Có gì trong thư chúc mừng ngày Nhà giáo của Bộ trưởng Nhạ?

25/11/2018 07:11
Nguyễn Cao
(GDVN) - Những lời tâm huyết của Bộ trưởng cũng là những trăn trở của giáo viên trong ngành. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, chúng tôi vẫn thấy có rất nhiều băn khoăn.

LTS: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã, đang công tác trong ngành Giáo dục.

Những trăn trở trong thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của Bộ trưởng cũng là trăn trở chung của xã hội. Thông qua đó, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Ngày 20/11 đã đi qua, mọi người khắp nơi trên đất nước đều hướng về đội ngũ thầy cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục.

Đọc thư gửi chúc mừng đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành giáo dục của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ta thấy có cả niềm tự hào và rất nhiều trăn trở của vị tư lệnh ngành.

Làm thế nào để “củng cố niềm tin của xã hội đối với công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà” trong lúc này là vô cùng khẩn thiết, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò của những người thầy là quan trọng nhất?

Những trăn trở trong thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của Bộ trưởng cũng là trăn trở chung của xã hội (Ảnh minh họa: TTXVN).
Những trăn trở trong thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của Bộ trưởng cũng là trăn trở chung của xã hội (Ảnh minh họa: TTXVN).

Nhiều năm qua, ngành giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội ở trên mọi diễn đàn, thậm chí trong mỗi kỳ chất vấn của các kỳ họp Quốc hội thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng luôn nhận được chất vấn nhiều nhất của các đại biểu với những câu hỏi hóc búa, nan giải.

Nhiều vấn đề nóng, bất cập liên tục xảy ra. Nhưng, có lẽ chưa bao giờ có nhiều vấn đề nổi cộm đã xảy ra như năm 2018 này.

Vì thế, trong thư gửi cán bộ, giáo viên ngành giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, cá nhân Bộ trưởng cũng đã thừa nhận:

Con đường đổi mới đang ở những bước đầu tiên, phía trước còn rất nhiều gian khó, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm hơn nữa của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành.

Nhất là khi một số bất cập, hạn chế về giáo dục và đào tạo đã bộc lộ rõ hơn trong năm 2018, ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Điều này đặt ra cho toàn ngành nhiều việc phải làm, cả trước mắt và lâu dài, trước hết là để củng cố niềm tin của xã hội đối với công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà”.

Những lời tâm huyết của vị tư lệnh ngành khiến chúng ta không khỏi nghĩ suy, trăn trở. Tuy nhiên, có những điều lớn lao ở cấp vĩ mô có thể người dân chưa tiếp cận tới được hoặc có thể họ cũng chẳng cần quan tâm đến nhiều nhưng những gì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học sinh là những điều gần gũi mà các phụ huynh biết rõ nhất.

Có gì trong thư chúc mừng ngày Nhà giáo của Bộ trưởng Nhạ? ảnh 2Thư của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi các thầy cô

Vì thế, niềm tin xã hội bắt đầu từ những câu chuyện rất đời thường đang diễn ra hàng ngày trước mắt các bậc phụ huynh.

Hàng loạt vấn đề nóng xảy ra từ đầu năm đến nay, nhưng nổi bật hơn cả đó là tình trạng tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua đã làm mai một niềm tin của xã hội.

Nó đã trở thành một bức tranh xấu xí hơn bao giờ hết của ngành giáo dục.

Làm sao niềm tin của xã hội còn vẹn nguyên khi quyền lợi của con em họ không được đảm bảo, khi kỳ thi diễn ra không nghiêm túc, tiêu cực mà những người “làm nên” sự việc động trời này lại là những người đang cầm cân nảy mực ở ngành giáo dục, đang là người định đoạt tương lai của học trò?

Mỗi năm, phụ huynh phải đầu tư nhiều trăm ngàn đồng để mua sách giáo khoa, sách bài tập của con em họ nhưng “hạn sử dụng” chỉ trong một năm rồi lại vứt bỏ.

Anh chị học năm trước, em học năm sau không sử dụng được vì sách cũ đã được viết trực tiếp lên sách rồi. Niềm tin đó chắc sẽ lung lay chẳng thể nào vẹn nguyên như trước.

