Thầy cô trên dưới một lòng cùng… diễn

25/09/2018 06:58
Thuận Phương
(GDVN) - Thầy cô bày cho học trò từng câu hỏi, từng câu trả lời để các em cứ phải học thuộc “diễn sâu” sao cho vừa, cho khớp với “kịch bản” bài dạy...

LTS: Mỗi tiết dự giờ, thao giảng cả giáo viên và học sinh lại cùng nhau "diễn kịch". Cô giáo Thuận Phương chia sẻ câu chuyện về cực hình trong tiết dự giờ của cả thầy và trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một năm giáo viên dạy dự giờ bao nhiêu là đủ? Hình như chưa có văn bản nào quy định điều này. Thế nên mỗi địa phương triển khai một kiểu. Dự giờ nhiều hay ít do chính trường học và sự ngẫu hứng của các cấp quản lý phía trên quy định.

Nào là dự giờ tổ chuyên môn (lên và thực nghiệm chuyên đề, kết thúc chuyên đề cứ liên tục xoay vòng quanh năm). Dự giờ chuyên môn cấp (thao giảng trường, hội giảng tiết dạy tốt). Dự giờ theo cụm trường (nhiều trường liên kết với nhau).

Ngoài ra, trong năm, giáo viên còn phải chuẩn bị thêm các tiết dự giờ của Ban giám hiệu như giáo viên chuyển khối, chuyển đến, thanh tra Phòng, Sở, thậm chí của Bộ, rồi dạy cho tổ cốt cán… chưa nói đến những tiết dự giờ thi giáo viên dạy giỏi cấp trường (gần như ai cũng phải thi).

Vì những điều này, tiết dự giờ đã trở thành cực hình cho cả thầy và trò.

Giáo viên sợ dự giờ bởi vì phải "diễn". (Ảnh minh họa: zing.vn)
Giáo viên sợ dự giờ bởi vì phải "diễn". (Ảnh minh họa: zing.vn)

Tiết dạy dự giờ thường khác xa tiết dạy thực tế. Không có người dự, thầy cô cứ dạy khi nào học trò hiểu bài thì thôi chẳng phải lo sợ cháy giờ, lo bị nhận xét phân bố thời gian không hợp lý hay giáo viên nói nhiều, học sinh thụ động… lên một tiết dạy cho người khác ngồi dự (không phải người nào cũng có chuyên môn cứng. Sợ nhất là dạy cho người đã dốt lại hay làm phách ta đây).

Người dự thành tâm thì ít mà chủ yếu tìm sơ hở để soi lại chiếm phần nhiều (không bắt được lỗi hóa ra mình thua họ à?).

Người ta nói, chín người mười ý nên để hạn chế được những góp ý có tính soi mói, bắt bẻ thì buộc người dạy dự giờ phải có sự chuẩn bị đến hoàn hảo.

Vì những nhiêu khê đó, đương nhiên dự giờ thì chẳng thầy cô nào thích. Bởi đây là hoạt động dạy thì ít mà “diễn” thì nhiều.

Chính vì điều này, dự giờ không chỉ làm khổ giáo viên phải lo toan đủ thứ chuyện mà còn hành khổ tất cả các em học sinh vì để lo cho tiết dự giờ thì hàng chục tiết học khác được thầy cô dễ dãi du di.

Thầy cô trên dưới một lòng cùng… diễn ảnh 2Làm giáo viên mà sợ dự giờ, góp ý của đồng nghiệp?

Nói một cách phũ phàng, việc thầy cô bày cho học trò từng câu hỏi, từng câu trả lời để các em cứ phải học thuộc “diễn sâu” sao cho vừa, cho khớp với “kịch bản” bài dạy chính là đã dạy, đã tiêm nhiễm cho các em sự dối trá (một điều cấm kị trong môi trường giáo dục).

Nhưng hầu như chẳng mấy ai nghĩ đến điều này. Có lẽ, đây là câu chuyện thường xuyên xảy ra nên mọi người nghiễm nhiên xem nó như là bình thường.

Sự lừa dối cũng được nâng cấp tùy vào việc cấp nào dự giờ và dự vì mục đích gì. Chẳng hạn, dự giờ tổ hàng tuần thì việc gà bài, mớm câu trả lời cho học sinh chỉ ở mức độ bình thường hoặc giáo viên cứ tự nhiên mà dạy.

Dự giờ cấp trường, sự chuẩn bị nhiều hơn một tí. Nhưng dự giờ liên trường, dự theo cụm trường, dạy cho cấp Phòng, Sở, Bộ Giáo dục … thì việc chuẩn bị càng trở nên công phu.

Không riêng gì giáo viên mà tổ chuyên môn cùng Ban giám hiệu nhà trường đều phải vào cuộc.

