Thầy cô đừng buông lời miệt thị học trò của mình, tội lắm!

30/10/2018 07:00
Thanh An
(GDVN) - Dùng từ “ngu” để chửi học trò không chỉ xúc phạm các em mà ngôn từ này hoàn toàn không phù hợp trong nhà trường, không đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành.

LTS: Chia sẻ câu chuyện của cậu con trai, thầy giáo Thanh An mong rằng các thầy cô hãy cân nhắc lựa chọn trong việc dùng từ ngữ, tránh miệt thị học trò, gây tổn thương cho các em.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhìn cậu con trai đang học lớp 4 không nói, không rằng, dáng vẻ buồn thiu khi đi học về khiến vợ chồng thắc mắc bởi rất ít khi con trai mình có tâm trạng như vậy.

Khi hỏi vì sao con buồn như thế thì cháu nói rằng hôm nay con bị thầy chửi là “ngu” nên con buồn và vô cùng mắc cỡ trước bạn bè trong lớp.

Nghe vậy, dù cố giữ bình tĩnh nhưng bản thân chúng tôi không khỏi sốc về ngôn từ mà thầy giáo chủ nhiệm lớp đã dùng khi nói với con mình - những đứa trẻ đang ngồi ở một trường Tiểu học.

Gia đình tôi chỉ mới có một đứa con, cha mẹ lại đều là giáo viên nên ngay từ nhỏ, chúng tôi đã ý thức và dạy dỗ con mình một cách rất nghiêm khắc và cẩn thận về cách ứng xử với mọi người và ý chí học tập.

Cháu không chỉ học khá tốt mà cũng thường xuyên tham gia các phong trào Đội ở trường một cách tích cực.

Các cuộc thi dành cho học sinh Tiểu học gần như cũng đều tham gia hết và đạt được nhiều kết quả tốt. Nhất là cháu nói năng rất lễ phép, có đầu có cuối và thưa gửi đàng hoàng.

Trẻ em rất dễ bị tổn thương bởi lời nói miệt thị. Ảnh minh họa: Giadinhmoi.vn
Trẻ em rất dễ bị tổn thương bởi lời nói miệt thị. Ảnh minh họa: Giadinhmoi.vn

Chính vì thế, khi nghe con trai nói rằng thầy giáo chửi con mình “ngu” chúng tôi thấy choáng vô cùng.

Bởi, bản thân chúng tôi cũng là những người thầy, chuyện học sinh học yếu hay quậy phá cũng gặp hàng ngày nhưng chưa bao giờ dám dùng những ngôn từ như vậy.

Dùng từ “ngu” để chửi học trò không chỉ xúc phạm các em mà ngôn từ này hoàn toàn không phù hợp trong nhà trường, không đúng với tinh thần chỉ đạo của ngành.

Điều quan trọng hơn nữa là ngôn từ này trái với lương tâm, đạo đức của người thầy khi đứng trên bục giảng.

Tôi yêu cầu con trai mình kể lại toàn bộ đầu đuôi câu chuyện để tìm hiểu vì sao mà con bị thầy chửi “ngu” thì cháu kể lại: “Hôm nay, thầy chủ nhiệm đưa cho con và các bạn trong lớp tờ khai lý lịch đầu năm mà học sinh đã nộp cho thầy”.

Thầy nói: “Các em về bảo ba mẹ sửa lại số điện thoại 11 số thành 10 số cho thầy”.

Vì con không biết 11 số hay 10 số như thế nào nên con hỏi lại thầy cho rõ để về ba mẹ sửa thì thầy nhìn con với một cái nhìn khó chịu và buông lời: “Sao mày ngu vậy…”.

Thì ra là thế, cháu bị thầy chửi và cháu đã buồn. Có lẽ không chỉ đứa con trai của chúng tôi buồn mà bản thân chúng tôi cũng rất buồn.

Thầy cô đừng buông lời miệt thị học trò của mình, tội lắm! ảnh 2Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi phụ huynh tố thông tin trẻ bị bạo hành

Nếu như học sinh cấp 2 trở lên thì nói câu này còn có thể chấp nhận được bởi các em đã được cha mẹ cho sử dụng điện thoại.

Nhưng, con trai tôi mới bước vào học lớp 4, gia đình tôi chưa mua điện thoại riêng cho cháu.

Thỉnh thoảng, cũng cho cháu mượn điện thoại nhưng chỉ là cho mượn để chơi và xem phim để giải trí khi căng thẳng trong học tập.

