ngoài.

Sự nhận thức sai lệch này sẽ loại hàng vạn giáo viên khỏi bậc trung học cơ sở, và Cao đẳng hóa trường Đại học sư phạm gây bất ổn hệ thống. [2]

Đổi mới căn bản, toàn diện trong Giáo dục phổ thông theo nghiên cứu giáo dục và khoa học trong và ngoài nước xin khẳng định, không hề liên quan tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số;

Và sách giáo khoa “tích hợp” có sự bất cập và nhầm lẫn về khoa học, đang được công luận đề nghị giải Nobel cho tổng chủ biên và các cộng sự! [3], [4]

Ở tầm vĩ mô, tôi cũng rất băn khoăn, tại sao các Nghị quyết ra liên tục, song chưa thấy một Nghị quyết nào được tổng kết, cái gì làm được, cái gì chưa, để rút kinh nghiệm cho Nghị quyết sau?

Hơn nữa, Nghị quyết là những định hướng chiến lược cho giáo dục trong tương lai, việc thực hiện Nghị quyết không phải là việc thực hiện máy móc, cứng nhắc như Bộ Giáo dục đang làm.

Sách giáo khoa có vai trò quan trọng đối với hoạt động dạy và học (Ảnh: A.N).
Sách giáo khoa có vai trò quan trọng đối với hoạt động dạy và học (Ảnh: A.N).

Ông Trần Kiều nguyên Giám đốc Viện Khoa học Giáo dục đã thừa nhận, việc biên soạn sách giáo khoa nước ta chưa tìm được “chuẩn kiến thức” - tương tự như “cái thước tre” mà người nông dân sử dụng để làm nhà.

Xây nhà mà không có “cái thước tre”, thì sự méo mó như thế nào ai cũng hình dung được.

Chuẩn kiến thức - “thước đo” chung được đúc kết từ nền tảng kiến thức của nhân loại và sử dụng để biên soạn sách giáo khoa.

Chuẩn kiến thức được Duma – Cộng hòa liên bang Nga thông qua 11 năm một lần – bằng số năm học phổ thông của một đời học sinh, để đánh giá sách giáo khoa cái gì còn tiếp tục cái gì cần bổ sung.

“Tứ thư ngũ kinh” thời phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, cuốn sách giáo khoa hình học Euclide chiếm già nửa chương trình môn toán ở bậc phổ thông tồn tại 2.300 năm.

Trong bộ phim Mỹ “Ngôi nhà trên thảo nguyên” có cảnh bà mẹ trao cho con gái cuốn sách đạo đức mà bà ngoại trao cho mình.

Đã là sách giáo khoa thông thường tồn tại rất lâu hàng chục năm và thay đổi luôn phải được kế thừa. 

Xin lưu rằng, trong giáo dục quốc tế tồn tại một mặt bằng chung về kiến thức để học sinh nước này có thể đến nước khác học tập.

Sự khác biệt liên quan đến kiến thức khoa học xã hội, song thực tế được nó được khắc phục nhanh chóng khi đủ ngoại ngữ theo học.

Tại các nước đang phát triển thường thành lập Trung tâm hay Viện “Nghiên cứu giáo dục so sánh và Quốc tế” để so sánh đối chiếu sách giáo khoa nhằm đánh giá, điều chỉnh nội dung.

Trung Quốc đã thành lập Trung tâm này từ năm 1965, nay thành Viện nghiên cứu  trọng điểm thuộc Ủy ban Giáo dục quốc dân.

Giữa thiên biến vạn hóa của cuộc sống phức tạp, Bác Hồ từng nói "Lấy bất biến ứng vạn biến". Áp dụng phương châm này vào giáo dục có thể nói rất nhiều.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa ảnh 4Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hé lộ sự thật làm sách giáo khoa "cả làng toét mắt"

Hệ thống tri thức của nhân loại được chia thành:

i/ Kiến thức cơ bản - các quy luật của tự nhiên và xã hội, tinh hoa nhất của loài người, ít thay đổi gần như bất biến.

ii/ Kiến thức ứng dụng các kiến thức cơ bản vào cuộc sống, luôn luôn đa dạng và biến động là vạn biến.

Các bộ sách giáo khoa là phải cung cấp một nền tảng kiến thức cơ bản nên vòng đời sách giáo khoa thường rất lâu, hàng chục năm – đó là lẽ thường.

Ngược lại, chương trình và sách giáo khoa của ta được chỉnh sửa, in lại, gây bất ổn cho giáo dục.

Việc dạy học thực chất là làm sao cho học sinh nắm thật chắc nền tảng cơ bản này và làm chủ các phương pháp phát triển tư duy độc lập và tự học sáng tạo.

Viện dẫn cho việc thay đổi chương trình sách giáo khoa hiện nay người đưa ra lý do “kiến thức khoa học của nhân loại chỉ cần khoảng thời gian 7 năm để tăng gấp đôi”.

