Nạn móc túi trên xe buýt không chỉ hoành hành ở Hà Nội

31/10/2011 07:18
Nguyễn Minh Thùy Châu (Vnexpress)
Gần đây, dư luận bắt đầu bàn tán về nạn móc túi đã xảy ra rất lâu trên các tuyến xe buýt Hà Nội, nhưng thật ra vấn nạn ấy không chỉ xảy ra ở Hà Nội...

Là một học sinh cấp ba của thành phố Cần Thơ, em lấy xe buýt làm phương tiện đi học hằng ngày, mỗi ngày em đều phải chứng kiến bọn móc túi "hành nghề" mà không nói được gì.

Em cũng là nạn nhân của bọn móc túi khi bị chúng lấy mất một chiếc điện thoại Nokia và một cái USB 4G. Trong giới học sinh chúng em vẫn truyền tai nhau về nạn móc túi và "canh" cho nhau mỗi khi lên xe buýt.

Nhiều em học sinh bất lực khi thấy kẻ cắp hoành hành.
Nhiều em học sinh bất lực khi thấy kẻ cắp hoành hành.


Nhưng khi thấy người khác bị móc túi thì chúng em chỉ biết tức tối mà không làm được việc gì. Trước đây, các anh chị tiếp viên và bác tài có nhắc nhở hành khách giữ tư trang khi chúng sắp lên xe buýt nhưng một thời gian sau ai cũng "làm ngơ coi như không" vì sợ bị trả thù.

Bọn học sinh chúng em cũng vài lần nhắc nhở nhau hoặc nhắc nhở các hành khách khác thì bị bọn chúng xỉ vả, chửi bới rất tục. Một lần, một vị thầy tu nhắc nhở một nạn nhân thì bị bọn chúng mắng nhiếc thậm tệ, tục tĩu...

Gần đây nhất, một phụ nữ hơn 40 tuổi "hành nghề" bị nạn nhân (ông cụ khoảng 50 tuổi) phát hiện, ra tay đánh đã hung hăng đạp đá trên xe buýt, la hét, chửi rủa, đòi bòi thường 50.000 đồng chiếc nón lá (dụng cụ hành nghề) và xé rách áo nạn nhân.

Nhân viên xe buýt yên lặng, không nói một lời. Khi hắn và đồng bọn (tổng cộng 3 người) xuống xe, bác tài nói: "Chúng tôi chỉ chở khách chứ không có nhiệm vụ giữ tiền cho khách".

Theo thống kê của em, chúng có trên 10 người, hoạt "mạnh mẽ" trên tuyến Cần Thơ - Ô Môn. Lúc nào đi cũng theo nhóm 3-4 người, đôi khi 6 người, vây quanh một nạn nhân. Chúng em bảo nhau: "Khách trên xe có khi ít hơn bọn móc túi!"

Những nhân viên xe buýt vẫn thường "khuyên" bọn học sinh chúng em: "Không nên nói gì hết, coi chừng tụi nó đánh hội đồng". Nhưng xe buýt là xe công cộng, là xe của nhà nước, là xe dành cho học sinh, sinh viên, và nhhững người có thu nhập thấp chứ không phải là nơi "hành nghề" trẳng trợn của bọn tội phạm.

Khi nhà nước khuyến khích người dân sử dụng xe buýt thì móc túi lại là một vấn đề cấp bách cần phải quan tâm, giải quyết triệt để.

Là một người sử dụng xe buýt hằng ngày, em tha thiết yêu cầu cơ quan có trách nhiệm vào cuộc ngay, không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì xe buýt sẽ "tiếp tục" là nơi lây nhiễm bệnh vô cảm cho xã hội.

Nguyễn Minh Thùy Châu (Vnexpress)