Thầy giáo dựng chuyện trả lại của rơi, ngụy tạo sự tử tế, biến thái của cái tôi

18/12/2018 07:05
Thạc sĩ Trần Nguyên Hào
(GDVN) - Mọi người rồi sẽ tha thứ cho thầy C. bởi không ai nỡ “đánh người chạy lại” nhưng hình ảnh của thầy C. trong mắt nhiều người chắc chắn không được đẹp như trước.

LTS: Câu chuyện thầy giáo dựng chuyện nhặt được nhiều tiền vàng và tìm trả lại người đánh mất đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Thạc sĩ Trần Nguyên Hào chia sẻ những suy nghĩ của mình về câu chuyện này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những ngày qua, từ thông tin trên mạng xã hội và một số tờ báo điện tử, cộng đồng mạng chưa kịp hân hoan vui mừng, bày tỏ sự trân quý đối với hành động nghĩa cử cao đẹp, tìm người trả lại của rơi (với lượng tiền vàng bị bỏ quên là 50 triệu đồng và 23 chỉ vàng) của một thầy giáo C. dạy tại một trường trung học cơ sở, thì đã phải buồn lòng và thậm chí bức xúc, phẫn nộ khi biết tin chính thức rằng việc làm trên của thầy giáo đó là không có thật mà là do thầy giáo này đã dựng chuyện.

Người viết bài này không muốn phân tích thêm chủ ý sắp đặt, dàn dựng tình huống để ngụy tạo lên chuyện quá tử tế này của thầy giáo nói trên như:

Tự “chụp lại hình ảnh tiền và vàng rồi tự bịa ra câu chuyện mình nhặt được” [2] sau đó gọi điện cho một người làm cộng tác viên của một bài báo kể tình huống và hỏi có nên đưa lên báo hay không, “khẳng định lại thông tin mình nhặt được cái túi có chứa tiền và vàng như thế” [2] khi gặp người làm cộng tác viên báo để mọi người chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Số tiền và vàng được thầy Cường nhặt được và trả lại cho khổ chủ sự thật là câu chuyện "chém gió" không có thật của thầy Cường. Ảnh: Infonet.vn
Số tiền và vàng được thầy Cường nhặt được và trả lại cho khổ chủ sự thật là câu chuyện "chém gió" không có thật của thầy Cường. Ảnh: Infonet.vn

Người viết cũng không muốn bàn thêm thái độ của thầy C. khi bị phát hiện như: “vẫn khẳng định sự việc mà thầy này trả lời với báo chí là có thật..., khẳng định hình ảnh tiền và vàng cung cấp cho báo chí là do thầy chụp lại” [3] ngày 14/12 sau khi bị dư luận “tố” bịa đặt sự việc...

Sự việc được sáng tỏ khi mới đây, thầy C. “đã thú nhận tất cả sự việc trên là tự mình đơm đặt” và cho rằng "thời gian vừa qua, trong ngành giáo dục có nhiều chuyện buồn quá, thất vọng quá nên mới ngồi với mấy người bạn dựng lên câu chuyện đẹp về người thầy nhặt được tài sản rồi trả lại cho người bỏ quên.

Sự việc cũng chỉ có thế thôi, ai ngờ lại sau đó lại được thổi bùng lên như thế? Tôi rất lấy làm hối hận về sự việc vừa qua" [1].

Như vậy dù những lời nói của thầy C. chưa thực sự trung thực, đang có tính biện minh cho động cơ có phần “trong sáng” của mình là muốn khơi dựng lại những hình ảnh đẹp cho ngành giáo dục sau “nhiều chuyện buồn quá, thất vọng quá” nhưng cuối cùng thầy C. đã phải nhận ra cái sai, cái không hay, cái không đẹp của mình và đã viết thư xin lỗi mọi người.

