Cần làm rõ một số khuất tất trong việc buộc thôi việc cô giáo ở Cà Mau

29/10/2018 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Quyết định kỷ luật nêu rõ, bà Thanh bị kỷ luật là vì không chấp hành sự phân công của hiệu trưởng và nghỉ việc không lý do 36 ngày (từ ngày 6/9 - 18/10/2018).

Ngày 27/10, ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã ký quyết định số 03/QĐ-THCSTHĐ kỷ luật đối với bà Hoàng Thị Hoài Thanh (42 tuổi), giáo viên của trường với hình thức buộc thôi việc.

Quyết định kỷ luật nêu rõ, bà Thanh bị kỷ luật là vì không chấp hành sự phân công của hiệu trưởng và nghỉ việc không lý do 36 ngày (từ ngày 6/9 - 18/10/2018).

Cũng theo quyết định nói trên, bà Thanh đã vi phạm nghiêm trọng Điều 13 Nghị định 27/2012 NĐ-CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.

Quyết định kỷ luật đối với bà Hoàng Thị Hoài Thanh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Quyết định kỷ luật đối với bà Hoàng Thị Hoài Thanh (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Thanh cho biết “tôi không nhận nhiệm vụ là do nhà trường phân công không đúng chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo, không thực hiện đúng quy trình phân công công việc chứ tôi không bỏ nhiệm sở”.

Năm học 2018-2019, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã phân công cho bà Hoàng Thị Hoài Thanh giáo viên Sinh xuống làm thư viện.

Bà Thanh cho rằng, việc phân công này không đúng vì bà không có chuyên môn nghiệp vụ thư viện.

Trong khi, bà không hề nhận được một tờ quyết định nào của cấp trên về việc phải chuyển đổi công việc.

Bà Thanh là giáo viên hiện đang hưởng lương ngạch giáo viên, muốn điều chuyển xuống làm thư viện phải có có quyết định chuyển ngạch.

Đơn yêu cầu của bà Hoàng Thị Hoài Thanh (Ảnh: tác giả cung cấp).
Đơn yêu cầu của bà Hoàng Thị Hoài Thanh (Ảnh: tác giả cung cấp).

Theo Quyết định số: 01/2003/QĐ-BGDĐT về việc ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông nêu rõ “Mỗi trường đều phải bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác thư viện.

Nếu là giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện thì phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thư viện trường học, được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác như giáo viên đứng lớp.

Cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành văn hóa - thông tin quy định”.

Theo Quyết định này, nếu bố trí bà Thanh kiêm nhiệm làm công tác thư viện thì nhà trường phải cho bà Thanh đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thư viện trường học. Bà Thanh vẫn được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác như giáo viên đứng lớp.

Trong khi, quyết định điều chuyển không có (chỉ có bảng phân công chuyên môn ghi nhiệm thư viện) đã hợp lý chưa?

Mặt khác, hiện tại nhà trường đang có nhân viên thư viện (trường chỉ có 8 lớp) nay điều chuyển thêm giáo viên xuống làm thư viện nữa có hợp lý không?

Nói về việc Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định buộc thôi việc bà Thanh vì nghỉ quá số ngày quy định cũng có khá nhiều điều cần được làm rõ.

Thứ nhất, trước khi xét kỉ luật giáo viên, nhà trường có đưa ra hội đồng sư phạm lấy ý kiến và bỏ phiếu.

Hội đồng có 22 người, trong đó 4 phiếu buộc thôi việc, 2 phiếu đồng ý cảnh cáo, 3 phiếu khiển trách, 13 phiếu không đồng ý kỉ luật cô Thanh. Nếu căn cứ vào cuộc họp này, chỉ có 4 phiếu đồng ý kỉ luật buộc thôi việc.

Nhà trường tiếp tục triệu tập Hội đồng kỉ luật gồm 6 thành viên. Trong đó, 3 người ngồi dự không có quyền bỏ phiếu (cán bộ xã, Phó bí thư chi bộ (Tổ trưởng chuyên môn của bà Thanh) và một phó hiệu trưởng). 3 người được quyền bỏ phiếu là Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn và Tổng phụ trách (làm thư kí).

Bảng phân công chuyên môn năm học 2018-2019 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bảng phân công chuyên môn năm học 2018-2019 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Điều đáng nói ở chỗ, thư kí hội đồng nhà trường không được tham dự phiên họp này mà hiệu trưởng cử ngay một Tổng phụ trách đội làm thư kí Hội đồng kỉ luật. Số phiếu tham gia bỏ là 3 trong đó 2 phiếu buộc thôi việc và một phiếu cảnh cáo.

Ai dám chắc người được cử làm thư kí mới này, không có mối quan hệ thân thiết với hiệu trưởng? Nếu thế thì 2 lá phiếu đồng ý buộc thôi việc bà Thanh có còn khách quan?

Chúng tôi trao đổi với ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng nhà trường về việc buộc thôi việc bà Thanh, ông Quyển cho biết nhà trường đã làm đúng theo Nghị định số: 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỉ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả viên chức.

Điều 10 của Nghị định 27/2012/NĐ-CP nêu rõ “Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch, năm dương lịch”.

Nhận thấy, từ việc phân công công việc đến việc lấy ý kiến của Hội đồng kỉ luật bà Thanh có khá nhiều điểm chưa minh bạch. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nơi đây điều tra làm rõ.

Phan Tuyết