Thủ khoa ngành truyền thông và những câu hỏi khó của bố mẹ

03/11/2018 07:12
Thùy Linh
(GDVN) - Nói đến phương pháp học tập, Hải cho biết bản thân không có cách học gì đặc biệt, chủ yếu là sự tập trung, nghiêm túc để tìm ra niềm đam mê thực sự của mình.

Với điểm học tập toàn khóa 3.42/4, nữ sinh Nguyễn Thị Hải (sinh năm 1996), quê Quảng Ninh - tốt nghiệp Khoa quan hệ công chúng và truyền thông (Trường Đại học Hòa Bình) trở thành thủ khoa duy nhất của trường được vinh danh tại lễ tuyên dương 88 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các đại học, học viện năm 2018 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa qua.

Nói về cơ duyên lựa chọn ngành Quan hệ công chúng và truyền thông, Hải chia sẻ: “Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, em đăng ký vào trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng em thiếu điểm đỗ nguyện vọng 1”.

Khi đó bản thân không có ý định sẽ xét nguyện 2 vào trường nào nên Hải đã xuống Móng Cái (Quảng Ninh) để đi học tiếng Trung. Học được vài hôm thì bố mẹ gọi điện xuống và nói: “Con trúng tuyển vào Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông của trường Đại học Hòa Bình, đi học nhé con”. 

Theo nguyện vọng của bố mẹ, Hải quyết định theo học tại ngôi trường này. 

Với suy nghĩ "Quan trọng không phải học ở đâu, mà là mình sẽ học và làm được gì trong quá trình đó" nên khi nhập học, nữ sinh mang tâm trạng thoải mái và rất hài lòng môi trường mới này.

Hải chia sẻ: “Em không biết giải thích thế nào mỗi khi chạy chương trình PR hay đi thực tế làm hồ sơ cho chương trình về muộn thì bố mẹ đều hỏi: “Sao lại làm muộn như vậy?...” (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hải chia sẻ: “Em không biết giải thích thế nào mỗi khi chạy chương trình PR hay đi thực tế làm hồ sơ cho chương trình về muộn thì bố mẹ đều hỏi: “Sao lại làm muộn như vậy?...” (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nói đến phương pháp học tập, Hải cho biết bản thân cũng không có cách học gì đặc biệt, chủ yếu là sự tập trung, nghiêm túc để tìm ra niềm đam mê thực sự của mình. 

Điều khiến Hải thấy thú vị nhất ở ngành học của mình đó là bản thân được học tập, thực hành tại trường – môi trường truyền thông rất đa dạng đòi hỏi người học cần có sự hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhanh nhạy, sáng tạo, cẩn thận. 

Bởi thông tin được các truyền các phương tiện thông tin đại chúng đến công chúng cần được chính xác, được nhiều công chúng quan tâm, đồng thời thông tin cũng cần nhanh và sáng tạo. 

Tất cả những yếu tố đó khiến Hải cảm thấy cần học hỏi từng ngày và làm cho bản thân năng động hơn thay vì ngồi một chỗ.

Do đó, ngoài việc học ở trường thì em còn tích cực tham gia các hoạt động đồng thời điều chỉnh giữa thời gian học tập và thực hành để thích ứng bởi lẽ giờ giấc của nghề truyền thông không cố định. 

Sau khi tốt nghiệp, hiện tại, Hải đã đi làm làm đúng chuyên ngành tại một công ty Truyền thông ở Hà Nội với công việc hàng ngày là viết bài PR, làm hồ sơ chương trình PR và cùng đồng nghiệp chạy sự kiện khi có sự kiện diễn ra. 

Tuy nhiên, điều Hải lo ngại nhất khi làm nghề này đó là sự lo lắng của bố mẹ. 

Hải chia sẻ: “Em không biết giải thích thế nào mỗi khi chạy chương trình PR hay đi thực tế làm hồ sơ cho chương trình về muộn thì bố mẹ đều hỏi: “Sao lại làm muộn như vậy?...”. 

Những lúc đó, em chỉ lấy những điều mà bố mẹ lo lắng làm động lực để em tiếp tục cố gắng theo đuổi mục đích và niềm đam mê của mình”. 

Cô gái Nguyễn Thị Hải (thứ 2 từ phải qua trái) trong lễ ghi danh sổ vàng khi trở thành một trong 88 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các đại học, học viện năm 2018 trên địa bàn Hà Nội (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô gái Nguyễn Thị Hải (thứ 2 từ phải qua trái) trong lễ ghi danh sổ vàng khi trở thành một trong 88 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các đại học, học viện năm 2018 trên địa bàn Hà Nội (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong thời gian tới, dự định của Hải là tiếp tục theo đuổi đam mê và thực hiện mục đích là trở thành chuyên viên PR cùng mong muốn giúp đỡ các bạn sinh viên trong cùng ngành về mặt chuyên môn khi còn mới ra trường chưa định hướng được công việc sắp tới của bản thân.

Để làm được điều đó, Hải đang cố gắng trau dồi kiến thức về chuyên môn bằng việc đọc sách chuyên ngành, học tiếng Anh chuyên ngành và học hỏi về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp của đồng nghiệp và mọi người xung quanh.

Thùy Linh