Hợp nhất hai Sở phải đảm bảo giáo dục đúng là quốc sách hàng đầu

26/11/2018 06:53
Đỗ Thơm
(GDVN) - Việc hợp nhất 2 Sở thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ làm sao để không bị trì trệ mà giúp thúc đẩy tất cả các lĩnh vực tốt hơn.

Tỉnh Bạc Liêu đã quyết định hợp nhất hai Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ bắt đầu từ ngày 1/1/2019.

Không những vậy, được biết địa phương này cũng quyết định hợp nhất giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch với Sở Thông tin và Truyền thông.

Cùng với đó, địa phương cũng sẽ công bố hợp nhất giữa Ban Tôn Giáo (trực thuộc Sở Nội vụ) về Ban Dân tộc tỉnh (đơn vị tương đương cấp Sở), thành lập Ban Tôn Giáo – Dân tộc, sáp nhập Sở Ngoại vụ tỉnh về chung với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn

Đánh giá về việc triển khai mạnh mẽ của tỉnh Bạc Liêu, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, người từng có kiến nghị sáp nhập để giảm 10 tỉnh, 3 Bộ cho rằng, hiện nay, Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ Nghị định về quy định chức năng, nhiệm vụ của sở ngành chức năng của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đặc biệt, Trung ương Đảng cũng đã ban hành nghị quyết.

“Vì thế, đã có cơ sở cho phép các tỉnh thí điểm sáp nhập các sở, ban ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc trùng lắp.

Trung ương nhấn mạnh là nơi nào đủ điều kiện thì triển khai nên nó phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của chính các địa phương mà hợp nhất, sáp nhập các sở, ngành”, đại biểu Hòa cho biết.

Ông dẫn chứng, trước đó, tỉnh Lào Cai cũng đã sáp nhập hai sở Xây Dựng và Giao thông vận tải thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng.

Tuy nhiên, ông khẳng định: “Vấn đề này không bắt buộc đối với tất cả các địa phương.

Các tỉnh trên có đủ điều kiện để làm nếu địa phương này triển khai mà tốt, chúng ta sẽ có kinh nghiệm thực tiễn trước khi triển khai rộng hơn”.

Vị đại biểu là Ủy viên Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm, việc sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy không phải là phép cộng cơ học mà sáp nhập nhập phải đúng người, đúng việc để bộ máy được tinh gọn và hiệu quả hơn.

Song, việc sáp nhập, sẽ sinh ra vấn đề lao động, cán bộ dôi dư, do đó cần phải giải quyết chế độ chính sách cho lực lượng này sao cho phù hợp, hợp tình, hợp lý, có những chính sách hỗ trợ, chuyển đổi việc làm

“Việc tách ra thì dễ nhưng nhập lại, giảm ghế, dôi dư người là việc rất khó. Do đó, rất cần quyết tâm của các tỉnh, địa phương cũng như sự bài bản trong công tác tổ chức.

Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu” vậy?

Cơ bản nhất là làm sao tạo được sự đồng thuận trong nội bộ thì hợp nhất đó mới mang lại hiệu quả và hoạt động đi vào nề nếp”, ông chia sẻ.

Quay trở lại với câu chuyện hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm, thời gian qua vấn đề giáo dục thực sự khiến dư luận rất nhiều băn khoăn và cả bức xúc.

Từ chương trình giáo dục, sách giáo khoa, sách công nghệ giáo dục…gây ồn ào, tranh cãi khiến dư luận rất không hài lòng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích, trong lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, số lượng phiếu tín cao của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thấp nhất cho thấy các hoạt động của ngành giáo dục thời gian qua đã làm mất điểm với các đại biểu.

Nó cho thấy lĩnh vực giáo dục có rất nhiều vấn đề khiến dư luận, đại biểu Quốc hội không an tâm.

“Vì thế việc hợp nhất hai sở ngành thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ phải thực hiện khách quan để đảm bảo yêu cầu công tác, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn.

Đặc biệt là nhiệm vụ về Giáo dục, đào tạo. Việc hợp nhất làm sao để không trì trệ ngành mà còn thúc đẩy các lĩnh vực tốt hơn.

Đổi mới hay chấn hưng giáo dục (3)

Làm sao giáo dục đúng là quốc sách hàng đầu”, đại biểu khẳng định.

Theo ông, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Nó đòi hỏi người đứng đầu được chọn của sở hợp nhất phải thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao để hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn.

Cùng với đó, là giải quyết chế độ của cán bộ dôi dư sau khi hợp nhất để cán bộ công chức yên tâm làm việc và làm việc có hiệu quả.

Đỗ Thơm