Nhật ký Nậm Mười:

Cứ tiêu tiền, tôi lại nghĩ đến "Bữa cơm có thịt"

28/10/2011 04:36
Tiểu Phương - Xuân Trung
(GDVN) - Chuyến đi thiện nguyện về vùng cao Nậm Mười (Yên Bái) đã kết thúc cách đây 5 ngày nhưng với những thành viên vẫn còn đó những cảm xúc nóng hổi...
Sau chuyến đi về với trẻ em vùng cao Yên Bái, những trang blog, những dòng tâm sự xúc động được viết ra tự tận đáy con tim những nhà hảo tâm đầy nhiệt huyết. Tôi đọc được trong ánh mắt của những người đi làm từ thiện một niềm cảm thông, xót thương vô bờ bến trước bữa ăn chỉ toàn rau của các em nhỏ trường cấp I, cấp II Nậm Mười. Tôi thấy ai đó gạt tay len lén khi giọt nước mắt đang chực rơi khi chứng kiến cảnh các học sinh bán trú sống trong những tấm liếp trống huơ, trống hoác.

Mỗi tâm sự của họ sẽ giúp ta phần nào đó hiểu hơn về đời sống của các học trò nghèo vùng cao cũng như những cảm nhận rất riêng chỉ có ở những tấm lòng thiện!

Mỗi lần mua đồ, tôi lại nghĩ đến “bữa cơm có thịt”

Bạn Trần Anh (25 tuổi, làm việc tại Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) tâm sự: “Chuyến tình nguyện lên Nậm Mười lần này đến với tôi khá tình cờ. Trong khi đang lang thang trên mạng tìm mua quần áo cho mùa đông, mình vô tình đọc những cảm xúc cũng như hình ảnh “bữa cơm có thịt” của các em học sinh Suối Giàng được đăng tải trên báo Giáo Dục Việt Nam. Và, những hình ảnh đó đã thực sự ám ảnh tôi, thay vì dành tiền đi mua đồ, tôi nghĩ các em trên đó cần đến nó hơn. Không cần  mất quá nhiều thời gian đắn đo, suy nghĩ, tôi đã quyết định lên đường, đăng kí tham gia chuyến đi thiện nguyện lên Nậm Mười, để một lần được tận mắt thấy và cảm nhận sự vất vả, khó khăn, thiếu thốn của trẻ em nghèo vùng cao".

Trần Anh (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam): "Dành tiền đi mua đồ, tôi nghĩ các em trên đó cần đến nó hơn".
Trần Anh (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam): "Dành tiền đi mua đồ, tôi nghĩ các em trên đó cần đến nó hơn".

“Sau quãng đường xa, đặc biệt là chuyến “xe ôm” gần hai mươi cây số để vào trường đầy gian nan, bản thân tôi thấy thật “ngưỡng mộ” các thầy cô, cũng như các em học sinh nơi đây. Sau bữa cơm của các em, tôi hiểu rằng, để có “cái chữ”, những con người nơi đây đã phải nỗ lực như thế nào” – Trần Anh nhận xét.

Với số tiền 10.000 đồng/em/ tuần, theo bạn Trần Anh, nó chỉ đủ mua mớ rau muống tại Hà Nội. “Mọi so sánh, thực sự quá “khập khiễng”. Tôi thấy rằng, mình đã đúng khi tham gia chuyến đi này. Nó giúp tôi thấy vui, vì đã làm được điều gì đó có ích cho các em. Và, trên hết là từ giờ mỗi lần mua đồ, chắc chắn tôi sẽ nghĩ đến “bữa cơm có thịt” của các em nơi đây” – Trần Anh nói.

Cảm ơn các thầy cô với hành trình “cõng chữ lên non”

“Sau nhiều nấn ná và một lần lỡ chuyến đi suối Giàng, cuối cùng, mình đã lên đường cùng Giáo Dục Việt Nam thăm Nậm Mười. Mang tiếng là đi 2 ngày nhưng phải mất hơn 1 ngày vận chuyển trên xe nên thời gian để trải nghiệm quả thật là quá ít ỏi. Mọi thứ vụt thoáng qua như những màn sương mù lướt qua mi mắt trên con đường chênh vênh sỏi đá dài gần 20km đến với Nậm Mười. Tuy thời gian gặp gỡ và giao lưu với các em nhỏ ở Nậm Mười không nhiều như mình mong ước nhưng đã đọng lại trong mình những ấn tượng khó phai nhòa.

