Những trò hành xác “kinh dị” giải tỏa stress của teen

09/05/2011 06:15
Bất cứ khi nào bị áp lưc, căng thẳng, Nam lại dùng dao rạch tay mình. Được nhìn thấy máu tươi chảy ra từ cơ thể khiến Nam cảm thấy bình tâm trở lại.

Bất cứ khi nào bị áp lưc, căng thẳng, Nam lại dùng dao rạch tay mình. Được nhìn thấy máu tươi chảy ra từ cơ thể khiến Nam cảm thấy bình tâm trở lại.

>> Giới trẻ ngày càng "thản nhiên hóa" chữ x thứ 3

>> Kỷ lục kinh hoàng của những tín đồ “phượt điên”

>> Cuồng thần tượng, phải yêu và sống như phim

Khi áp lực cuộc sống ngày càng lớn, càng ngày càng có nhiều teen chọn cách “hành hạ” bản thân để giải tỏa sự cô đơn, thất vọng, đau khổ. Thêm vào đó, một bộ phận nhỏ khác lại “đam mê” chuyện rạch tay, đốt tóc, đập đầu vào kính,…xem đó như một cách để thể hiện “đẳng cấp”, “độ chơi”. Ngày qua ngày, hội chứng “nghiện hành hạ bản thân” vẫn đang âm thầm tiếp diễn trong đời sống teen Việt.

Trước những khó khăn, bế tắc của cuộc sống không phải ai cũng dám đương đầu, đối mặt. Không ít bạn trẻ tìm đến rượu, sex, và các thú chơi đem lại cảm giác mạnh như đua xe, tự hành xác để "quên sầu". Ranh giới từ thử đến lạm dụng rồi nghiện là rất mong manh. Nếu không có bản lĩnh, không có kỹ năng sống các bạn trẻ rất dễ sa chân vào "vũng lầy" không lối thoát.

Từ tìm cách “giải sầu” bằng… máu

Gia đình giàu có không thiếu một thứ gì về vật chất nhưng T.H. Nam, (Hà Đông, Hà Nội) lại luôn cảm thấy bản thân là người bất hạnh nhất.

Cha mẹ đều là những người làm kinh doanh giỏi giang và thành đạt nhưng quá bận rộn với công việc nên ít khi quan tâm đến chuyện học tập cũng như những tâm sự của câu con trai mới lớn.

 Những trò hành xác “kinh dị” giải tỏa stress của teen ảnh 1
 

“Chỉ thỉnh thoảng cha mẹ mới về nhà nhưng cũng chỉ hỏi han mình những câu thông thường cho qua chuyện chứ hiếm khi tỏ ra quan tâm, chăm sóc. Đôi lúc mình tự hỏi liệu cha mẹ có yêu thương mình chút nào không?. Những lúc tủi thân như thế mình luôn thấy mình là người lạc loài và bất hạnh…”, Nam buồn bã tâm sự.

Rồi những bức bách cứ ngày một nhiều khiến Nam trở nên lầm lì, ít giao tiếp. Càng ngày, Nam càng không thể tìm thấy tiếng nói chung với bạn bè trong lớp. Đôi khi có rất nhiều tâm sự và nỗi lòng muốn nói ra nhưng không một ai hiểu khiến Nam cảm giác như cả thế giới đang bỏ rơi mình.

Sự thay đổi ở cha mẹ cũng ngày càng rõ, cả hai thường xuyên cãi vã mỗi khi cùng ở nhà khiến số lần cha mẹ về nhà cũng ít dần đi. Cho đến ngày phát hiện cả hai đều đang ngoại tình, Nam đã lấy mảnh gương vỡ rạch tay để tự tử.

Nam nói: “Suy nghĩ duy nhất xuất hiện trong đầu mình lúc đó là chết để quên đi tất cả. Mình cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, bất lực, muốn buông xuôi tất cả”.

Nhớ lại cảm giác khi nhìn dòng máu tươi chảy ra, chính Nam cũng ngạc nhiên bởi không những không thấy đau mà còn thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Tâm trạng dịu xuống khiến Nam không còn ý định tự tử nhưng nỗi buồn vẫn cứ đè nặng khiến cậu bé ôm mặt khóc rưng rức.

Rồi từ đó, bất cứ khi nào bị áp lực, căng thẳng, Nam lại dùng dao rạch tay mình. Được nhìn thấy máu tươi chảy ra từ cơ thể khiến Nam cảm thấy bình tâm trở lại. Vậy nhưng, “liều thuốc tinh thần” chỉ khiến nỗi đau tạm lắng chứ chẳng thể chấm dứt…

Mấy năm trước, P.V. Đăng cũng là cậu quý tử trong một gia đình giầu có ở Hà Nội. Nhưng rồi mọi thứ với Đăng đã thay đổi hoàn toàn khi cha mẹ Đăng làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất đến mức phải bỏ về quê trốn nợ.

Bố Đăng đâm ra chán chường suốt ngày giải sầu nơi men rượu, mẹ phải làm việc vất vả cả ngày để lo cho gia đình nên nhiều khi cũng cáu bẳn. Anh trai cảm thấy bế tắc trước cuộc sống nên bỏ nhà đi không về.

“Khi đó những trận đánh đau thấu xương từ cơn say của cha cùng với sự chì triết mỗi khi quá mệt mỏi của mẹ khiến em cảm thấy bản thân như một “cục nợ” trong mắt mọi người, chẳng ai yêu thương em, chẳng ai cần em, cuộc đời chỉ toàn là đau khổ và nước mắt”. Đăng đau khổ giãi bày.

