5 sự cố tiêu dùng gây "sốc" tuần qua

31/10/2011 06:26
Khởi Sự (Tổng hợp)
(GDVN) - Từ phát hiện chất cực độc trong cốm làng Vòng tới quảng cáo "phản cảm" Kangaroo suýt được trao kỷ lục VN... khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng.
1. Phát hiện chất cực độc trong cốm làng Vòng

Tuần qua, Sở Y tế Hà Nội đã lấy hai mẫu cốm ngẫu nhiên trên thị trường và gửi đến Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

Kết quả cho thấy, mẫu cốm lấy tại hai cơ sở sản xuất của ông Đỗ Văn Luyến và Nguyễn Văn Sáng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) có chứa chất nhuộm màu bị cấm: malachite green với hàm lượng 5,9 mg/kg và 1,5 mg/kg.

Ngay sau khi có thông tin trên, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ sản xuất cốm tại hai cơ sở này.
Sở Y tế vừa phát hiện chất malachite green gây rối loạn chuyển hóa, gây tổn thương chức năng gan, thận...trong mẫu thử ở cốm làng Vòng.
Sở Y tế vừa phát hiện chất malachite green gây rối loạn chuyển hóa, gây tổn thương chức năng gan, thận...trong mẫu thử ở cốm làng Vòng.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: malachite green là hóa chất có chứa đồng trong thành phần, được sử dụng để nhuộm màu vi khuẩn trong phòng thí nghiệm, xử lý nước diệt nấm trong nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2005, chất này đã bị đưa vào danh mục hóa chất, kháng sinh bị cấm trong sản xuất kinh doanh thủy sản, do có nhiều nguy cơ với sức khỏe người sử dụng như có thể gây rối loạn chuyển hóa, gây tổn thương chức năng gan, thận...

Malachite green đã bị các nước như Hoa Kỳ, Anh cấm sử dụng trong thực phẩm. Một số nước châu Âu có hệ thống kiểm soát chặt chẽ quy định giới hạn cho phép của chất này chỉ là 2 mcg/kg. Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm hai mẫu cốm từ làng Vòng có hàm lượng cao hơn gấp hàng ngàn lần giới hạn châu Âu.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện kiểm tra thực phẩm có dùng phụ gia, đặc biệt là quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, nơi có nhiều cơ sở sản xuất cốm

2. Quảng cáo phản cảm Kangaroo “suýt” được xác lập kỷ lục VN

Trong trận chung kết cúp C1 ngày 25/9/2011 được truyền hình trực tiếp, trong thời gian 5 phút trước trận đấu, 15 phút giải lao, 5 phút sau trận đấu, quảng cáo Kangaroo đã được phát 90 lần. Thời lượng tương đối ngắn nhưng một quảng cáo được phát liên tục trong một chương trình với tần suất rất cao.

Từ các thông tin nêu trên, chương trình “Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần 21” do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings tổ chức ngày 30/11/2011 tại TP.HCM ban đầu định liệt quảng cáo “gây sốc” Kangaroo vào kỷ lục Việt Nam với thành tích: “Kangaroo có số lần quảng cáo trên truyền hình nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất”.

Tuy nhiên, trước làn sóng phản ứng gay gắt của dư luận, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã phải “đính chính” lại thông tin ngay lập tức.
Không ít báo chí đã ngỡ ngàng khi quảng cáo phản cảm Kangagroo được thông báo lọt vào top 54 đơn vị đạt kỷ lục Việt Nam trong buổi họp báo do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam tổ chức.
Không ít báo chí đã ngỡ ngàng khi quảng cáo phản cảm Kangagroo được thông báo lọt vào top 54 đơn vị đạt kỷ lục Việt Nam trong buổi họp báo do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam tổ chức.
Một bạn trẻ bất bình: “Không hiểu Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam – Vietkings, một trung tâm uy tín lại xác lập kỷ lục cho quảng cáo "gây sốc" này, không biết nhằm mục đích tôn vinh cái gì?”.

Quảng cáo này với hình ảnh chỉ có duy nhất logo, hình ảnh sản phẩm và địa chỉ liên hệ với nhà sản xuất, cùng tiếng nổ chát chúa... nên sau khi xuất hiện đã nhận được những phản ứng dữ dội của cộng đồng, phần nhiều cho rằng đây là quảng cáo quá phản cảm, không phù hợp với điều kiện văn hóa Việt Nam.Thậm chí,  Đài truyền hình Việt Nam sau đó cũng đã nghiêm túc “rút kinh nghiệm” vì đã phát sóng quảng cáo phản cảm này.

Khẳng định với báo Giáo Dục Việt Nam, đại diện Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam – Vietkings cho biết: Quảng cáo “phản cảm” Kangaroo đã bị loại khỏi danh sách 52 kỷ lục được trao đợt này. Kangaroo chỉ trong danh sách xét duyệt chứ không phải là kết quả công bố cuối cùng.

3. Gói cước tỷ phú của Beeline bị "tuýt còi
"

Gần đây, nhà cung cấp viễn thông Beeline đã tung ra gói cước tỷ phú gây ra nhiều tranh cãi trong giới viễn thông Việt Nam.