Và thời gian ấy ngày càng “thu ngắn” làm căn cứ đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa ở bậc phổ thông là không đủ sức thuyết phục!

Vậy bất biến trong cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật diễn ra ở thế kỷ XX, XXI là gì?

Chính là hai lý thuyết vật lý lượng tử và tương đối ra đời và được đưa vào nhà trường gần 100 năm nay.

Bản chất của 4 chữ lượng tử và tương đối, có thể trình bày rõ ràng trong một cuốn sách nhỏ 50 trang để học sinh phổ thông có thể hiểu được.

Các kiến thức này vào cuộc sống, nhiều công nghệ mới ra đời. Xin ví dụ, vật lý bán dẫn là sản phẩm của thuyết lượng tử và công nghệ liên quan hữu cơ đến hai cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0 và Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay.

Tại sao?

Không có Vật lý bán dẫn sẽ không có máy tính ngày nay và càng không thể nói tới kinh tế tri thức và toàn cầu hoá.

Hiện tượng phân hạch hạt nhân phát hiện 1938, là cơ sở nghiên cứu nguồn năng lượng mới - năng lượng hạt nhân ngày nay, chưa bàn đến lượng dự trữ vũ khí hạt nhân, vẫn là nỗi ám ảnh thường trực nhân loại gần 80 năm qua.

Lấy bất biến ứng vạn biến là lẽ thường. Còn ngược lại là không thuận (là nghịch). Thực tiễn cho thấy, tư duy ngược, giáo dục sẽ bị xáo trộn.

Gần đây lại có ý kiến cho rằng “…1956 đến năm 2014, Hàn Quốc đã 9 lần cải cách và đổi mới chương trình phổ thông. Còn ta thì tính từ năm 1956 – 2014 mới ba lần đổi mới chương trình phổ thông” để thay sách giáo khoa? [5]

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa ảnh 5Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa

Điều này làm tôi thất kinh. Tại sao?

Xin dẫn một hình ảnh tương tự để mọi người dễ hình dung, khi đi chọn vợ mà cứ thấy vài ngày cô ta lại thay một bộ quần áo mới, khuyên phải bỏ ngay.

Người ta nói “tốt gỗ còn hơn tốt nước sơn”, phải xét kỹ bản chất vấn đề - nội dung bên trong chứ đâu chỉ xét quần áo bên ngoài. 

Điều ngạc nhiên, sách giáo khoa là sản phẩm khoa học, song Bộ dùng cách “thăm dò dư luận” để đánh giá.

Theo tài liệu của Bộ, ba cơ quan Trung ương, một trường đại học khoảng 500 cán bộ Trung ương, 2.883 cán bộ các cấp quản lý của 14 tỉnh thành, 6.630 phụ huynh, học sinh, hàng trăm cuộc họp từ địa phương đến Trung ương trong vài năm nay, mà vẫn chưa xong. (Tia Sáng số 26; 12/2006).

Năm 2008, đánh giá có 4 môn học Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân từ lớp 1 đến lớp 12, Bộ đã huy động 2 vạn trường trong tổng số 3,5 vạn trường phổ thông, cùng bộ máy quản lý cả năm cũng không xong.

Bức xúc trước cách làm không khoa học, tôi đã phát biểu “chỉ cần 10 ngày sẽ đánh giá xong tất cả sách giáo khoa (Báo Lao Động 21/4/2008).

Tại sao?

Theo nghĩa khoa học, đánh giá là “ĐO” với sách giáo khoa chuẩn. So sánh đối chiếu là cách đơn giản nhất mà người làm khoa học đích thực nào cũng biết.

Với cách làm của ta, khi biên soạn và đánh giá sách giáo khoa Bộ cũng không biết sách giáo khoa chuẩn.

Gần đây chương trình và sách giáo khoa tích hợp lại mang lên những tỉnh miền núi để lấy ý kiến? [6]

Sắp bước vào năm học mới (2018-2019), mặc dù in hàng trăm triệu bản sách giáo khoa nhưng vẫn thiếu?

Đây là cách làm tiền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hàng năm và trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm được sách giáo khoa chuẩn như các nước.

Đã qua ba kỳ Bộ Trưởng chưa xong sách giáo khoa - (Vietnamnet ngày 15/8/2013) nay Bộ trưởng mới cũng đang hứa không để thiếu sách giáo khoa. [7]

Ví dụ khác năm 2001, có tới 7 trong số 22 triệu học sinh các cấp thiếu sách giáo khoa (Nhân Dân 17/7/2002).

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa ảnh 6Nhìn sách giáo khoa hiện hành, mơ cho con em được học chương trình cũ

Ai đã ra nước ngoài, sách giáo khoa ở các nước tiên tiến và giàu có, rất khó và thậm chí không mua được sách giáo khoa ở cửa hàng sách.

