Lớp tập huấn chán ngắt, một chiều thì trách gì người "đánh trống, ghi tên"?

26/12/2018 07:48
Bình Thanh
(GDVN) - Để những buổi bồi dưỡng, tập huấn thực sự có ích cho giáo viên thì nội dung bồi dưỡng, tập huấn phải là cái thầy cô giáo đang thiếu, đang cần.

LTS: Nhằm đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng công tác tập huấn, học tập bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, nhà giáo Bình Thanh đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong cuộc họp với lãnh đạo một số vụ, cục về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hiểu rất rõ việc bồi dưỡng giáo viên ở các cơ sở chỉ là “điểm danh ghi tên”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Thực trạng đáng buồn này đã và đang xảy ra ở tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho có

Hàng năm, giáo viên các cấp có khá nhiều buổi tập huấn, học tập bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Thế nhưng không ít nội dung tập huấn, bồi dưỡng trùng lặp, người mang trọng trách triển khai, báo cáo đôi khi chưa có được phương pháp truyền thụ linh hoạt dễ gây nhàm chán cho người tiếp thu. Vì vậy, tâm lý đi cho có, hoặc đi chỉ để ghi tên vẫn xảy ra khá phổ biến.

Buổi tập huấn mang tên “dạy lồng ghép kĩ năng sống cho học sinh tiểu học” nhưng báo cáo viên lại chẳng có nhiều vốn sống thực tế, kĩ năng tổ chức lớp học không linh hoạt nên buổi tập huấn khá mệt mỏi và nặng nề.

Vào lớp, giáo viên được phát mỗi người một tập tài liệu dày cộm. Báo cáo viên ngồi thuyết trình từng phần, thi thoảng dừng lại hỏi một vài câu hỏi cho giáo viên trả lời.

Nhiều thầy cô cùng tâm trạng “chỉ là nói những điều trong tài liệu viết thì phát về trường tự nghiên cứu đỡ mất công, đỡ tốn thời gian”.

Hay buổi tập huấn về trẻ khuyết tật dạy hòa nhập. Tài liệu ghi khá rõ ràng các dạng khuyết tật, đặc điểm từng dạng, phương pháp dạy các em…báo cáo viên cũng gần như nói những điều trong sách đã viết mà thiếu sự liên hệ thực tế, thiếu những ví dụ sinh động, thiếu sự tương tác để giáo viên học hỏi nhau (nhiều thầy cô giáo đã trải qua hoặc đang trực tiếp dạy).

Lớp tập huấn chán ngắt, một chiều thì trách gì người "đánh trống, ghi tên"? ảnh 2Bộ trưởng biết giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng chỉ điểm danh, ghi tên

Gọi là tập huấn hay bồi dưỡng giáo viên phải học được những điều mới chứ không phải bằng những cách họ vẫn đang làm tốt.

Hay như Thông tư 30 rồi Thông tư 22 của Bộ giáo dục, giáo viên hằng ngày vẫn đang vận dụng trong quá trình dạy.

Thế nhưng nhiều địa phương vẫn triệu tập thầy cô tập huấn lại vì theo họ sợ thầy cô làm không đúng.

Nghẹt nỗi người báo cáo viên đôi khi lại không thành thạo bằng chính những học viên. Bởi về lý thuyết họ giỏi nhưng kiến thức thực tế lại hổng quá nhiều.

Những điều họ nêu ra đôi khi gặp phản ứng từ giáo viên. Vậy nên buổi tập huấn người nói cứ nói người nghe lại chẳng để tâm.

Có những lớp tập về mô hình, phương pháp dạy học mới nhưng báo cáo viên lại là người vài chục năm chưa đứng lớp.

Lên làm chuyên viên phụ trách chuyên môn thời gian quá lâu nên kiến thức chương trình, phương pháp dạy học từ thực tế họ đã quên từ lâu.

Thế nên những điều giáo viên thắc mắc vì chưa hiểu, những bất cập thầy cô nêu ra không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Nhiều buổi bồi dưỡng, tập huấn xong nhưng chẳng gút lại được vấn đề gì. Thế là tập huấn mà như chưa hề tập huấn.

Báo hại mỗi trường lại về làm mỗi kiểu theo chủ ý, theo sự hiểu biết của phó hiệu trưởng chuyên môn của họ.

Khắc phục kiểu học cho có bằng cách nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo “Phải khắc phục triệt để tình trạng “điểm danh, ghi tên” trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bằng cách đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, chú trọng khâu kiểm tra đánh giá. Có như vậy, giáo viên mới gắn quyền lợi và trách nhiệm vào các khóa tập huấn”.

Muốn vậy, mỗi địa phương cũng phải chọn báo cáo viên năng lực. Không nhất thiết đó phải là chuyên viên của phòng, của sở hay nhất định phải là hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách chuyên môn.

Lớp tập huấn chán ngắt, một chiều thì trách gì người "đánh trống, ghi tên"? ảnh 3Báo cáo viên hỏi vòng quanh, tập huấn thành tam sao thất bản

Người được chọn, ngoài vốn kiến thức phong phú, bản thân họ phải có kĩ năng lên lớp linh hoạt và sáng tạo.

Đổi mới cách truyền thụ từ thuyết trình thụ động sang kiểu tương tác giữa các thành viên. Có nghịch lý nào mà lớp tập huấn phương pháp dạy học mới nhưng báo cáo viên vẫn quen lối báo cáo giảng giải và đọc buộc mọi người phải hiểu?

Đừng nên xem thường giáo viên, chính họ mới là đối tượng cần được đi tập huấn trực tiếp. Hầu như nhiều địa phương vẫn còn thói quen chỉ cử cốt cán, Ban giám hiệu, chuyên viên đi tập huấn và về truyền đạt lại.

Họ có luôn danh sách cố định nên năm nào năm ấy chỉ cần bấm chuột vào danh sách thì vẫn những người đó lại có danh sách cử đi.

Việc nghe trực tiếp báo cáo viên ở cấp cao với việc nghe lại ở cấp dưới đã có sự thay đổi. Huống gì, giáo viên chính là người đóng vai trò quan trọng nhất nhưng luôn là người cuối cùng được tiếp cận nội dung tập huấn.

Cứ qua một tầng báo cáo, nội dung của buổi tập huấn lại bị tam sao thất bản đến mấy phần.

Để những buổi buổi dưỡng, tập huấn thực sự có ích cho giáo viên thì nội dung bồi dưỡng, tập huấn phải là cái thầy cô giáo đang thiếu, đang cần. Tránh trường hợp cấp trên cứ thấy thích, thấy cần (theo ý mình) là ra quyết định tập hợp.

Có thế mới mong ít dần cảnh tập huấn, bồi dưỡng theo kiểu “điểm danh, ghi tên” là xong.

Bình Thanh