Cảm ơn chuyến đi đã cho mình thêm sức mạnh để bước tiếp con đường phía trước, cảm ơn những tình cảm chân thành mà các em nhỏ và đồng bào dân tộc vùng cao dành cho đòan, cảm ơn lòng tận tụy và sự nhiệt thành vô bờ bến mà các thầy cô ở miền núi với cuộc hành trình “cõng chữ lên non” của mình”.

Chuyến đi Nậm Mười vừa qua đã để lại trong lòng bạn trẻ Vũ Minh Thu nhiều trải nghiệm thú vị.
Chuyến đi Nậm Mười vừa qua đã để lại trong lòng bạn trẻ Vũ Minh Thu nhiều trải nghiệm thú vị.

Những dòng cảm xúc trên facebook cá nhân của bạn trẻ Vũ Minh Thu (23 tuổi, phiên dịch viên tiếng Trung Quốc, đang công tác tại Ninh Bình) khiến không ít người rưng rưng xúc động.

Để có thể tham gia cùng đoàn thực hiện chuyến đi này, Thu đã phải cất công bắt xe khách lặn lội đi từ Ninh Bình từ sáng sớm thứ Bảy để kịp giờ khởi hành và lại vội vã trở về quê sau khi kết thúc chương trình để kịp cho buổi làm việc vào sáng thứ Hai đầu tuần.

“Tuy vất vả nhưng em cảm thấy rất vui, chuyến đi thực sự rất ý nghĩa” – Minh Thu chia sẻ.

“Cảm nhận à? Mình cảm thấy thương lắm”.

Là một người khá kiệm lời nhưng lại vô cùng sâu sắc, đời sống của đồng bào dân tộc người Dao vùng cao Yên Bái được Trương Hải Nam (sinh năm 1988, bộ phận bán tour của Công ty du lịch Vietravel) cảm nhận một cách chân thực và xúc động.

Tranh thủ ít thời gian vào buổi sáng sớm, khi đoàn chuẩn bị rời Nậm Mười trở về Hà Nội, Nam cùng với các đồng nghiệp của mình đã tới thăm nơi ăn ở của các em nhỏ mẫu giáo tại đây.

Bạn Trương Hải Nam (phía ngoài cùng bên tay phải) cùng đoàn khảo sát của Công ty Vietravel.
Bạn Trương Hải Nam (phía ngoài cùng bên tay phải) cùng đoàn khảo sát của Công ty Vietravel.

“Hình ảnh nhà trẻ mẫu giáo của trường mầm non với những mái lá lợp liêu xiêu, trống huơ, trống hoác đã thực sự ám ảnh tôi. Nghe một số cô giáo kể lại, khi thời tiết không ủng hộ, nắng mưa thất thường, họ lại phải tận tay làm lại lán. Giáo viên mầm non lại chủ yếu là nữ, các em ở đây thì còn nhỏ quá, nên việc chống chọi với thời tiết, với cái nắng, cái gió trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”.

Khi hỏi về cảm nhận của Nam về chuyến đi, vẻ mặt buồn bã, Nam chỉ nói với tôi ngắn ngọn nhưng đầy tình cảm lắng sâu: “Cảm nhận à? Mình cảm thấy thương lắm, tội lắm!”.

“Nhìn họ khổ, tôi chỉ biết đứng nhìn thôi”

“Tôi là một trong những người đi trước, bước chân xuống xe đầu tiên nơi Nậm Mười. Lúc tôi xuống gần điểm trường, thấy một gia đình đi làm nương về, người mẹ gùi một bị ngô rất nặng ở phía sau lưng, người đàn ông cũng bưng bê cái gì đó, họ dắt theo một em nhỏ xíu, chắc mới biết đi. Đứa bé không có quần, chỉ mặc độc một manh vải áo mỏng manh, cố nhón bàn chân lên để cùng mẹ leo dốc. Nhìn cảnh đó, chắc ai cũng như tôi đều cảm thấy rất thương cảm. Nhưng tôi không biết làm gì, vì nói tiếng Kinh, họ không hiểu mà nói tiếng dân tộc, tôi lại không rành, tôi chỉ biết đứng nhìn họ, khuất dần…khuất dần…”

Ở trên thành phố, chỉ cần con tôi nhức đầu, sổ mũi, tôi đã thấy rất thương rồi, khi bé tập đi mà bị ngã, ngay lập tức tôi chạy đến để nâng. Trẻ em vùng cao thì khác, chúng mới lớn đã phải theo mẹ lên nương, làm rẫy, làm gì biết đến miếng bánh ngon, chiếc áo đẹp. Sau chuyến đi này, chắc chắn tôi sẽ về kể chuyện cho các con tôi nghe và hướng cho cháu biết chia sẻ nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, san sẻ, giúp đỡ các em nhỏ khó khăn trong phạm vi có thể của mình”.