Sách giáo khoa thế hệ trước dùng xong, được cất ở Thư viện cho thế hệ sau sử dụng, nếu in lại sách giáo khoa do thất lạc cũng chỉ vài phần trăm.

Điều này vừa giáo dục ý thức tiết kiệm và đỡ lãng phí tiền của xã hội.

Việc in lại sách giáo khoa đâu phải năm nào cũng in mới, dân đã nghèo mà sách giáo khoa cứ phải chỉnh sửa, bổ sung và in mới là điều không bình thường, điều này rõ ràng là việc làm có chủ ý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng tiến hành một số cuộc tổng rà soát chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 năm 2008, song rất nhiều lỗi sai - sạn được phát hiện, đã đóng 3 tập gửi về các địa phương nhằm sửa chữa những sai sót đáng tiếc. [8]

Gần đây, việc rà soát lại sách giáo khoa vẫn thấy rất nhiều sạn. Ví dụ sách giáo khoa lớp 1 viết hoa lung tung, từ “Chào Mào”, viết hoa chữ M nhưng ở từ “Tu hú” thì chữ h lại không viết hoa.

Các dấu câu như dấu hai chấm, dấu chấm hỏi được đặt lung tung, không theo quy chuẩn nào cả và kiến thức vênh nhau đến 2 lớp. [9]

Ví dụ, định lý Pitago đưa vào sách giáo khoa lớp 7 nhưng phép khai căn lại ở sách giáo khoa lớp 9 mặc dù hai phần này có "mối quan hệ hữu cơ" trong nhận thức để dạy và học.

Những sai sót này có nguồn gốc từ “văn hóa tiểu nông”, nên cách làm cũng như thẩm định sách giáo khoa không mang tính khoa học.

Đáng lý chương trình - sách giáo khoa phải làm xong trước từ lớp 1 đến lớp 12, rồi mới tiến hành thẩm định.

Việc thẩm định kiểu du kích “vừa chạy vừa xếp hàng”, biên soạn đến đâu thẩm định đến đó, rồi triển khai vào trường học không thể đem tới các bộ sách tốt.

“Không ai, kể cả những người có trách nhiệm, hình dung được “tổng thể” chương trình giáo dục” và đã nêu một hình ảnh để dễ hình dung việc biên soạn và thẩm định sách giáo khoa:

“Hôm nay ta thẩm định cái tay cô hoa hậu, ngày mai đến cái chân, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể như thế nào thì không ai hình dung được!”. (Đoạn này đã được phát trên chương trình thời sự VTV1 ngày 20/9/2013. Báo Lao Động gần đây lại nhắc lại nội dung này ngày 14/11/2017). [10]

Phần cuối của bài viết Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ một số giải pháp về việc biên soạn sách giáo khoa chuẩn, mời quý độc giả quan tâm đón đọc vào ngày mai.

Tài liệu tham khảo:

[1] Trần Bá Hoành, Dạy học lấy người học làm trung tâm. Tạp chí Thông tin khoa học giáo dục số 96/2003 trang 1

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nam-2018-truong-dh-su-pham-thai-nguyen-mo-3-nganh-hoc-hot-20180418100345304.htm

[3] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/bo-kh-cn-truc-tiep-tham-gia-chuong-trinh-tin-hoc-moi-dua-stem-vao-giao-duc-pho-thong-425999.html

[4] http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5700-hv124-v-o-to-sau-i-hc-v-s-dng-nhn-ti.aspx; Báo Người Cao Tuổi đăng hai số 49&50 thứ 3&4, ngày 27&28 tháng 3 năm 2018, http://ngaymoionline.com.vn/khuyen-hoc-khuyen-tai-khuyen-duc/dao-tao-sau-dai-hoc-va-su-dung-nhan-tai.html2280 // http://ngaymoionline.com.vn/khuyen-hoc-khuyen-tai-khuyen-duc/dao-tao-sau-dai-hoc-va-su-dung-nhan-tai.html2334

[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-giao-duc-moi-vua-ra-mat-nhung-thay-Thuyet-noi-se-luon-cap-nhat-post189652.gd

[6] https://thanhnien.vn/giao-duc/thay-gi-qua-thuc-nghiem-chuong-trinh-mon-hoc-moi-955409.html

[7] http://vnc.edu.vn/tin-tuc/bo-truong-ban-hanh-chi-thi-nam-hoc-no-luc-de-khong-thieu-sgk.html

[8] http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/giaoduc/hangchuctrieu.htm

[9] https://laodong.vn/giao-duc/neu-khong-thay-doi-cach-lam-sach-giao-khoa-se-van-toan-san-574617.ldo

[10] https://laodong.vn/giao-duc/neu-khong-thay-doi-cach-lam-sach-giao-khoa-se-van-toan-san-574617.ldo

GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN HÃN