Không đi xe buýt vì nhà chờ thành nơi vệ sinh công cộng

29/10/2011 02:46
Thành Chung
(GDVN) - Không có nhà chờ hoặc có nhưng bị lấn chiếm, biến thành nhà vệ sinh, đây chính là nguyên nhân chính khiến người dân không muốn sử dụng xe buýt...

Trong những bài viết trước Báo Giáo dục Việt Nam đã đề cập đến những khía cạnh khác nhau về dịch vụ xe buýt ở thủ đô Hà Nội. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều những ý kiến, chia sẻ, góp ý của độc giả gửi về tòa soạn bày tỏ sự khen, chê với loại hình dịch vụ công cộng này. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến một khía cạnh, một lát cắt khác mà nhiều bạn đọc quan tâm phản ánh và nó có quyết định đến việc người dân có nên sử dụng xe buýt hay không....

Phần che phía sau của nhà chờ xe buýt trên đường Khuất Duy Tiến này đã biến mất gần như hoàn toàn cùng với cột chỉ dẫn tuyến xe buýt bị bôi lem nhem. (Ảnh: Thành Chung).
Phần che phía sau của nhà chờ xe buýt trên đường Khuất Duy Tiến này đã biến mất gần như hoàn toàn cùng với cột chỉ dẫn tuyến xe buýt bị bôi lem nhem. (Ảnh: Thành Chung).

Nhà chờ xe buýt ở đâu rồi?
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng trên 1.000 điểm chờ và gần 400 nhà chờ xe buýt. Nhìn vào con số này có thể thấy được sự đầu tư lớn cho hạ tầng xe buýt của  Hà Nội nhưng trên thực tế hiệu quả phục vụ hành khách của các nhà chờ và điểm dừng xe buýt này thì lại ngược lại. Tình trạng thiếu nhà chờ  có mái che, ghế ngồi tại nhiều điểm dừng trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở, Láng Hạ, Nguyễn Xiển... làm cho hành khách thường xuyên phải chịu cảnh "đội mưa, hứng nắng" hoặc "đứng, ngồi vạ vật" để chờ xe buýt. Theo ghi nhận của phóng viên, tại những điểm có nhà chờ cũng chẳng khá hơn, hành khách đợi xe buýt dù không muốn nhưng luôn phải chịu đựng cảnh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường với mùi khó chịu. Không ít nhà chờ vẫn còn tồn tại những bất cập gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị như trên  tuyến đường Phạm Hùng, Láng, Khuất Duy Tiến, Hoàng Quốc Việt, Hà Đông… Một số nhà chờ xe buýt bị hư hỏng nặng, phần mái che rách nát, có điểm không còn cả mái che, thậm chí chỉ còn trơ ra phần khung sắt. Và có một thực tế là đa số các nhà chờ hiện nay đều bị biến thành các điểm dán quảng cáo rao vặt của nhiều loại dịch vụ.

Chi chít các quảng cáo rao vặt được dán đầy trong các nhà chờ xe buýt trên đường Láng (Ảnh: Thành Chung).
Chi chít các quảng cáo rao vặt được dán đầy trong các nhà chờ xe buýt trên đường Láng (Ảnh: Thành Chung).
Nhiều nhà chờ thường xuyên bị chiếm dụng vào mục đích khác mà thường là đỗ xe ôm đón khách, bán nước... Nhiều xe ôm tại các nhà chờ xe buýt vẫn thường lấn chiếm điểm dừng của xe buýt, cản trở giao thông để đón khách từ trên xe buýt xuống. Bên cạnh đó, việc bố trí thiếu hợp lý các  nhà chờ đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên một số đường trong giờ cao điểm.Nhà chờ biến thành... nhà vệ sinh công cộng (!?) Câu chuyện mà độc giả Nguyễn Thị Loan (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Báo GDVN cũng là những gì cô đã được chứng kiến về sự lấn chiếm, nhếch nhác và biến thành "nhà vệ sinh công cộng" của một số nhà chờ xe buýt. "Gần 11 giờ trưa. Trời nắng oi ả, cái nắng làm cho mọi người cảm thấy khó chịu và dễ bức xúc hơn. Xuống điểm ngã ba Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Lâm chờ xe 22. Xuống đó với hi vọng sẽ có 1 chỗ mát để chờ xe. Nhưng ai ngờ cái nhà chờ dành cho hành khách đi bus lại là nơi để mấy chú xe ôm ngồi hết.