Anh Nguyễn Quang Toại (ngồi hàng ghế thứ 2, bên ngoài): "Nhìn họ khổ, tôi chỉ biết đứng nhìn thôi!"
Anh Nguyễn Quang Toại (ngồi hàng ghế thứ 2, bên ngoài): "Nhìn họ khổ, tôi chỉ biết đứng nhìn thôi!"

Đó là những tâm sự rất thật của anh Nguyễn Quang Toại (số 161, Chùa Bộc, Hà Nội), người luôn rất nhiệt tình với các chương trình làm từ thiện. Bản thân anh cũng đang kêu gọi mọi người quyên góp cho một số phận bất hạnh, vợ chết phải một mình nuôi con trong khốn khó tại Ba Vì.

Anh Toại cho biết: “Trong thời gian tới, nếu báo tiếp tục tổ chức những chuyến đi ý nghĩa như thế này, tôi sẽ lại đăng kí tham gia cùng với báo. Trước hết là thăm các em, động viên các học trò nhỏ, thêm nữa, với sự quyên góp của các nhà hảo tâm, của quý báo, tôi hi vọng sẽ cải thiện phần nào đó đời sống vật chất và tinh thần thiếu thốn của các em, để sau này, các em có cơ hội phát triển”.

"Dân mình khổ hơn nhiều dân nghèo Trung Quốc"

“Trong khi, họ thừa thịt thiếu rau thì mình lại thừa rau thiếu thịt”, chị Dương Hằng (hiện công tác tại VTC Online) đưa ra nhận xét khi so sánh giữa người dân nghèo Trung Quốc và Việt Nam sau những trải nghiệm trong các chuyến đi thiện nguyện của mình.

Chị Hằng cho biết: Đây là lần đầu tiên, chị đi từ thiện ở trong nước. “Trước đây, mình đi học ở nước ngoài, thường xuyên cùng bạn bè đi từ thiện tới các vùng nông thôn của Trung Quốc. Tại Trung Quốc có sự phân chia giàu nghèo rất lớn như các bạn đã biết. Nhưng lần này về Yên Bái, mình xót xa khi thấy cái nghèo của mình còn  thấp hơn cả Trung Quốc. Đồng bào mình ít được ăn thịt quá. Còn ở Trung Quốc lại ngược lại, lượng người thường xuyên được ăn rau rất ít trong khi, người thường xuyên ăn thịt lại rất nhiều, dù nghèo nhưng họ vẫn có thể nuôi trâu bò, cừu để làm thức ăn phục vụ cho bản thân mình”.

Chị Dương Hằng (VTC Online): "Tôi thấy dân mình khổ quá, khổ hơn những nơi tôi đã từng đi qua".
Chị Dương Hằng (VTC Online): "Tôi thấy dân mình khổ quá, khổ hơn những nơi tôi đã từng đi qua".

Một điều đáng nói nữa ở đây, theo chị Hằng đó là chính sách quan tâm của nhà nước. Tại nhiều nước trên thế giới, chính phủ đặc biệt quan tâm tới dân tộc miền núi. Hàng tháng (hoặc 3 tháng 1 lần), nhà nước có đoàn cứu trợ tiếp tế thức ăn, rau củ quả phục vụ người dân.

“Nhưng trong chuyến đi này, tôi đã hỏi cô giáo và các em học sinh là: Các đoàn có thường xuyên tới đây hay không, họ trả lời rất ít. Hoặc 1 năm mới tới một lần. Đoàn của báo Giáo Dục Việt Nam và các nhà hảo tâm tổ chức lần này là “hoành tráng” nhất vì đã mang đến cho các em rất nhiều hưng phấn và niềm vui không chỉ ở vật chất mà còn là khích lệ về tinh thần”.

Do đó, “tôi nghĩ: Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, chính phủ nên quan tâm nhiều hơn tới đời sống của dân tộc vùng cao. Như vậy, mức độ chia sẻ, lay động sẽ lan tỏa hơn. Mà việc trước tiên cần phải làm là có một con đường để dân bản đi, bởi đường ở đây gập ghềnh quá, khúc khuỷu quá!”.

