Đại biểu ngành y cảm thấy cán bộ y tế bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung

07/11/2018 07:16
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nhấn mạnh của đại biểu Vũ Thị Nguyệt khi phát biểu về việc dự thảo Luật Giáo dục Đại học dự kiến bỏ trình độ và văn bằng chuyên sâu.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt – đoàn Hưng Yên khẳng định với vai trò là một cán bộ đang công tác trong ngành y tế. Đại biểu tham gia một số ý kiến vào vấn đề liên quan tới đào tạo nhân lực y tế.

Thứ nhất, về trình độ và văn bằng giáo dục đại học. Đại biểu nhấn mạnh, có thể nói đào tạo nhân lực y tế là loại hình đào tạo đặc biệt, đặc biệt ở đây là đặc biệt cả về thời gian đào tạo, hình thức đào tạo cũng như văn bằng, chứng chỉ.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt. Ảnh: Quochoi.vn

Để trở thành bác sĩ hành nghề chuyên môn thì ngoài 6 năm được đào tạo ở trong trường đại học cần phải thêm ít nhất từ 2-3 năm đào tạo chuyên sâu theo hướng đào tạo hàn lâm nghiên cứu gồm có thạc sĩ, tiến sĩ và hướng đào tạo hành nghề chuyên môn gồm chuyên khoa, chuyên khoa sâu như bác sĩ nội trú chuyên khoa I và chuyên khoa II.

Bên cạnh đó, cán bộ y tế còn phải thường xuyên đào tạo cập nhật kiến thức và việc học đối với cán bộ y tế gần như suốt đời và không bao giờ là đủ.

Đối với loại hình đào tạo bác sĩ nội trú, có thể nói đây là nguồn nhân lực tinh túy, chất lượng cao của ngành y tế.

Đối với loại hình đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, đây là đội ngũ cán bộ chủ lực trong công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các bệnh viện có đóng góp rất lớn trong việc thực hiện chuyên môn của ngành y tế.

Các loại hình đào tạo này đã tồn tại mấy chục năm nay, được hệ thống giáo dục xã hội và thế giới công nhận.

“Bản thân tôi cũng là một bác sĩ chuyên khoa I, tôi rất băn khoăn khi trong dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu.

Trong khi thực tế, đây không phải vấn đề mới do thực chất Điều 39 Luật Giáo dục năm 1998 đã quy định và có những hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới luật.

Nhưng không hiểu sao trong những luật sau thì không quy định loại hình đào tạo cũng như loại văn bằng này.

Tôi và rất nhiều cán bộ y tế trong ngành cảm thấy mình bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung và rất tâm tư khi không biết mình đang đứng ở đâu và được ai công nhận.

Nếu như trong dự luật lần này tiếp tục không quy định thì có thể phải 10 năm nữa những người như chúng tôi tiếp tục hành trình tìm lại chính mình do đã bị pháp luật bỏ quên", đại biểu nêu quan điểm.

Do đó, đại biểu đề nghị ngay trong dự thảo luật lần này cần quy định rõ trong khoản 1 Điều 6 trình độ tương đương với trình độ thạc sỹ, tiến sỹ hoặc trình độ chuyên gia, điều này cũng phù hợp với thực tiễn trong nước và trên thế giới.

Cũng liên quan nội dung trên, đại biểu Lê Thị Yến - đoàn Phú Thọ nêu, về quy định trình độ đào tạo của giáo dục đại học tại khoản 1 Điều 6 quy định "Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sỹ và trình độ tiến sỹ".

Nhưng như chúng ta đã biết, nghề y là nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt để trở thành người bác sỹ hành nghề chuyên môn sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường đại học.

Người học còn phải thường xuyên đào tạo, cập nhật, phát triển nghề nghiệp. 

Đại biểu ngành y cảm thấy cán bộ y tế bị gạt ra khỏi hệ thống đào tạo chung ảnh 2Bộ Giáo dục phản hồi ý kiến của Bộ Y tế về văn bằng

"Trong 6 năm học tập để trở thành bác sỹ cũng không giống như những chương trình cử nhân khác.

Chương trình đào tạo bác sỹ bao gồm các hợp phần thực hành và các giai đoạn trải nghiệm công việc trực tiếp tại các cơ sở y tế dựa trên các nền tảng lý thuyết.

Nội dung chương trình đào tạo phức tạp hơn các chương trình cử nhân 4 năm, với thời gian đào tạo dài hơn từ 1 đến 2 năm.

Sau đào tạo đại học là đào tạo chuyên khoa sâu, có bác sỹ chuyên khoa 1, bác sỹ chuyên khoa 2 và bác sỹ nội trú.

Riêng đối với đào tạo bác sỹ nội trú là 9 năm. Những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng là cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ được nhưng trình độ và văn bằng chuyên sâu chưa được quy định trong Luật Giáo dục đại học trình lần này.

Vậy, trình độ và văn bằng chuyên sâu sẽ được quy định ở luật nào?", đại biểu đặt câu hỏi. 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc đào tạo các nghề đặc thù, đây là vấn đề các vị đại biểu Quốc hội góp ý kiến với một tâm huyết, trách nhiệm rất cao mà tha thiết nữa để làm sao chúng ta có những lĩnh vực đặc thù như ngành y, ngành văn hóa nghệ thuật, nhất là lĩnh vực nghệ thuật.

Các lĩnh vực khác một thầy có thể dạy được nhiều trò nhưng nghệ thuật một trò lại nhiều thầy dạy, rất đặc thù, lĩnh vực này cần quan tâm.

Ngành thể dục, thể thao đỉnh cao thực sự cần phải có sự quan tâm đặc biệt. 

Đỗ Thơm