Bỏ bục giảng, thầy giáo về cấy lúa, nuôi rươi thu tiền tỷ mỗi năm

17/09/2018 08:08
LÃ TIẾN
(GDVN) - Sau 2 năm gắn bó với bục giảng, anh Lượng xin nghỉ để tìm hiểu cách làm nông nghiệp mới và thành công với mô hình cấy lúa, nuôi rươi cho thu nhập hàng tỉ đồng.

Anh Vũ Văn Lượng (trú tại thôn Đấu Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) sinh ra và lớn lên trong môi trường truyền thống giáo dục.

Bố anh là giáo viên nên ngay từ nhỏ, gia đình đã định hướng cho Vũ Văn Lượng thi vào ngành sư phạm của một trường đại học.

Bỏ dạy, bán nhà làm nông nghiệp

Sau mấy năm đèn sách, năm 1987, anh Lượng tốt nghiệp đại học, được phân công dạy cấp 1 tại xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Ngoài giờ dạy học, anh Lượng còn kiêm luôn nghề đánh đàn, trống, hát và làm dẫn chương trình cho đám cưới, hội hè…

Tuy nhiên, niềm đam mê sản xuất nông nghiệp từ nhỏ đã thôi thúc anh. Vì thế, sau 2 năm công tác tại trường anh đã xin nghỉ để bươn chải với nghiệp nhà nông.

Anh Lượng tự chế ra nhiều dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của gia đình. (Ảnh: Lã Tiến)
Anh Lượng tự chế ra nhiều dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của gia đình. (Ảnh: Lã Tiến)

Thấy anh bỏ nghề dạy học cao quý về làm ruộng, nhiều người bàn tán bởi, nhìn anh bóng bẩy, lại có “máu” văn nghệ sỹ thì làm nông nghiệp sao nổi?

Thế nhưng, nói là làm. Đúng lúc ngành thủy sản Hải Phòng qui hoạch lại khu vực nuôi trồng thủy sản, anh Lượng trúng thầu một phần diện tích mà người dân trước đó đã sản xuất lúa nhưng không hiệu quả.

Ngay sau khi trúng thầu, anh Lượng bán nhà để lấy tiền sắm máy hút bùn, cải tạo đất thành đầm ao nuôi thủy sản, phần đất phía trên tận dụng trồng cây, nuôi gà và bò …

Trên cùng diện tích, anh cho triển khai đồng thời một lúc nhiều loại hình chăn nuôi, trồng trọt để tăng nguồn thu. Đó là mô hình trồng lúa, nuôi cáy và tạo môi trường để cho rươi sinh trưởng. 

Bên cạnh việc cải tạo đầm ao phục vụ sản xuất, chiếc máy hút bùn sắm được vừa phục vụ công việc đầm áng của gia đình, vừa làm dịch vụ cho bà con xung quanh có nhu cầu.

Để đạt được hiệu quả cho việc thu hoạch, anh Lượng lại mày mò tự chế máy để cải tạo nền đất ruộng.

Chiếc máy tự chế có thể tự động cắt, hút đất ra khu vực trũng cần cải tạo, không cần phải thuê nhân công cắt, vác đất mà hiệu quả công việc lại cao.

Bằng chiếc máy tự chế, anh đã tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Tuy nhiên, cải tạo từ mặt nước nên thời gian cải tạo mặt bằng cho mô hình mới mất 3 năm.

Anh Lượng (ngoài cùng bên phải) tự chế ra máy cải tạo nền đất ruộng. (Ảnh: Lã Tiến)
Anh Lượng (ngoài cùng bên phải) tự chế ra máy cải tạo nền đất ruộng. (Ảnh: Lã Tiến)

Muốn sản xuất tốt phải có mặt bằng tốt, đảm bảo việc sản xuất phải đạt hiệu quả. Về cây lúa phải đảm bảo nguồn nước, phân bón và giống tốt.

Anh Lượng chăm bón cây lúa hoàn toàn theo phương thức hữu cơ. Cách chăm bón không giống ai. Với cây lúa, anh sử dụng cám bón cho lúa thay vì bón phân.