Nói về những kỷ niệm xung quanh chuyến đi, chị Hằng kể: Buổi tối có một em nhỏ chạy lại, níu tay áo tôi và nói: Cô ơi, cho cháu xin chữ ký được không? – Tôi mới giải thích: Cô chỉ là một người bình thường, không phải giáo viên, xin chữ ký của cô làm gì? – Không, cô là người Kinh, chữ của cô sẽ đẹp lắm, cháu biết cô không phải là diễn viên, ca sĩ rồi. Lúc đó, tôi rất cảm động. Tôi đã viết tặng cho em nhỏ một dòng chữ: “Chúc cho cháu, tương lai sẽ trở thành một người có ích cho đất nước”. Sau đó, bé ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Từ trước tới giờ, lần đầu tiên, em nhận được lời chúc như thế, một lời chúc ý nghĩa bên cạnh những câu chúc “xinh đẹp, học giỏi”. Sau này, cô tranh thủ lên thăm cháu nhé, cháu chỉ cần các cô tới chơi thôi”.

Với câu nói này, trao đổi với chúng tôi, chị Hằng cho biết: Chị cảm thấy ái ngại vì còn biết bao người có tiền, có của vẫn còn hoài nghi về mục đích thiết thực của việc đi làm từ thiện.

“Trước khi đến với trẻ em Nậm Mười, tôi có trực tiếp đi kêu gọi một số nhà hảo tâm nhưng họ nói: Lại một trò lừa bịp nữa rồi, ai đó lại lợi dụng từ thiện để làm PR chứ gì? Tôi chợt nghĩ tới các em, nghĩ tới những nhà hảo tâm chưa được "khai quật" ở nhà mà thương xót. Qua những hình ảnh, những cảm xúc thu lượm được suốt dọc đường đi, tôi sẽ cố gắng hết sức để các nhà hảo tâm hiều được rằng: Cùng trên một đất nước, có những người vẫn khổ như thế đấy!”.

“Chưa nơi nào thấy trẻ em thiếu thốn đến thế!”

Anh Trần Anh Hoài Nam, Kế toán cho một công ty xây dựng tại Hà Nội xúc động cho biết, bản thân anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng đã có khá nhiều thời gian đi đi các vùng cao Tây Bắc,  nhưng lần này là lần đầu tiên đi làm từ thiện. Đã đi vùng cao nhiều nhưng anh Nam kể rằng, chưa nơi nào anh đến mà trẻ em lại thiếu thốn như thế: “Hồi đại học, mình cũng có tham gia dạy học ở trung tâm Mái ấm Nhật Hồng tại Sài Gòn, ra trường công việc bận hơn nên không tiếp tục dạy học được, giờ có chương trình của báo là mình hưởng ứng ngay”.

Đối với Hoài Nam, làm từ thiện thì không kể thời gian, không đợi tới lúc mình giàu, mà hãy hành động ngay khi có thể.
Đối với Hoài Nam, làm từ thiện thì không kể thời gian, không đợi tới lúc mình giàu, mà hãy hành động ngay khi có thể.


Đối với Hoài Nam, làm từ thiện thì không kể thời gian, không đợi tới lúc mình giàu, mà hãy hành động ngay khi có thể để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Qua chuyến từ thiện cùng đoàn của Báo Giáo dục Việt Nam vừa  qua, Hoài Nam được trải nghiệm thực sự từ cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao ở Nậm Mười, mặc dù thời gian không lâu nhưng cũng đủ để cảm nhận con người và cuộc sống nơi đây, nhất là trẻ em nơi đây.

“Hình ảnh còn đọng lại cho tới lúc này và chắc sẽ ám ảnh mình là cảnh thiếu thốn của trẻ em Nậm Mười. Trong đêm giao lưu văn nghệ, Phó Tổng biên tập Bùi Ngọc Hải đứng dậy hỏi các em “ở đây có những em nào được ăn thịt thì giơ tay, ăn cá giơ tay… không một cánh tay giơ lên. Cho tới khi hỏi “em nào ăn rau giơ tay", cả sân trường cấp II Nậm Mười như lặng đi khi hàng loạt cánh tay được giơ lên. Hình ảnh đó để lại trong mình bao suy nghĩ. Hôm trước khi đi Nậm Mười mình có nhờ người bạn mua cho bộ truyện Đô rê mon lên tặng các em ở đây. Cầm những quyển truyện trên tay mình nghĩ các em đây là lần đầu tiên được đọc truyện” - Hoài Nam xúc động kể.

Anh Nam khẳng định, nếu có những dịp sau được đi từ thiện như thế này chắc chắn anh sẽ cùng tham gia, vì một bữa cơm có thịt ở khắp nơi khó khăn trên cả nước.

(Còn tiếp)

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


 
Tiểu Phương - Xuân Trung