“Ban đầu, mỗi khi có chuyện không vui, em thường đến chỗ vắng vẻ gào thét thật to, thét đến lúc tưởng như cổ họng ứa máu. Nhưng cổ họng càng đau, em lại càng cảm thấy tâm trạng dễ chịu.

Rồi em nhận ra, tự “tra tấn” bản thân là cách tốt nhất để cảm thấy được giải tỏa. Từ đó, ngoài gào thét, em thử những cách thức mới như lấy dao rạch tay, đốt tay, hoặc đấm mạnh vào tường, cửa kính….

“Làm nhiều rồi thành quen, quen rồi thành “nghiện”. Vẫn biết tự làm đau mình như vậy là không tốt nhưng em quá bế tắc và cảm thấy đó là cách duy nhất để em không bị chìm trong những nỗi đau”, Đăng nói.

Đến thú vui hành xác “bệnh hoạn”

Không giống với những teen dùng máu để giải tỏa đau đớn, bế tắc trong cuộc sống, một bộ phận teen đua đòi lối sống emo lại tự rạch tay rồi chụp hình post lên mạng như một thú vui, một cách để thể hiện “bản lĩnh” của mình.

Hiện tượng này đã từng nổi lên mạnh mẽ như một trào lưu trong giới trẻ. Khi đó, vào các trang mạng xã hội, hay blog cá nhân chẳng khó gì bắt gặp những hình ảnh một teen có khuôn mặt sầu thảm với bàn tay chồng chéo vết cắt, bê bết máu.

Thời gian gần đây, lại xuất hiện một kiểu “tự thiêu” hành xác hãi hùng hơn, dí điếu thuốc lá đang hút vào người. Theo những teen mê trò hành xác này thì thời buổi này, lấy dao cắt tay không còn là “mốt” nữa, phải châm thuốc đang đỏ lửa vào người, phải chịu được “cái đau từ từ” như vật mới được gọi là “đẳng cấp”.

Hoa, một cô gái mới 15 tuổi, quê Lạng Sơn buồn chán vì bố rượu chè, cờ bạc hay đánh đập vợ con, mẹ có bồ nên bỏ lên Hà Nội theo người yêu quen trên mạng. Người yêu vốn là dân ăn chơi nên Hoa thường được đưa đến bar, chơi” đập đá”, ma túy.

Ban đầu, thấy người yêu cùng đám bạn “hành xác”, Hoa sợ nên không dám thử. Nhưng sau khi đang dùng ma túy, cầm điếu thuốc lá châm vào cánh tay, không thấy đau, lại thấy “lạ lạ”, thử vài lần thành quen, quen rồi “nghiện”. Bây giờ, cứ trạng thái tâm lý buồn, vui, hay chút chấn động là Hoa lại “tự thiêu”

“Thú chơi” bệnh hoạn này đang càng ngày càng lan rộng đến mức báo động. Trên một số trang mạng, diễn đàn của các “dân chơi” không thiếu các topic phổ biến kinh nghiệm “thiêu” làm sao để đạt được “khoái cảm” mạnh nhất.

Kinh khủng hơn, không chỉ tự “thiêu” ở cánh tay, lưng mà nhiều kẻ bênh hoạn còn tự thiêu ở ngực, vùng kín. Người nào càng có nhiều vết thiêu, vết thiêu càng rộng miệng thì càng chứng tỏ được “phong độ”. Trên thực tế đã có không ít ca cấp cứu phải nhập viện vì viêm nhiễm vết thương từ thú vui hành xác “kinh dị” này.

Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi “hành xác” phát triển như một căn bệnh gây nghiện. Khi phải chịu đau đớn về thể chất, cơ thể sẽ tiết ra một loại chất làm giảm cơn đau và giúp người ta quên đi những chán chường, thất vọng. Khi đã làm điều đó một lần, nạn nhân luôn ham muốn thực hiện nó mỗi khi gặp phải sự thất vọng, chán chường mà không biết cách khác để xoa dịu hay vượt qua.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến trẻ tuổi teen có hội chứng “tự hành hạ bản thân”:

Thứ nhất, teen có lối sống khép kín, không thể hiện được mình, bị mọi người, đặc biệt là người thân, thờ ơ, trẻ làm những hành động đó để cha mẹ, mọi người quan tâm.

Thứ hai, do bị bạn bè khích, muốn thể hiện bản thân, do bắt chước, do bị sốc tâm lý, thất vọng, do hiểu không đúng về “emo”...

Thứ ba, teen được tiếp xúc nhiều thông tin nhưng chưa biết chọn lọc, suy nghĩ còn nông cạn, tiêu cực.

Thứ tư, do teen còn thiếu kỹ năng sống, không giao tiếp tốt, không biết cách kiềm chế cảm xúc.

Thứ năm, trong lúc cảm xúc mãnh liệt, tuyệt vọng, đau khổ, khủng hoảng, mất phương hướng, cô đơn tột độ, hành hạ bản thân trở thành giải pháp giải tỏa tâm lý của teen. Khi không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, có thể dẫn đến tự sát.

Theo VietNamNet

>> Giới trẻ ngày càng "thản nhiên hóa" chữ x thứ 3

>> Kỷ lục kinh hoàng của những tín đồ “phượt điên”

>> Cuồng thần tượng, phải yêu và sống như phim