Việc cháu không biết số điện thoại 11 hay 10 số cũng là lẽ thường tình. Và, tôi tin rằng phần lớn học sinh Tiểu học hiện nay cũng không nắm rõ được việc thay đổi đầu số điện thoại vừa rồi của các nhà mạng.

Những điều chưa hiểu, chưa rõ thì học sinh hỏi lại thầy cô trong lúc trên lớp là chuyện rất đỗi bình thường.

Nhất là đối với những học sinh nhỏ tuổi, các em còn khờ dại, còn rất ngây thơ để nhận biết được nhiều những vấn đề xảy ra trong cuộc sống cũng như trong học hành.

Việc thầy cô giải đáp những thắc mắc của học trò là chuyện hàng ngày chứ có quan trọng gì đâu.

Hơn nữa, ở đây, việc hỏi chuyện đầu số điện thoại của con trai tôi vì cháu không hề biết 11 hay 10 số là gì có gì quan trọng lắm đâu?

Tại sao thầy lại không dùng những hiểu biết của mình để giải đáp thắc mắc của trò mà lại buông lời miệt thị như vậy?

Chúng tôi định đem câu chuyện này trao đổi lại với thầy chủ nhiệm của cháu nhưng nghĩ đi, nghĩ lại lại thôi.

Bởi, vì sao giữa chúng tôi và thầy chủ nhiệm của con mình dù không dạy một trường với nhau nhưng cũng đều là những người thầy và cũng từng biết và gặp nhau nhiều lần.

Nói, chưa hẳn là người thầy đó sẽ nhận về lời nói của mình mà biết đâu lại gây phiền phức cho con trai mình trên lớp.

Thầy cô đừng buông lời miệt thị học trò của mình, tội lắm! ảnh 3Chỗ nào cũng có chính quyền, sao để đánh trẻ dã man thế

Bởi năm học mới cũng vừa bắt đầu được vài ba tháng. Thời gian của năm học còn nhiều…

Nghĩ tới, nghĩ lui những điều thiệt hơn rồi cuối cùng chúng tôi cũng đành chỉ biết dặn con mình là từ nay con chỉ hỏi thầy chuyện học hành trên lớp, những chuyện khác chưa hiểu thì về hỏi ba mẹ giải đáp cho.

Từ câu chuyện của con mình và trong thời gian qua, bản thân chúng tôi đã nghe rất nhiều chuyện ứng xử không phù hợp của một số giáo viên đối với các em học trò Tiểu học qua các kênh thông tin đại chúng, cho thấy văn hóa ứng xử của một bộ phận thầy cô chưa phù hợp.

Một số thầy cô có lẽ quan niệm các em còn nhỏ nên muốn nói gì thì nói, chửi gì thì chửi.

Vì thế mới có chuyện giáo viên đánh học trò, bắt học trò quỳ trong lớp… Nhưng, có lẽ nhiều thầy cô đã nhầm.

Học sinh Tiểu học bây giờ cũng rất nhạy cảm trước các hình phạt của thầy cô. Hơn nữa, các em cũng là con người, các em như những tờ giấy trắng tinh và đang có một niềm tin tuyệt đối vào người thầy.

Không giống như những em học sinh ở lớp cao hơn sẽ có những phản kháng hay giấu những yếu kém của mình nhưng học sinh tiểu học lại thường cái gì không biết thì các em sẽ hỏi thầy cô một cách cẩn thận.

Chính vì vậy, khi thầy cô được hỏi cũng cần trả lời thấu đáo bằng những ngôn từ phù hợp.

Việc giáo dục, sự nghiêm khắc cũng rất cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng nghiêm khắc và buông những lời lẽ miệt thị học trò.

Làm như vậy, không chỉ trò bị tổn thương mà bản thân người thầy rõ ràng chưa có ngôn từ phù hợp để dạy dỗ học trò. Tính nêu gương, tinh thần dạy dỗ của người thầy sẽ không tạo gương sáng trước học trò.

Thiết nghĩ, thầy cô nào đứng trước học trò dù có nhiều áp lực nhưng cũng cần chuẩn mực về ngôn từ, hành động của mình, nhất là đối với học trò Tiểu học.

Bởi các em còn quá nhỏ, sự tiêm nhiễm những ngôn từ, cách ứng xử không phù hợp sẽ để lại nhiều vết thương trong lòng của các em trong tương lai.                              

Thanh An