Hà Nội tiếp tục khẳng định dẫn đầu về chất lượng giáo dục và đào tạo

27/11/2018 08:43
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là khẳng định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trong báo cáo về kinh tế - xã hội gửi đến Hội đồng nhân dân.

Vấn đề sĩ số quá tải ồn ào ở nhiều trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội dịp đầu năm học 2018 được báo cáo đề cập bằng một câu "Nhiều trường học khu vực nội thành có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt tiêu chuẩn quy định".

Kỳ họp thứ 7 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2018.

Một trong những báo cáo quan trọng sẽ được Hội đồng Nhân dân Thành phố cho ý kiến tại kỳ họp này là báo cáo về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; kế hoạch năm 2019.

Về giáo dục và đào tạo năm 2018, báo cáo nhận định, giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu về chất lượng; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh; việc thiếu trường thiếu trường, lớp cục bộ được quan tâm chỉ đạo khắc phục.

Nhiều phòng học lớp 1, 3 học sinh ngồi một bàn tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội). Ảnh: Vũ Phương.
Nhiều phòng học lớp 1, 3 học sinh ngồi một bàn tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội). Ảnh: Vũ Phương. 

Cụ thể, báo cáo nêu, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững. Phổ cập giáo dục được duy trì tốt.

Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về thành tích trong các kỳ thi học giỏi với 132 giải quốc gia và hơn 160 giải quốc tế.

Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 99,16% (cả nước đạt 97,57%).

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%, hoàn thành chương trình Trung học Cơ sở đạt 99,26%.

Báo cáo cho biết, đã ban hành Chương trình Sữa học đường cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học, bắt đầu triển khai từ tháng 10/2018.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế trong các cơ sơ giáo dục.

Thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài Trung học Phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A Level của Cambridge) tại 7 trường Trung học cơ sở và 1 trường Trung học phổ thông.

Đăng cai tổ chức Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 với sự tham gia dự của 9 quốc gia và 23 đoàn các tỉnh, thành trên cả nước.

Năm 2019, Hà Nội tiếp tục đăng cai tổ chức kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 16 và kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) lần thứ 16 tại Việt Nam.

Tổ chức tốt công tác tuyển sinh đầu cấp, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các khoản thu đầu năm không đúng quy định.

Tuyển sinh trực tuyến tại tất cả các quận, huyện thị xã đối với mầm non lớp 1, lớp 6 tiếp tục được thực hiện; thi và tuyển sinh lớp 10 chuyên, không chuyên và hệ song bằng được tổ chức an toàn, hiệu quả, phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở hợp lý.

Tổ chức chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đảm bảo đúng quy định. Đã xây dựng ban hành và tổ chức truyền thông về phương án đổi mới kỳ thi tuyển sinh và lớp 10 Trung học phổ thông công lập từ năm 2019 -2020 theo phương thức thi tuyển.

Theo đó, học sinh thực hiện 4 bài thi độc lập. Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 Trung học phổ thông cho tất cả các trường Trung học phổ thông công lập.

Hà Nội tiếp tục khẳng định dẫn đầu về chất lượng giáo dục và đào tạo ảnh 2Chuyên Hà Nội – Amsterdam không liên kết đào tạo song bằng với Cambridge

Trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập có thể tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp Trung học cơ sở (như kỳ tuyển sinh năm 2018 – 2019).

Hà Nội thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng nhất là khu vực nội thành và các khu vực đô thị hóa nhanh.

Tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với mầm non đạt 100%, tiểu học đạt 95,8%. Trung học cơ sở đạt 28,06%.

Tiến hành khảo sát thực trạng 1.270 trường tiểu học và Trung học cơ sở, xác định 3.720 khu nhà vệ sinh cần cải tạo, xây dựng mới để có phương án lộ trình cụ thể.

Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai kế hoạch xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia năm 2018 theo định hướng đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Dự kiến cuối năm 2018 có thêm 90 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tủ lệ đạt 66,2%, vượt chỉ tiêu năm 2018 (80 trường) và hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu cả nhiệm kỳ (65 – 70% trường công lập đạt chuẩn). Đã khảo sát, công nhận lại 29/187 trường đạt chuẩn; các trường còn lại tiếp tục triển khai thực hiện.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về giáo dục năm 2019 mà Ủy ban Nhân dân Thành phố đặt ra là tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành giáo dục.

Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học trên toàn thành phố, ưu tiên cân đối đầu tư xây dựng trường học, phòng học cho các khu vực thiếu trường học, lớp học, đôn đốc quyết liệt tiến độ thực hiện các dự án xã hội hóa xây dựng trường học.

Hà Nội dự báo sơ bộ nhu cầu xây mới, thành lập trường mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông công lập đến năm 2020 cụ thể như sau:

Ở cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để đảm báo số trường lớp đáp ứng nhu cầu số học sinh tăng từ nay đến năm 2020 của các quận, huyện, thị xã nhu cầu xây mới tăng thêm là 264 trường công lập các cấp (mầm non 159 trường, tiểu học 52 trường, trung học cơ sở 53 trường).

Giáo dục Hà Nội dẫn đầu, hay "Ăn như rồng cuốn, Nói như rồng leo"?

Trong đó, 206 trường đã được bố trí vốn trung hạn 2016 – 2020 của Thành phố hoặc các quận, huyện, thị xã còn lại 58 trường cần Thành phố bố trí vốn, với kinh khái toán khoảng 2.900 tỷ đồng.

Ở cấp Trung học phổ thông, theo báo cáo để đảm bảo số học sinh công lập đạt tỷ lệ 60% ở khu vực 12 quận nội thành và 70% khu vực 18 huyện, thị xã đến năm 2020, nhu cầu xây mới tăng thêm 17 trường Trung học phổ thông trên toàn Thành phố.

Trong đó 3 trường đã xây xong đưa vào sử dụng năm 2018, 7 trường đã được bố trí vốn trung hạn 2016 – 2020 của Thành phố hoặc nguồn vốn khác của các quận, huyện, thị xã, còn lại 7 trường cần Thành phố bố trí vốn với kinh phí khái toán khoảng 700 tỷ đồng.

Hà Nội cũng khẳng định quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường. Siết chặt quản lý việc dạy thêm trái quy định và tình trạng ép học thêm, nhất là cấp tiểu học.

Đỗ Thơm