Ca sĩ Ánh Tuyết trên giường bệnh viết về 'phong bì bác sĩ'

28/10/2011 07:31
Ca sĩ Ánh Tuyết (nguồn Vnexpress)
 "Đừng nên đổ lỗi cho ai! Chúng ta đang đối mặt với một căn bệnh thời đại: bệnh của những người có tiền và những người không tiền...

Giọng ca "Ô mê ly" đang nằm điều trị tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM sau ca mổ cột sống. Là một bệnh nhân nan y thường xuyên ra vào viện, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ ý kiến về tệ phong bì bệnh viện, tình trạng bệnh nhân chết do sự tắc trách của y bác sĩ, rồi bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung...

Không thể ngồi để viết, ca sĩ Ánh Tuyết nhờ một người bạn chấp bút.
Không thể ngồi để viết, ca sĩ Ánh Tuyết nhờ một người bạn chấp bút.

Dưới đây là bài viết của nữ ca sĩ 50 tuổi thành danh với những ca khúc do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Không thể ngồi để viết, Ánh Tuyết nhờ một người bạn chấp bút.

Trước những phản ánh liên tục về người nhà bệnh nhân rượt đuổi chém thầy thuốc trong bệnh viện hay tới tận nhà bác sĩ đập phá, cướp bóc… tôi muốn nói lên tiếng nói của mình.

Là một ca sĩ mang đủ các chứng bệnh, dù trong người tôi luôn bị những cơn đau hành hạ nhưng khi đứng trên sân khấu tôi vẫn hát bằng tất cả lòng đam mê đầy nhiệt huyết, cố gắng trau chuốt giọng hát của mình để không phụ lòng khán giả. Một bác sĩ cũng vậy.

Có thể vì nhiều lý do (do căng thẳng, áp lực, do bị người nhà bệnh nhân rầy la…) khiến họ từ chối ca bệnh nhưng khi họ đã bắt tay vào làm là sẽ làm hết trách nhiệm của mình, để mang lại điều tốt nhất cho bệnh nhân và cả cho uy tín của một người bác sĩ.

Hiện tại tôi vẫn phải nằm theo dõi sau phẫu thuật tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM. Trường hợp của tôi là một ca mổ đặc biệt khó và nguy hiểm. Tôi đã từng mổ hai lần cột sống cổ và đốt sống lưng, cấu trúc bình thường đã bị phá vỡ, nếu phẫu thuật không khéo rất dễ dẫn đến bị liệt. Do vậy các bác sĩ bảo rằng tôi cần phải đánh giá trước mọi chuyện sẽ gặp. Chỉ cần “chệch một ly là đi một dặm”, và cái chệch đó phải trả giá đắt bằng biến chứng thần kinh của bệnh nhân kéo theo những hệ lụy rất lớn.

Bên cạnh đó, ngoài chuyện phẫu thuật giải ép các mô thần kinh cho đốt sống lưng thì còn phải cố định lại và sửa lại dáng cong bình thường cho cột sống. Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Minh Lý, Trưởng khoa cột sống A Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM là một trong hai phẫu thuật viên thực hiện ca mổ khó kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ của tôi. Trong suốt quá trình mổ không phải truyền máu.

Tỉnh dậy nhìn ánh mắt hạnh phúc của hai bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật, tôi hiểu ca mổ rất thành công dù mới trải qua một ngày đầu tiên sau cuộc đại phẫu.

Bị mắc rất nhiều bệnh và từng trải qua 7 cuộc đại phẫu, hơn ai hết tôi hiểu rằng mình cần phải lạc quan và tin tưởng vào bác sĩ, tạo cho họ cảm giác thoải mái.

Lần mổ này, sau khi tiền gây mê, tôi bắt đầu phiêu diêu, bác sĩ chuẩn bị chụp ống thở oxi. Tôi sực nhớ tới một việc nên bảo: “Khoan! Tôi muốn kể cho ê kíp mổ nghe một câu chuyện vui. Câu chuyện về bác sĩ quan liêu”. Các bác sĩ rất hưởng ứng. Và tôi kể một chuyện hơi "tục" một chút không tiện nêu ở đây, song cả tôi và các bác sĩ đều cười sảng khoái, rồi tôi chìm vào giấc mê.

10 năm về trước tôi bị hẹp đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm, cũng tại bệnh viện này người thầy của bác sĩ Lý là Giáo sư, bác sĩ Võ Văn Thành và bác sĩ chuyên khoa mổ Phạm Ngọc Công đã mổ đốt sống cổ cho tôi. Phẫu thuật đốt sống cổ, cách an toàn nhất là mổ phía trước. Vì muốn bảo toàn tính thẩm mỹ và nguy cơ chạm dây thanh âm sẽ ảnh hưởng đến giọng hát của ca sĩ nên các bác sĩ phải quyết định chọn mổ phía sau cổ, dù biết rằng sẽ khó khăn hơn gấp bội bởi đây là trung tâm hệ thống thần kinh. Ca mổ ngày ấy thành công, đốt sống cổ của tôi được đặt thêm 3 miếng gốm. Và ca mổ hôm nay lưng của tôi lại có thêm hai chiếc nẹp và 6 con ốc bằng titan.

Kể ra câu chuyện của tôi, không phải tôi đang cố thanh minh cho các bác sĩ, cho bệnh viện hay cho bệnh nhân. Con người có cái may cái rủi, bác sĩ có giỏi trời đi nữa thì cũng có lúc bị hên xui may rủi. Ai cũng muốn làm việc tốt nhất cho bệnh nhân nhưng những yếu tố hên xui may rủi, cái thời vận, thời khắc của mỗi người bệnh thì khác nhau. Và những cái xui rủi xảy đến cũng có thể do chính bản thân mình không gặp may.

Tôi thừa nhận cũng có trường hợp bệnh nhân đưa tiền ra thì được quan tâm ngay nhưng vẫn còn rất nhiều những y bác sĩ có tấm lòng bao dung, nhân hậu. Không riêng gì bệnh viện mà bất cứ ở đâu trong xã hội chúng ta cũng vậy. Ngay khi bạn bước vào một nhà hàng ăn, cũng tô phở với giá tiền như nhau nhưng người ăn mặc lịch sự thì được quan tâm, còn người mặc áo rách thì cứ ngồi đợi đấy hoặc có khi mang tô phở ra đặt xuống một cái rầm. Chính điều này cũng khiến tôi cảm thấy buồn, âu đó cũng là căn bệnh của xã hội.

Sai lầm của bệnh nhân khi khai bệnh thường nói quá so với tình trạng thực của mình để được bác sĩ quan tâm, chữa trị nhưng làm vậy lợi bất cập hại. Vô tình chúng ta đẩy bác sĩ vào tình trạng rối trí, chẩn đoán sai dẫn đến cách xử lý và liều lượng thuốc quá đà.

Tâm lý người bệnh đau một, người thân đau mười nên đụng cái gì cũng réo bác sĩ ra để chửi. Họ cũng có liêm sỉ vậy. Đau thì cũng đau rồi, chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh.

Hiện nay chúng ta phải đối mặt với một căn bệnh thời đại: bệnh của những người có tiền và những người không tiền. Người có tiền thì cho rằng tôi có tiền tôi cần là phải được. Người không có tiền thì làm thằng cùi và quậy. Và hậu quả là người bệnh cũng chẳng vì thế mà khỏe hơn và những người có liên quan thì đối mặt với những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Đã đến lúc mỗi chúng ta nên nhìn nhận đúng vai trò trách nhiệm của mình trước khi đổ lỗi cho người khác.

Ca sĩ Ánh Tuyết (nguồn Vnexpress)