Chi phí bón cám thay phân cao hơn nhưng hiệu quả tốt hơn. Cám bón vào ruộng không những tốt cho đất mà phần dư thừa làm nguồn thức ăn cho cáy và cũng tạo môi trường tốt cho rươi.

Theo anh Lượng, tháng 11 hoặc tháng 12 năm trước ngả ruộng làm, sau khi thu hoạch lúa thì thu hoạch cáy và tạo môi trường rươi ngay trên diện tích trồng lúa.

Anh Lượng khẳng định, làm rươi không khó bởi rươi là động vật phù du, sống trong lòng đất. Ở vị trí phù hợp, con người tạo môi trường tơi xốp và sạch thì sẽ thắng lợi.

Do giữ gìn và tạo được môi trường sạch nên thu hoạch từ nguồn rươi đạt khoảng 5 tấn/vụ. Năm 2017, thu hoạch từ nguồn rươi cho thu nhập 1,5 tỉ đồng/vụ.

Bỏ bục giảng, thầy giáo về cấy lúa, nuôi rươi thu tiền tỷ mỗi năm ảnh 3

Chuyện của người đàn bà tay trắng làm giàu, giúp trăm người thoát đói

Tiếp đến, thay vì dùng hóa chất, thuốc trừ sâu, anh sử dụng ánh sáng để bắt bướm và bọ dày bằng cách đổ nước và dầu vào thuyền sau đó đặt thuyền ở dưới gốc lúa.

Khi bướm hay bọ dày bay mỏi chúng rơi xuống là sẽ chết. Với cách làm trên, bộ lá lúa đẹp và lúa trổ bông rất đều.

Tạo thu nhập cho nhiều lao động

Hơn chục năm nay, gia đình anh Lượng thu hoạch khá ổn định từ mô hình cấy lúa, nuôi cấy, rươi, qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động của địa phương.

Ông Lưu Văn Đôi (ở thôn Đấu Hậu, xã Toàn Thắng), một lao động thời vụ cho anh Lượng cho biết: Vợ chồng ông là người địa phương, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nên công việc anh Lượng giao làm không có gì là khó.

Hiện nay, 2 vợ chồng ông được anh Lượng trả đều đặn và ổn định với mức 12 triệu đồng/2 người/tháng.

Mô hình cấy lúa, nuôi cáy, nuôi rươi của gia đình anh Lượng cho thu nhập hàng tỉ đồng/năm. (Ảnh: Lã Tiến)
Mô hình cấy lúa, nuôi cáy, nuôi rươi của gia đình anh Lượng cho thu nhập hàng tỉ đồng/năm. (Ảnh: Lã Tiến)

Ngoài ra, vợ chồng ông Đôi có thể tăng gia sản xuất, trồng rau, … để tăng thêm nguồn thu nhập. Khi gia đình có việc đột xuất cần sử dụng khoản tiền lớn vợ chồng anh Lượng cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Từ ngày gắn bó với công việc sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm thu từ nông nghiệp của gia đình anh Lượng luôn đạt năng suất cao và chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm. Tất cả đều có thương lái về tận cơ sở của gia đình để thu mua.

Tuy gia, đình anh Lượng sản xuất khá thuận lợi nhưng nhìn sang bên cạnh anh thấy nhiều hộ nông dân tại địa phương hay bị thất thu hoặc sản xuất và bán ra thị trường những sản phẩm nông sản không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Trăn trở về điều này, anh Lượng muốn chia sẻ cách làm với mọi người và mong muốn sản phẩm của gia đình anh sẽ được thực hiện theo một qui trình bài bản hơn.

Sản phẩm phải khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu dùng để đảm bảo về thương hiệu, giá cả và quan trọng là người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Chính vì vậy, anh Lượng có nguyện vọng được hỗ trợ các thủ tục đánh giá chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm của gia đình anh.

Anh Lượng cũng hi vọng sản phẩm được phân phối vào các cửa hàng bán thực phẩm an toàn, sạch, sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, giúp người tiêu dùng phân biệt được giá trị và chất lượng khi sử dụng sản phẩm.

LÃ TIẾN