Nếu không có tấm biển báo này chắc ít ai biết đây là điểm chở xe buýt (ảnh: Vnexpress)
Nếu không có tấm biển báo này chắc ít ai biết đây là điểm chở xe buýt (ảnh: Vnexpress)
Những chỗ gần nhà chờ mà có bóng mát của cây cối thì bị lấn chiếm làm chỗ bán hàng nước. Muốn ra chỗ mát mà không uống nứơc thì bị mấy cô mấy bà chửi đuổi đi chỗ khác. Nản thật lúc ấy thật là bực mình vì quyền lợi của dân bus mình bị mất. Điểm chờ xe buýt bị lấn chiếm làm nơi bán nước, hay nơi đậu đỗ của xe ôm mà không nói gì được".

Cũng trưa hôm sau, khi đứng tại điểm chờ xe buýt số 41 trên phố Cửa Bắc, mình không khỏi bực tức trước cảnh một quán bán nước ngang nhiên chiếm dụng hết diện tích của nhà chờ xe buýt tại đây.  Rác rưởi vứt tả tơi phía dưới, tấm bản đồ chỉ đường nhem nhuốc do khói than tổ ong bốc lên, những quảng cáo rao vặt được dán chi chít, thật là bẩn thỉu, nhếch nhác. Trong khi đó thì lại mưa, rất nhiều học sinh của trường THPT Phan Đình Phùng lại phải đứng che ô trên vỉa hè, lòng đường để chờ xe buýt. 
Chưa hết bực tức với cảnh lấn chiếm, thì chiều hôm đấy, khi ở nhà chờ "trống hoác" hết phía sau  tại ngã tư Trần Duy Hưng hướng Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng cả mấy người vừa  ngồi chờ lại vừa phải bịt mũi vì mùi khai nồng nặc của "nước tiểu" bốc lên từ phía sau. Không dừng lại tại đó, khi xuống nhà chờ gần bến xe Mỹ Đình để bắt xe 34, mặc cho mình và vài người ngồi phía trước, một bác xe ôm tầm trung tuổi vẫn vô tư "giải quyết" ngay ở phía sau nhà chờ. Quá bức xúc, một bác đứng tuổi nói vài câu thì nhận ngay được một cái cười chừ cùng lời thách thức "Tôi cứ thích thế đấy, bà làm gì được nào, bà mà như tôi thì cũng kém gì". Có lẽ giờ ngoài gọi là nhà chờ xe buýt thì mình cũng nên gọi một số cái là "nhà vệ sinh công cộng". Có một thực tế mà người dân cũng phản ánh với phóng viên là khi đi xe buýt khi bức xúc thì có đường dây nóng để phản ánh nhưng khi gặp những trường hợp bức xúc ở nhà chờ xe buýt thì chẳng biết gọi đến đâu để mà phản ánh. Nên dù biết đấy nhưng mà vẫn phải để cho những nhà chờ bị tàn phá theo kiểu "cha chung không ai khóc".
Đó là những câu chuyện của hành khách thường xuyên di chuyển qua nhiều nhà chờ xe buýt trên địa bàn thủ đô hàng ngày kể lại. Bên cạnh những lợi ích của những nhà chờ xe buýt này thì câu chuyện về chất lượng,  việc đầu tư xây dựng, quản lý, bảo vệ của chúng ra sao cũng rất cần sự quan tâm thường xuyên của các cơ quan chức năng để đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu của hành khách và thực hiện được "mong muốn"  mọi người tăng cường đi xe buýt nhằm tránh ùn tắc của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Trong đợt khảo sát mới đây do Tổng công ty vận tải Hà Nội thực hiện với trên 1.200 điểm dừng và nhà chờ xe buýt đã phát hiện quá nửa bị lấn chiếm thành các quán nước, quán ăn... trong đó tập trung đông hầu hết tại các điểm, nhà chờ ở 4 quận nội thành, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thành Chung