Bộ Giáo dục làm sao đảm bảo được chất lượng nếu thiếu giáo viên

28/10/2018 06:50
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ Giáo dục không thể nào chịu trách nhiệm chất lượng được nếu thiếu giáo viên theo định mức và không đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên.

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, trong đó việc tinh giản biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp được các đại biểu quan tâm, đặc biệt là việc tinh giản biên chế giáo viên bộc lộ nhiều bất cập.

Theo báo cáo của các sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm 15/8/2018, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; trung học cơ sở: 10.143 người; trung học phổ thông: 3161 người. 

Riêng cấp trung học phổ thông, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được. Do đó, dẫn đến việc một số địa phương đã ký hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành. 

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ tho rằng, theo phân công, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng, các chuẩn, quy chuẩn giáo viên và các chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên…

Tại thời điểm này, các vấn đề liên quan đến chuẩn và chất lượng giáo viên thì ngành đã có phương hướng thông qua một số Thông tư mới ban hành. 

Nhưng theo phân cấp thì quyền sử dụng, tuyển dụng thuộc về chính quyền địa phương. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể nào chịu trách nhiệm chất lượng được nếu thiếu biên chế giáo viên theo định mức và không đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên (Ảnh minh họa: báo Kinh tế đô thị)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể nào chịu trách nhiệm chất lượng được nếu thiếu biên chế giáo viên theo định mức và không đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên (Ảnh minh họa: báo Kinh tế đô thị)

"Chúng tôi tha thiết với lãnh đạo các địa phương là ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế một cách cơ học và như Thủ tướng đã có chỉ đạo “ở đâu có học trò thì ở đó phải có giáo viên, có trường lớp”. 

Trong thực tế, đối với giáo viên phổ thông đặc biệt là bậc mầm non bắt buộc thì phải đủ giáo viên, trường lớp cho các cháu học. 

Thời gian qua, chúng tôi làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ ngành khác thống nhất một định mức là 35 học sinh tiểu học/ lớp, 45 học sinh trung học cơ sở/ lớp. So với các nước thì định mức này còn cao nhưng chúng ta cố gắng cải thiện bởi nước ta còn nghèo. 

Chúng tôi đề nghị cần đảm bảo đủ giáo viên và định mức đó”, Bộ trưởng Nhạ đề nghị. 

Còn đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng Nhạ yêu cầu, trước hết cần chính sách đảm bảo giáo viên cho vùng sâu vùng xa, không thể cơ học bằng cách đưa tất cả các cháu vào một khu mà không đảm bảo điều kiện địa lý khiến các cháu bỏ học vì nhà xa hay không đảm bảo trường lớp. 

"Tôi thiết tha đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh ủy các tỉnh ưu tiên cho bố trí cho giáo viên còn các điều kiện về chế độ chính sách thì Bộ Nội vụ phải tham mưu làm sao để đảm bảo bởi lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể nào chịu trách nhiệm chất lượng được nếu thiếu giáo viên theo định mức và không đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên", Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. 

Bộ Giáo dục làm sao đảm bảo được chất lượng nếu thiếu giáo viên ảnh 2Bắt Giáo dục giảm 10% biên chế là bất cập và không khả thi

Trước đó như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trước năm 2015, thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, các địa phương chủ động phê duyệt biên chế.

Do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ.

Đặc biệt là, từ sau năm 2011, việc chuyển đổi mô hình trường lớp bán công (không còn mô hình trường bán công) đã dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên ở các trường lớp bán công vào các trường công lập tăng lên, nhiều nơi tuyển dụng vào các trường công lập nhiều hơn chỉ tiêu biên chế được giao.

Dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng giáo viên.

Đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần đảm bảo đủ giáo viên theo quy định.

Ngoài ra, đối với giáo viên mầm non, việc thực hiện phổ cập, đặc biệt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi dẫn đến nhu cầu bổ sung nhiều giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu gia tăng số lượng trẻ mầm non đến trường.

Việc thừa thiếu giáo viên diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển giáo viên giữa các địa phương cũng khó khăn vì các địa phương được tổ chức tuyển dụng riêng.

Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở, phòng giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu; một số nơi đã vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội .

Sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, hầu hết các tỉnh, thành không được giao thêm biên chế giáo viên mặc dù số học sinh ở các địa phương trong thời gian qua vẫn tăng.

Việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cấp quản lý còn hạn chế.

Thùy Linh