Thầy giáo dựng chuyện trả lại của rơi, ngụy tạo sự tử tế, biến thái của cái tôi ảnh 2Chuyện về thầy Hiệu trưởng suốt 7 năm dắt học sinh sang đường

Cộng đồng mạng, độc giả, những người trong ngành giáo dục rồi sẽ tha thứ cho thầy C. bởi không ai nỡ “đánh người chạy lại” nhưng hình ảnh của thầy C. trong mắt nhiều người chắc chắn sẽ không được đẹp như trước, sự tôn trọng, kính trọng của đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh đối với thầy C. chắc chắn sẽ bị giảm sút.

Đó là “hình phạt” đau đớn nhất mà bất cứ người giáo viên nào cũng muốn tránh.

Chúng ta sẽ không ai muốn nhắc lại chuyện này nữa không chỉ là sự nhân văn đối với thầy C. mà để tập trung đưa ra những kiến nghị, giải pháp thật hữu hiệu và phù hợp để chấn hưng nền giáo dục, trong đó có xây dựng nhân cách người thầy với sự tỏa sáng của trí tuệ, tri thức và văn hóa, đạo đức làm người.

Điều quan trọng hơn qua sự việc này là nhà trường cùng với gia đình và xã hội cần có những định hướng đúng đắn đối với sự khẳng định cá nhân.

Nhu cầu khẳng định bản thân là nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu mà Maslow đã đưa ra (trước “nhu cầu được tôn trọng”, “nhu cầu tương tác, giao tiếp xã hội”, “nhu cầu an toàn”, “nhu cầu sinh lý”).

UNESCO cũng đã đưa ra một trong những mục tiêu học tập đó được xem là bốn trụ cột của giáo dục là: “learning to be”, tức là học để khẳng định mình, để trở nên khác biệt (bên cạnh các mục tiêu khác là: learning to know, learning to do, learning to live together).

Đó là sự khẳng định tích cực để vượt lên chính mình, phát huy tất cả những khả năng, năng lực và tiềm năng để tỏa sáng, để xây dựng hình ảnh cá nhân một cách tự nhiên.

Và “hữu xạ tự nhiên hương”, những người như thế sẽ được mọi người, trong đó có cộng đồng mạng biết đến và chia sẻ, ngưỡng mộ, tôn vinh.

Nhưng trong những năm gần đây, với sự du nhập của những phong cách, lối sống không lành mạnh, chưa đúng mực cùng xu thế sống “ảo” và với sự hỗ trợ tiện ích của các phương tiện kỹ thuật, sản phẩm công nghệ và mạng xã hội đa dạng, rất nhiều người với thuộc nhiều lứa tuổi, tầng lớp khác nhau, đặc biệt là giới trẻ đã đẩy cái Tôi lên thái quá.

Họ tìm cách tô vẽ hình ảnh của mình (cả hình ảnh bên ngoài và hình ảnh bên trong) một cách không thực chất để được nhiều người biết đến, ngưỡng mộ, để được nổi tiếng, nhất là nổi tiếng trên mạng xã hội.

Với trường hợp của thầy C. thì đây là sự biến thái của sự khẳng định cái Tôi bởi nó là sự lừa dối, muốn biến không thành có một cách không có lòng tự trọng.

Mong sao những câu chuyện buồn như của thầy C. không còn hiện hữu nữa trong đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Mong sao mọi người biết khẳng định một cách tích cực cái Tôi của mình; có thể tỏa sáng qua những đóng góp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội và cả những việc tốt đẹp, những việc tử tế dù là nhỏ nhoi, giản dị để lan tỏa tới mọi người.

Tài liệu tham khảo:

1. http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/thay-giao-dung-chuyen-tra-lai-50-trieu-va-23-chi-vang-roi-vi-nganh-giao-duc-a255257.html

2. https://infonet.vn/dang-buon-thay-cuong-dung-chuyen-nhat-duoc-50-trieu-va-23-chi-vang-post285096.info

3. https://thanhnien.vn/doi-song/thay-giao-ngheo-tra-lai-hon-50-trieu-dong-va-23-chi-vang-cho-nguoi-danh-roi-1033055.html

Thạc sĩ Trần Nguyên Hào