Những nỗ lực ấn tượng của ngành y tế năm 2018

22/11/2018 17:02
Vũ Phương
(GDVN) - Thước đo cho sự nỗ lực, quyết tâm của ngành Y trong năm 2018 chính là bộ mặt của các bệnh viện đã thay đổi, người dân hài lòng khi đến và ra viện.

Những dấu ấn, sự hài lòng của người dân trước những nỗ lực của ngành Y tế năm 2018 phần nào được khẳng định trong kết quả lấy phiếu tín nhiệm với kết quả rất ấn tượng của nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Quan trọng hơn hết đó là sự đánh giá, độ hài lòng của người dân khi đến bệnh viện, cũng như sự hài lòng, mãn nguyện của bệnh nhân khi ra viện.

Để có được những đánh giá, sự hài lòng của người dân về ngành Y năm qua là một sự quyết tâm lớn của toàn ngành cũng như sự quyết tâm cao của “tư lệnh” ngành Y- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được toàn ngành hưởng ứng, quyết tâm thực hiện. Đặc biệt năm 2018, Bộ Y tế đặc biệt chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tất cả các dịch vụ đều hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân.

Những nỗ lực ấn tượng của ngành y tế năm 2018 ảnh 1Bộ trưởng Y tế: Việc gì có lợi cho dân thì làm, không có lợi thì không làm

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vào cuối tháng 10 vừa qua tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hiểu rằng vẫn còn cả núi công việc cần giải quyết, toàn ngành cần cố gắng nhiều hơn nữa để người dân hài lòng.  

Vốn là con người của thực tế, của công việc vì thế để giải quyết gốc rễ tồn tại của ngành Y, thay vì đọc báo cáo trau chuốt Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chọn cách làm không ngại lăn lộn thực tế, đột xuất kiểm tra bệnh viện, điểm khám chữa bệnh để thấy rõ bất cập.

Bên cạnh những chuyến thị sát thực tế, có mặt tại những điểm nóng của ngành Y, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt lưu tâm thông tin dư luận, báo chí, mạng xã hội phản ánh về ngành Y.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng sử dụng một tài khoản mạng xã hội Facebook như một kênh thông tin để vị “thuyền trưởng” ngành Y nắm bắt những bức xúc của dư luận để chấn chỉnh kịp thời.

Những nỗ lực, quyết tâm trong đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh đâu đó vẫn có “con sâu làm rầu nồi canh” làm giảm niềm tin của người dân với ngành y.

Trong thời gian qua, hơn 10.000 cán bộ y tế đã bị kỉ luật từ các hình thức cảnh cáo, khiển trách, buộc ra khỏi ngành, cảnh cáo toàn bệnh viện. Đó chỉ là một phần rất nhỏ trong hơn 400.000 cán bộ y tế đang ngày đêm lặng lẽ quên mình giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và tặng quà cho sản phụ vừa sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: VTV.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và tặng quà cho sản phụ vừa sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: VTV. 

Với những nỗ lực, quyết tâm không biết mệt mỏi của lãnh đạo, cán bộ toàn ngành Y năm 2018 được người dân nghi nhận và đánh giá cao.

Trong con mắt nhiều người dân, nhất là người bệnh cũng như dư luận xã hội, hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam ngày càng đẹp hơn, chất lượng phục vụ ngày một tốt hơn và không ngừng được nâng cao.

Thủ tục khám bệnh nhanh gọn, nhân viên y tế niềm nở, luôn nở cụ cười, thái độ với người bệnh tận tình hơn là điều được hầu hết bệnh nhân ghi nhận ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự hài lòng của người dân được chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với báo giới: Tôi thấy hài lòng trước sự chuyển biến của các cơ sở khám chữa bệnh.

Qua việc chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bộ mặt của các bệnh viện đã thay đổi, cơ sở đã xanh, sạch, đẹp hơn; giảm quá tải bệnh viện, quy trình khám, chữa bệnh đã từng bước được đơn giản, giảm thời gian chờ của người bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ đã tốt hơn trước.  

“Có những bệnh viện mà bệnh nhân vào không thể đưa được phong bì, hay vì trước đây sẽ “mặt nặng mày nhẹ” nếu không có phong bì”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bên cạnh đó, ngành Y cũng thẳng thắn thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại, bất cập. Hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa, bệnh viện tuyến Trung ương.

Hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh,… nên chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn còn hạn chế, chưa được người dân tin tưởng.

Bên cạnh đó, vẫn có nhân viên y tế chưa thực sự tận tình và trách nhiệm đối với người bệnh. Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên.

Bộ Y tế cũng chỉ ra, một số bệnh viện, còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị. Tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế gây lãng phí nguồn lực của nhân dân và xã hội. Thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn phiền hà.

Công tác quản trị bệnh viện còn một số hạn chế. Khả năng tự chủ không đồng đều giữa các bệnh viện, các địa phương. Giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đúng giá trị của dịch vụ y tế.

Cơ chế tài chính và quản lý bệnh viện chưa theo kịp với sự phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm sức khỏe của một người dân tới khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Ảnh: Infonet.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm sức khỏe của một người dân tới khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Thành phố Hà Nội. Ảnh: Infonet. 

Sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có 10 phút để giải trình thêm trước Quốc hội về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Tiến đã nêu ra nhiều điểm đã đạt được cũng như còn hạn chế của ngành y tế.

Khó khăn về chất lượng, số lượng, chế độ chính sách cho cán bộ ngành y tế của được bà Tiến nêu ra. Nói về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra nhóm “kiềng 3 chân giải pháp”.

Đầu tiên, xây dựng tuyến y tế cơ sở, chăm sóc người khi còn khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, tăng cường y tế dự phòng, kiểm tra sức khỏe khi mới bị bệnh, gắn với y học gia đình, gắn y tế xã phường.

“Là một người lãnh đạo, trước hết phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, phải toàn tâm toàn ý, dành hết tâm tư suy nghĩ, trách nhiệm và nhiệt huyết cho công việc. Quan trọng hơn nữa là phải có đam mê với ngành, nếu không có đam mê thì không thể làm gì được”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Bộ Y tế đang xây dựng 26 mô hình điểm phòng khám bác sĩ gia đình, giống mô hình ở các nước đang phát triển. Một cách toàn diện về cơ sở vật chất, hoạt động, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực.

Kiềng thứ hai, Bộ trưởng Y tế đưa ra, đó là khi người dân không may bị bệnh vào bệnh viện, phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, giảm thời gian điều trị, giảm lây chéo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm người ra nước ngoài, giảm thời gian khám chữa bệnh.

Giải pháp thứ ba, Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh ngành y tế sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng. Điển hình như việc đổi mới đào tạo y bác sĩ.

Chỉ số PAPI cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ y tế tại các bệnh viện công tăng 76%. Tổ chức sáng kiến Việt Nam phỏng vấn 3.000 người nhà bệnh nhân sau khi ra viện 2 tuần cho kết quả hài lòng lên tới 80%.

Năm 2018: 100% bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành tại các Thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48h nhập viện.

Năm 2019: 100% các tỉnh đều có bệnh viện tuyến tỉnh tham gia đề án bệnh viện vệ tinh và được chuyển giao kỹ thuật theo nhu cầu thực tế của địa phương.

Năm 2020: Không còn tình trạng quá tải.

Vũ Phương