Thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” không được phép xuất hiện tại Việt Nam

10/11/2018 06:16
Lại Cường
(GDVN) - Trước thông tin hàng trăm ngàn viên thuốc làm từ thịt người đang lưu hành tại Nigeria, Bộ Y tế Việt Nam đã phát đi cảnh báo.

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa phát đi công văn số 21204/QLD-TTra về việc cung cấp thông tin Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo công văn của Cục Quản lý dược, vừa qua, Nigeria phát báo động gấp khi có hàng trăm ngàn viên thuốc Trung Quốc làm từ thịt người lưu hành tại nước này.

Trước đó, tin từ Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria xác nhận, có dược phẩm của Trung Quốc trên thị trường Nigeria chứa thành phần thịt người.

Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh nan y giai đoạn cuối. Các viên thuốc được buôn lậu trong va li qua đường vận chuyển thư quốc tế.

Theo cuộc điều tra của cơ quan tình báo Quốc gia (NIA) Nigeria, các viên thuốc chứa đầy “bột thịt”.

NIA cho rằng các thi thể này đã bị cắt thành từng miếng nhỏ và sấy khô trên bếp trước khi được chế biến thành bột ở đông bắc Trung Quốc.

Thuốc "Trung Quốc làm từ thịt người" bị cấm ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: bestnewsghana)
Thuốc "Trung Quốc làm từ thịt người" bị cấm ở Việt Nam. (Ảnh minh họa: bestnewsghana)

NIA hé lộ thêm, Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đã xác định thuốc này chứa 18.7 tỉ virus, bao gồm virus bệnh viêm gan B đã được tìm thấy trong số thuốc nói trên.

Trước thông tin này, Công văn của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” đề cập trên.

Thuốc “Trung Quốc làm từ thịt người” không được phép xuất hiện tại Việt Nam ảnh 2Có 43,8% học sinh dưới 14 tuổi đã uống rượu, bia

Để đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.

Đồng thời Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh phải phối hợp với các cơ quan như: Hải quan, quản lý thị trường, công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý dược trước ngày 15/12/2018.

Lại Cường