Bởi tiết dạy thành công, cấp trên đâu chỉ khen mình thầy cô giáo ấy mà nhà trường đã chỉ đạo chuyên môn tốt và sâu sát. Tiết dạy bị phê bình, bộ mặt nhà trường bị ảnh hưởng mà chính thầy cô cũng không thể yên.

Chuẩn bị một tiết dạy cho thanh tra cấp Phòng, Sở hoặc Bộ, nhà trường phải “chọn mặt gửi vàng” từ giáo viên đến học sinh.

Người được chỉ định dạy chắc chắn là thầy cô vững về chuyên môn bậc nhất của trường. Lớp được chọn dạy cũng là lớp tốt nhất. Một số học sinh chậm, chưa ngoan, học yếu được ưu tiên ở nhà.

Trước khi tiết dạy được trình làng, tổ trưởng chuyên môn phải cùng giáo viên dạy lên thiết kế giờ dạy, dự “nháp” và nghe góp ý, chỉnh sửa.

Thầy cô trên dưới một lòng cùng… diễn ảnh 3Thiếu gì việc thanh tra sao cứ phải là dự giờ, thăm lớp?

Lần dạy tiếp theo có sự góp mặt của phó hiệu trưởng. Rồi lại nghe góp ý, chỉnh sửa.

Lần dạy tiếp theo nữa là “bộ sậu” hoặc toàn trường cùng dự. Giáo viên lại nghe góp ý, chỉnh sửa. Cuối cùng chỉ chờ cho thanh tra về là cùng “diễn”.

Một đồng nghiệp kể rằng “Cả tháng nay mới ngủ được một giấc ngon vì vừa hoàn thành tiết dạy cho mấy vị thanh tra Bộ về dự giờ thẩm tra dự án.

Đâu chỉ mình lo, Ban giám hiệu cũng lo sốt vó. May tiết dạy được đánh giá là tốt mình mới trút được gánh nặng. Không thì ăn đủ “gạch đá” của trường”.

Rồi bạn kể, kết thúc tiết dạy VNEN đúng như kịch bản 40 phút, học sinh thảo luận sôi nổi.

Ông thanh tra tươi cười lại bắt tay giáo viên và nói “dạy và học thế này thì VNEN cần phải nhân rộng toàn quốc”.

Cô giáo cười nhưng trong lòng thì méo vì để có tiết dạy như thế cả nhà trường và học sinh đã phải vật vã khốn khổ thế nào.

Lẽ nào vị thanh tra cấp Bộ kia cũng không thể biết dưới cơ sở lại có cách đối phó tinh vi đến thế?

Bao phương pháp, bao mô hình dạy học mới cũng được các trường thực nghiệm kiểu này bảo sao không được đánh giá là thành công nên được nhân rộng và triển khai đại trà.

Vậy vì sao nhiều trường học lại phải làm thế khi có thanh tra dự giờ? Khi dạy thử nghiệm những phương pháp mới?

Câu hỏi này chúng tôi đã hỏi không ít hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Họ đều cho rằng, mọi phương pháp triển khai đều hoàn hảo, không dạy tốt chỉ do giáo viên, do nhà trường thực hiện chưa đúng.

Cái lý của người lãnh đạo là thế. Vì vậy chẳng còn cách nào khác phải diễn sao cho hay, cho đạt.

Tiết dạy dự giờ cũng là “tử huyệt” để Ban giám hiệu ra oai hoặc trả thù cá nhân khi chưa được vừa lòng với ai đó.

Thế là thầy cô đang dạy, họ bất ngờ xông vào lớp đòi dự, điều tốt họ bỏ qua, mà xăm soi vào những chi tiết phụ.

Biết bao giáo viên khốn đốn vì chuyện này. Bởi với giáo viên đã bị đánh giá là chuyên môn yếu, trung bình xem như là chẳng còn gì trong mắt đồng nghiệp và phụ huynh.

Tiễn sĩ Vũ Thu Hương cho biết không ở đâu có thể dễ dàng vào dự giờ của giáo viên như ở Việt Nam.

Nên cho giáo viên quyền từ chối những người vào dự giờ của mình, từ chối những người can thiệp vào bài giảng của mình và từ chối cả những cuộc thi mà mình không muốn tham gia.

Lúc ấy giáo viên sẽ có nhiều thời gian và điều kiện để làm tốt bài giảng, tránh những áp lực, căng thẳng không cần thiết.

Chuyện dự giờ xét cho cùng giáo viên cũng chẳng học hỏi nhiều kinh nghiệm của nhau mà gây nên nhiều hệ lụy đáng buồn khác.

Đã đến lúc cần có quy định rõ ràng một năm học giáo viên phải dạy dự giờ bao nhiêu tiết, tránh việc cứ sinh hoạt chuyên môn là phải dự giờ.

Và các cấp quản lý cũng nên thôi kiểu dự giờ thăm lớp ngẫu hứng như hiện nay.

Thuận Phương