Chuyện Ban giám hiệu nhường thi đua cho giáo viên

02/10/2018 06:56
Phan Tuyết
(GDVN) - “Giáo viên mới là người vất vả nhất vì họ là người trực tiếp giảng dạy. Mình là lãnh đạo mà danh hiệu nào cũng nhận thật không công bằng”.

LTS: Bàn luận về việc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong ngành giáo dục, trong bài viết này, tác giả Phan Tuyết đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Với giáo viên, danh hiệu cao nhất trong năm có thể nhận được là chiến sĩ thi đua các cấp. Thế nhưng không mấy người mặn mà với danh hiệu ấy.

Chẳng phải họ không muốn. Bởi có muốn cũng khó có cơ hội đạt được khi chỉ tiêu phân bổ về trường quá ít “đầu tiên phần các sếp, rơi vãi mới đến mình” nhiều giáo viên thường nói vui như thế”.

Bởi vậy, mỗi khi đến kì đăng kí thi đua, nhiều giáo viên chẳng quan tâm đến chuyện này.

Không mấy giáo viên mặn mà với danh hiệu chiến sĩ thi đua (Ảnh minh họa: TTXVN).
Không mấy giáo viên mặn mà với danh hiệu chiến sĩ thi đua (Ảnh minh họa: TTXVN).

Có người còn nói kiểu bất mãn “làm cho lắm thì cao nhất cũng chỉ là danh hiệu tiên tiến mà thôi. Vậy nên chẳng cần gì phải nỗ lực, phải cố gắng cho nhiều”.

Lãnh đạo ham danh hiệu giáo viên hết phần

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở một số địa phương kể rằng, có lãnh đạo rất thích được vinh danh và rất thích được lên bục nhận thưởng.

Thế nên ở trường, họ thường đăng kí tất cả các mục thi đua như chiến sĩ thi đua, công đoàn viên xuất sắc, giỏi việc nước đảm việc nhà…

Do các chỉ tiêu đều được khống chế với số lượng khá ít nên sếp đã có mặt thì cơ hội dành cho giáo viên không còn nhiều.

Có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong buổi lễ tổng kết năm học của ngành “mâm nào cũng có mặt” nghĩa là mục nào khen thưởng cũng chẳng sót tên.

Năm này như thế, năm sau vẫn vậy. Giấy khen có thể để cả chồng nơi góc nhà hoặc giăng kín cả một góc tường.

Phải cấm lãnh đạo nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua

Nhường danh hiệu cho giáo viên

Câu nói của một phó hiệu trưởng cũ nay đã là hiệu trưởng một trường học khác làm chúng tôi thấy vui và cảm phục “giáo viên mới là người vất vả nhất vì họ là người trực tiếp giảng dạy.

Mình là lãnh đạo mà danh hiệu nào cũng nhận thật không công bằng”.

Thế nên trường của cô ấy lên bảng danh dự nhận thưởng, người ta thấy xuất hiện phần nhiều là các thầy cô giáo.

Đầu năm học này, tại ngôi trường tôi đang giảng dạy cả Ban giám hiệu nhà trường đều không đăng kí danh hiệu thi đua chiến sĩ thi đua cơ sở.

Chẳng phải vì họ không muốn (đạt danh hiệu này sẽ là cơ sở để được xét nâng lương trước thời hạn và được nhận khoản tiền thưởng cũng khá cao so với nhiều danh hiệu khác).

Chúng tôi biết, Ban giám hiệu “rút lui” là muốn dành trọn cơ hội cho giáo viên. Bởi vì, chỉ tiêu của danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ có 15% trên tổng số lao động tiên tiến của trường.

Với tổng số cán bộ công nhân viên nhà trường, nếu đạt nhiều nhất cũng chỉ khoảng 3 người. Nếu đăng kí, Ban giám hiệu đã dành mất 2 chỉ tiêu thì giáo viên làm gì còn nhiều cơ hội?

Cây đa cây đề còn đó, chiến sĩ thi đua đâu tới phần thầy cô

Vì điều này, Ban giám hiệu nhà trường đã dành cơ hội cho tất cả giáo viên của trường tham gia.

Không chỉ thế, trong cuộc họp hội đồng, Ban giám hiệu đã động viên, khuyến khích các thầy cô cứ mạnh dạn đăng kí. Nếu có khó khăn gì nhà trường sẽ sẵn sàng giúp đỡ.

Chuyện Ban giám hiệu nhà trường nhường danh hiệu cho giáo viên tham gia không chỉ mới xảy ra trong năm học này.

Được biết, nhiều năm về trước những danh hiệu thi đua trong năm, giáo viên của trường luôn được quan tâm nhiều nhất.

Phải chăng vì như thế, mà nhiều thầy cô giáo ở trường đã luôn phấn đấu nỗ lực hết mình trong công tác dạy và giáo dục học sinh?

Phan Tuyết