Dù có thương nhà trường ...cũng chịu

01/12/2018 07:42
Bình Thanh
(GDVN) - Chuyện chỉ tiêu thi đua hành khổ giáo viên, làm khó nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập thậm chí ảnh hưởng đến tương lai của các em.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về cậu bé Hùng, tác giả Bình Thanh đã thẳng thắn lên tiếng trước căn bệnh thành tích trong giáo dục.

Qua đó, tác giả cũng cho rằng, chỉ tiêu đã nảy sinh thói dối trá trong ngành giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chúng ta vẫn thường nghe trong báo cáo tổng kết của nhiều trường học câu “nhà trường huy động 100% học sinh ra lớp” hay “100% học sinh lên lớp thẳng...”.

Thế nhưng đằng sau những con số tròn trĩnh ấy lại là những câu chuyện học trò muốn đi học nhưng chẳng trường nào dám nhận chỉ vì bị những quy định, những chỉ tiêu khống chế, cột chặt.

Những học sinh bị “đá” qua, “đá” lại

Đang học dở lớp 1, do gia cảnh khó khăn bố mẹ Hùng bắt em nghỉ học đi bán vé số. Vài năm sau, thấy con luôn khát khao được đến trường như chúng bạn. Mẹ Hùng có ý định cho em đi học lại.

Dù có thương nhà trường ...cũng chịu ảnh 1Nhà trường buộc chỉ tiêu cứng nhắc, sao có thể “chống bệnh dối trá”?

Thế nhưng tới trường, nhà trường nói không thể nhận Hùng vào học vì em đã quá tuổi quy định cho những học sinh tiểu học.

Nếu Hùng được nhận vào học, em học mới lớp 4 đã hết tuổi quy định và như thế nhà trường sẽ vướng một số chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc lên chuẩn của nhà trường.

Thương em, nhưng Ban giám hiệu nhà trường cũng không thể nhận em vào học vì theo hiệu trưởng (Điều 40 Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT quy định tuổi của học sinh tiểu học: Tuổi của học sinh tiểu học từ sáu đến mười bốn tuổi (tính theo năm).

Nay Hùng đã 9 tuổi mới bắt đầu học lớp 1 thì không thể được. Hiệu trưởng cũng tiết lộ “vì một học sinh mà trường không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng đến nhiều cấp trực thuộc”.

Nhà trường lại giới thiệu cho phụ huynh sang ngôi trường bên cạnh. Con không được học trường gần nhà, nhưng mẹ Hùng cũng ráng bù đắp cho con bằng cách chấp nhận chở em đi học hơi xa một tí.

Thế nhưng ngôi trường được giới thiệu ấy cũng chẳng thể nhận em. Theo lời hiệu trưởng năm nay nhà trường đang làm hồ sơ công nhận lại chuẩn.

Ba mẹ em được bật mí chuyển đến một trường bình thường sẽ được nhận. Nhưng, ở phố huyện này nhìn qua nhìn lại trường nào mà chẳng đạt chuẩn hoặc chuẩn bị lên chuẩn.

Một số trường khác lại ở quá xa, gia đình không có điều kiện để chở em đi. Thế là Hùng đành ở nhà vì không có trường học nào dám nhận.

Vì thi đua trói buộc nên dù thương nhà trường cũng chịu (Ảnh minh họa: NOP.17).
Vì thi đua trói buộc nên dù thương nhà trường cũng chịu (Ảnh minh họa: NOP.17).

Một số học sinh vì điều kiện hoàn cảnh gia đình phải di chuyển chỗ ở nhưng khi cha mẹ các em xin chuyển cho con vào học ở ngôi trường gần nhà, các em sẽ được kiểm tra lại lực học.

Nếu học quá yếu (chủ yếu là đọc yếu hoặc không đọc được) chắc chắn các em sẽ không có cơ hội vào học.

Lý do nhà trường đưa ra “học sinh học quá yếu. Nếu cho lưu ban sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu thi đua của nhà trường”.

Cũng chẳng thể trách các trường vì họ đã không được phép cho học sinh của mình ở lại lớp. Nay lại “rước” một học sinh có nguy cơ lưu ban nơi khác về hóa ra tự làm khó mình hay sao?

Và cái chiêu trường này giới thiệu trường kia, trường kia chỉ qua trường nọ, loanh quanh, lòng vòng mãi cũng phải may mắn lắm những học sinh như thế mới có thể được nhận vào học.

Sao không thể cởi bỏ chỉ tiêu?

Chuyện chỉ tiêu thi đua hành khổ giáo viên, làm khó nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập thậm chí ảnh hưởng đến tương lai của các em. Và cũng vì chỉ tiêu đã nảy sinh thói dối trá trong ngành giáo dục.

Thế nhưng đã có quá nhiều kiến nghị, đề xuất xóa bỏ chỉ tiêu nhưng không biết vì lý do gì những chỉ tiêu thi đua ấy vẫn cứ bền vững? Câu trả lời dành cho Bộ Giáo dục nơi trực tiếp kí và ban hành các Thông tư, quy định về chỉ tiêu.

Bình Thanh