Người bệnh đã bớt được nỗi lo phải "khăn gói" về Hà Nội

16/11/2018 07:09
Nhật Minh
(GDVN) - Nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến cho bệnh nhân ung thư, tim mạch…được bệnh viện tuyến trên chuyển giao thành công cho tuyến dưới nhờ đề án bệnh viện vệ tinh.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi trong suốt 5 năm qua của ngành y tế, đến nay cả nước đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh và sẽ còn tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Những nỗ lực tuyệt vời ấy đã tạo nên những bước thay đổi rất lớn trong ngành y, và giờ đây người dân đã bỏ được nỗi lo cứ phải "khăn gói" về Hà Nội chữa bệnh.

Với rất nhiều nỗ lực thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được sự đánh giá cao của các Đại biểu Quốc hội và người dân.
Với rất nhiều nỗ lực thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được sự đánh giá cao của các Đại biểu Quốc hội và người dân.

Y, bác sỹ tuyến dưới được bác sĩ tuyến trên “cầm tay chỉ việc”

Đến nay, đã có 2.000 kỹ thuật được chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh với 10 chuyên khoa (ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc).

Nhờ chuyển giao thành công, nhiều bệnh viện vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo đã thực hiện được những kỹ thuật điều trị khó, cứu giúp hàng ngàn ca bệnh cấp cứu khó sống sót nếu phải di chuyển xa.

Đồng thời, bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh cho người dân.

Bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viên tuyến huyện như bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La), bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai); Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu). 

"Các y, bác sĩ tuyến dưới được chuyên gia ở tuyến trên "cầm tay chỉ việc", trình độ tay nghề được nâng lên rõ rệt.

Không chỉ có vậy, thông qua hệ thống telemedicine, nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, tỉ lệ tai biến cũng giảm đi, giảm bệnh nhân tử vong", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.

Các bác sỹ bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiến hành phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ
Các bác sỹ bệnh viện Đa khoa Phú Thọ tiến hành phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ

Điều trị ung thư ngay tuyến tỉnh bằng kỹ thuật cao

Nói đến sự thành công của đề án bệnh viện vệ tinh không thể không nhắc đến câu chuyện về sự tiến bộ trong khám, điều trị của bệnh viện Đa khoa Phú Thọ.

Đề án này mang lại cho bệnh viện đa khoa Phú Thọ, không chỉ thay đổi hoàn toàn về chất và lượng, người dân còn được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải đi xa.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là Bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh Phú Thọ, được xếp loại Bệnh viện hạng 1. Bệnh viện có 1300 giường bệnh trong đó 800 giường kế hoạch và 500 giường bệnh xã hội hoá, tổng số cán bộ viên chức bệnh viện là 960 người, trong đó có 300 bác sĩ.

Theo báo cáo của Bệnh viện cho thấy tình hình mắc các bệnh tim mạch, ung bướu ngày một tăng. Năm 2010, số bệnh nhân tim mạch tại Bệnh viện là 2953 người, năm 2011 là 3259 người, năm 2012 (tính đến tháng 9) là 3124 người.

Số người đến khám và điều trị bệnh ung bướu tăng từ 2313 người năm 2011 lên 5008 người năm 2012.

Nhiều bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên do thiếu trang thiết bị chẩn đoán, thiếu bác sĩ chuyên ngành, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương. Chính vì thế, việc triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa tim mạch và ung bướu tại Phú Thọ là hết sức cần thiết.

Tham gia Đề án từ năm 2013 và trở thành vệ tinh của 5 bệnh viện lớn Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Đến nay, bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây chỉ có những bệnh viện Trung ương mới thực hiện được. 

Đặc biệt, năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư IBM Watson for Oncology.

Các bệnh nhân mắc bệnh ung bướu ở bệnh viện đã có thêm cơ hội lựa chọn khám và điều trị. Nhiều bệnh nhân đã đạt được kết quả khả quan, không phải đi lên tuyến Trung ương như trước đây.

Sau khi bệnh viện áp dụng công nghệ mới này, hàng ngày có rất nhiều bệnh nhân gọi điện nhờ tư vấn và có những bệnh nhân ở các địa phương khác đến điều trị.

Cùng đó, việc ứng dụng IBM Watson for Oncology sẽ góp phần giảm thiểu chi phí, hỗ trợ ra quyết định điều trị nhanh hơn 35% so với trước đây, giúp bệnh nhân được điều trị sớm.

Chia sẻ về quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân Vũ Tiến Đ. bị ung thư phổi cho biết, ông đã điều trị ung thư nhiều năm ở Hà Nội. Mỗi lần đi điều trị là hai vợ chồng phải về Hà Nội thuê phòng để ở.

Khi biết bệnh viện tỉnh triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị ung thư IBM Watson for Oncology, gia đình ông đã tìm đến viện. 

"Khi đến viện, ung thư của tôi đã di căn vào xương. Sau chẩn đoán, tôi được quyết định điều trị với một thuốc điều trị trúng đích sinh học thế hệ 3 mới nhất, cùng chỉ định xạ trị giảm triệu chứng vào vị trí di căn xương.

Và sau khi điều trị ở đây nửa tháng, về nhà tôi thấy sức khỏe khá lên, ăn uống tốt hơn. Sau đó 10 ngày lại điều trị tiếp thì sức khỏe của tôi cải thiện rõ rệt.

Có bệnh thì phải chữa chạy, cứ tin tưởng và hy vọng may mắn thì sẽ vượt qua được, phải tin tưởng tương lai tươi sáng trước mắt.

May nhất là vợ chồng tôi không phải khăn gói về Hà Nội đông đúc nữa cũng bớt khổ phần nào", ông Đ. tâm sự.

Nhật Minh