Theo đó, chỉ cần kích hoạt sim tỷ phú của Beeline và nạp tối thiểu 20.000 đồng/tháng, các thuê bao của gói cước này sẽ có 1 tỷ đồng trong tài khoản được sử dụng để gọi nội mạng. Thời gian ưu đãi của gói cước này kéo dài trong 10 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty luật TNHH FANCI, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang khẳng định: Beeline đã vi phạm luật cạnh tranh.
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty luật TNHH FANCI, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang khẳng định: Beeline đã vi phạm luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin&Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu Beeline dừng cung cấp gói cước tỷ phú mà hãng đang bán trên thị trường khi cho rằng gói cước tỷ phú chưa đáp ứng quy định về khuyến mãi.

Mặc dù, nhận được các văn bản từ phía Bộ Thông tin & Truyền thông và đang làm việc sát sao với những người có thẩm quyền để giải trình về gói cước tỷ phú, nhưng Beeline vẫn chưa có quyết định cắt khuyến mại sim tỷ phú.

Vị đại diện của hãng này cho Giáo Dục Việt Nam biết: Chúng tôi luôn quyết tâm đảm bảo quyền lợi và lợi ích của khách hàng cũng như sẽ tôn trọng các quyết định cũng như yêu cầu của cơ quan chức năng.

Về câu hỏi “có cắt hay không cắt”, hiện tại Beeline vẫn chưa thể có câu trả lời vì vẫn đang trong giai đoạn làm việc với cơ quan chức năng. 

4. Ngỡ ngàng gốm sứ Trung Quốc la liệt chợ Bát Tràng

Dạo quanh một vòng chợ Gốm sứ Bát Tràng, không khó để tìm thấy sứ Trung Quốc được bày bán nhiều, lẫn với sản phẩm truyền thống của Bát Tràng. Với đủ các kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã, sứ Trung Quốc được bày bán la liệt, “kín đáo” và thu hút không ít khách thăm quan, mua sắm tại chợ Gốm sứ nổi tiếng này.

Mặc dù Ban Quản lý chợ Bát Tràng đã có quy định không bán hàng Trung Quốc, nhưng những mặt hàng nhập ngoại này vẫn được bày bán công khai tại một số cửa hàng.

Để phân biệt được hàng Trung Quốc hay không, chỉ cần lật mặt dưới của sản phẩm, người xem sẽ thấy hiện lên chữ Trung Quốc hoặc “Made in China”.
Tại làng gốm truyền thống Bát Tràng, chỉ cần lật mặt dưới của sản phẩm, người xem sẽ thấy hiện lên chữ Trung Quốc hoặc “Made in China”.
Tại làng gốm truyền thống Bát Tràng, chỉ cần lật mặt dưới của sản phẩm, người xem sẽ thấy hiện lên chữ Trung Quốc hoặc “Made in China”.
Tuy nhiên, với những sản phẩm không ghi rõ thương hiệu thì các chủ cửa hàng thường nói đây là sản phẩm của Bát Tràng, nhưng không in xuất xứ của sản phẩm vì sợ tốn thêm công đoạn làm giá sản phẩm tăng cao.

Liệu một thương hiệu làng gốm có bị mai một? Người dân có cảm thấy nuối tiếc, xót xa khi thương hiệu gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng đang dần bị sản phẩm ngoại xâm lấn ngay trên đất làm nghê truyền thống? – Đó là trăn trở của không ít những người tâm huyết và yêu những gì thuộc về truyền thống của Việt Nam.

5. Canh nước lã làm tại các quán cơm sinh viên


Những ngày làm việc ở quán cơm bình dân quanh các trường đại học, phóng viên báo đện tử Giáo Dục Việt Nam đã được trực tiếp quan sát một ông chủ chế canh rau mồng tơi với các công đoạn như sau: Rau mua từ chợ, dùng kéo cắt làm 3, làm 4. Rửa qua nước và cho vào nồi con đảo cho chín rau. Sau đó, người đàn ông này lấy vài ba xô nước đã được để sẵn dưới sàn bếp cho vào, thêm gia vị và khuấy... Chỉ vài động tác cơ bản đó, người bán cơm đã cho ra đời một nồi nước canh ngon.
Những nồi canh to được chế nửa nước sôi, nửa nước lã.
Những nồi canh to được chế nửa nước sôi, nửa nước lã.
"Canh thường là miễn phí, mỗi xuất cơm chỉ múc cho khách khoảng bát nhỏ canh nhưng những ngày đông khách, 50 lít canh này vẫn thiếu đấy" - người bán hàng cho biết.

Tại quán cơm phóng viên làm phụ bếp, công nghệ pha canh có vẻ chuyên nghiệp hơn. Sau khi xào bắp cải, nhân viên lấy ra khay để bán cho khách còn người làm bếp giữ lại một ít và cho nước + cà chua vào đảo đều đến khi nước sôi. Sau đó bà dùng một nồi nước lã khác đổ thẳng vào nồi canh, nhấc ra khỏi bếp. "Nếu chờ canh sôi thì lâu lắm, mỗi ngày nấu hàng 30 món, ai mà làm kỹ được. Nếu bếp rộng rãi, có thêm một chiếc bếp than thì còn nấu được, đằng này chỉ làm cách bồi cho nhanh" - người đầu bếp không ngần ngại cho biết.

Khi canh được đưa ra khu vực quầy bán, ngay lập tức nó trở thành món không thể thiếu cho mỗi xuất ăn và thực khách thì vẫn vô tư thưởng thức canh pha nước lã.

Khởi Sự (Tổng hợp)