Hàng ngày, học sinh vẫn học tập trên lớp bình thường, các báo cáo của nhà trường trong mỗi dịp khai giảng, tổng kết năm học thì luôn khả quan, năm sau cao hơn năm trước, tỉ lệ học sinh có học lực khá giỏi liên tục tăng lên.

Vì sao, con em họ lại cứ phải đi học thêm hàng ngày với mức học phí 1 môn học thêm bằng 5-6 lần học phí cho tất cả các môn học chính khóa ở nhà trường.

Thử hỏi niềm tin có còn vẹn nguyên không?

Những chuyện rất giản đơn xảy ra hàng ngày này là những điều mà phụ huynh dễ thấy nhất. Thước đo xã hội về giáo dục cũng rõ ràng hơn cả từ những câu chuyện “nho nhỏ” như thế này.

Có gì trong thư chúc mừng ngày Nhà giáo của Bộ trưởng Nhạ? ảnh 3Giáo dục, những bất thường và … bình thường!

Còn đối với giáo viên, trong thư của Bộ trưởng đã trăn trở:

Con đường đổi mới đang ở những bước đầu tiên, phía trước còn rất nhiều gian khó, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm hơn nữa của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành”.

Những lời tâm huyết của Bộ trưởng cũng là những trăn trở của giáo viên trong ngành. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, chúng tôi vẫn thấy có rất nhiều băn khoăn, nghi ngại.

Vài năm gần đây, ngành giáo dục các địa phương cũng đang ráo riết triển khai kế hoạch của ngành về việc đổi mới giáo dục.

Mỗi năm, có hàng chục lần tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán của ngành giáo dục. Nhưng, vẫn là cách tập huấn cưỡi ngựa xem hoa là chính, nội dung của những buổi tập huấn thì nhiều nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng cái hay thì không mới, cái mới thì không phù hợp.

Lãng phí rất lớn cho mỗi chuyến tập huấn về kinh phí nhưng hiệu quả không cải thiện được bao nhiêu. Nhiều nơi tổ chức tập huấn thì ít mà tổ chức đi du lịch thì nhiều hơn. Nội dung tập huấn thường ít nhưng thời gian tổ chức lại được kéo dài ra.

Lạ một điều là các địa điểm tập huấn cho đội ngũ cốt cán thường được chọn là gần các địa điểm du lịch.

Bệnh giả dối vẫn đang hoành hành trong khắp ngành giáo dục. Giả dối trong cách đánh giá chất lượng học tập, giả dối trong các phong trào thi đua. Chỉ riêng chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên cũng nói cả năm không hết. Rồi, bệnh hình thức, cả nể, a dua cứ diễn ra hàng ngày…

Có lẽ cá nhân Bộ trưởng đã và đang rất trăn trở về quá trình đổi mới và phát triển của ngành giáo dục. Nhưng, thực tế cách đổi mới có những khi đang rất manh mún, không đồng bộ.

Có gì trong thư chúc mừng ngày Nhà giáo của Bộ trưởng Nhạ? ảnh 4Gốc gác của bệnh thành tích trong giáo dục bắt đầu từ đâu?

Quản lý giáo dục ở một số địa phương còn phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng, trong quản lý tài chính, những chuyện tiêu cực như vậy liên tục được báo chí phản ánh, đưa tin. 

Vì thế, niềm tin giáo dục phải cần sự phối hợp đồng bộ với nhiều ban ngành khác và điều mấu chốt phải xây dựng được đội ngũ lãnh đạo ở các nhà trường, các Phòng, Sở những con người tiêu biểu về chuyên môn, thực sự sáng trong về đạo đức để làm cánh tay nối dài triển khai và quản lý các chính sách của ngành.

Củng cố niềm tin niềm tin của xã hội đối với công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà” trong lúc này là cần thiết nhưng sẽ thiết thực hơn là những chính sách, phương hướng chỉ đạo sát với thực tế để loại bỏ những tiêu cực trong ngành.

Hàng triệu giáo viên trong cả nước tất nhiên sẽ có người thế này, thế khác. Song, điều quan trọng hơn cả là giáo viên cũng chỉ là người đang làm theo mệnh lệnh, chính sách vĩ mô của ngành.

Trăn trở của Bộ trưởng là điều cần có nhưng cần thiết hơn vẫn là sự đột phá của ngành mà trong đó cá nhân Bộ trưởng và những lãnh đạo ngành giáo dục phải là người tiên phong.

Nguyễn Cao