Sách giáo khoa hết cửa độc quyền

29/12/2018 07:18
Nguyễn Cao
(GDVN) - Từ chương trình môn học này, các nhà biên soạn, các tổ chức viết sách giáo khoa có cơ sở để “trình làng” bộ sách của riêng mình.

LTS: Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, thầy giáo Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuối cùng, sau gần 1 năm chờ đợi (19/1/2018- 27/12/2018) thì chương trình môn học chính thức cũng đã được thông qua - thời gian chờ đợi có lẽ đã quá dài so với dự kiến ban đầu. 

Tuy nhiên, thời gian dù chậm nhưng để có một chương trình môn học khả quan, có lợi cho ngành giáo dục nước nhà cũng là điều nên làm. 

Có điều, thời gian quá dài như vậy nhưng so sánh giữa dự thảo chương trình môn học và chương trình môn học chính thức không có nhiều thay đổi, điều chỉnh. 

Những phản biện, đóng góp của dư luận gần như không có tác động nhiều, điều này được thể hiện rõ nhất qua 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Xem và tải về chi tiết toàn bộ chương trình môn học giáo dục phổ thông mới 

Theo dự kiến của những thầy xây dựng chương trình môn học và cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chương trình chính thức sẽ được thông qua vào tháng 4/ 2018. 

Nhưng, không rõ nguyên nhân từ đâu mà thời gian cứ được hoãn đi, hoãn lại nhiều lần để đến lúc thông qua chương trình môn học chính thức đã chậm thêm 7 tháng so với dự kiến ban đầu. 

Bởi, ngày thông qua dự thảo chương trình môn học thì thầy Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và đại diện của Bộ Giáo dục đã “dự kiến” là tháng 4/2018 sẽ thông qua chương trình môn học chính thức.

Đến thời điểm bây giờ, những gì có thể chậm được thì các thầy trong Ban soạn thảo chương trình môn học và Bộ cũng đã …chậm rồi.

Sách giáo khoa mới cũng đã lùi lại chậm nhất trong thời gian mà Quốc hội cho phép là năm học 2020-2021 mới thực hiện. Chương trình môn học cũng đã chậm đến những ngày cuối cùng của năm 2018 mới có thể thông qua.  

Lẽ thường, có cái chậm cũng sẽ… chắc nhưng cũng có cái chậm khiến cho chúng ta thấy sốt ruột và kéo theo đó có thể là những lãng phí cho ngành, cho đất nước.

Chậm công bố chương trình môn học chính thức, chậm áp dụng sách giáo khoa có lãng phí không?

Chắc chắn là lãng phí rất nhiều cả về thời gian và ngân sách của nhà nước, của các địa phương khi cứ thấy mở những lớp tập huấn để “đón” chương trình mới mà nhiều khi có phần…vô bổ.

Những rục rịch tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn trong thời gian qua cũng đã phần nào nói lên điều đó.

Chương trình mới được thông qua, liệu còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa?(Ảnh minh họa: VTV)
Chương trình mới được thông qua, liệu còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa?(Ảnh minh họa: VTV)

Liệu sách giáo khoa trong chương trình mới có còn độc quyền?

Cách đây chưa lâu, trong buổi tọa đàm “Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?” diễn ra ở Hà Nội, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã thông tin hiện đã có nhiều nhóm tác giả đang chuẩn bị bộ sách giáo khoa giả định. 

Đó là nhóm tác giả làm sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dự án của Ngân hàng thế giới; nhóm tác giả của thành phố Hồ Chí Minh; nhóm làm sách mô hình trường học mới (VNEN) và 2 nhóm ở phía Bắc.

Như vậy, theo thông tin từ thầy Tổng chủ biên thì chúng ta đã thấy có 5 nhóm đang thực hiện viết sách giáo khoa giả định.

Điều này cũng hoàn toàn “phù hợp” bởi dự thảo chương trình môn học và chương trình môn học cơ bản là… giống nhau.

Nhiều bộ sách sẽ mở ra nhiều hướng đi mới, nhiều lựa chọn mới cho người học. Bởi, theo định hướng của lãnh đạo Bộ thì các địa phương, các trường và phụ huynh học sinh sẽ lựa chọn bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh và con em mình. 

Nhà trường được quyền lựa chọn sách giáo khoa

Hơn nữa, khi có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo nên sự cạnh tranh về chất lượng, về giá thành.

Nhưng, cứ nhìn vào các nhóm viết sách giáo khoa từ những tiết lộ của thầy Tổng chủ biên thì chúng ta cũng đã nhìn thấy bóng dáng của 4 nhóm có tên tuổi cụ thể đã có sự liên quan đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Bộ sách của Bộ Giáo dục đương nhiên là do Bộ chủ trì nó sẽ liên quan mật thiết đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Sách VNEN cũng đang do Bộ quản lý, sách Công nghệ giáo dục cũng đang do Nhà xuât bản giáo dục phát hành. 

Bộ sách của thành phố Hồ Chí Minh dù do Sở Giáo dục của địa phương này chủ trì nhưng năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn cho phép Sở phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện bộ sách giáo khoa riêng. 

Như vậy, theo chúng tôi thì thị phần sách giáo khoa trong những năm tới đây có lẽ vẫn chủ yếu được xuất bản từ đầu mối của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - cơ quan trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều mà chúng tôi còn băn khoăn đó là ngày 10/11/2014 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, khi đó chưa phải là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới có bài viết “Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa” đăng trên Báo Điện tử VnExpress.

Lúc đó, Giáo sư Thuyết cũng đã từng băn khoăn: “Cơ quan chuyên môn của Bộ đã bận tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn sách giáo khoa nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước? 

Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất máy cày, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh ngoài da, sẽ thấy phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp sản xuất sách giáo khoa vô lý như thế nào”.

Có bao nhiêu học sinh Khá, Giỏi là do sức học, sao lại đặt chỉ tiêu?

Thế nhưng, tình thế bây giờ đã hoàn toàn khác trước.

Ngay trong Nghị quyết 88/2014/QH13 quy định: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. 

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”; 

Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội”. 

Từ Nghị quyết của Quốc hội thì chủ trương chỉ có 1 bộ sách giáo khoa được quyết toán từ kinh phí của ngân sách nhà nước. 

Nhưng, nhìn thấy những nhóm tác giả đang viết sách giả định thì chúng ta đã thấy… hình như không phải vậy. 

Bộ sách Bộ viết thì không nói làm gì nhưng Bộ sách của thành phố Hồ Chí Minh chẳng lẽ không lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước thì lấy kinh phí từ đâu?

Rồi, bộ sách VNEN cũng là một dự án của Bộ trong mấy năm qua…

Chuyện kinh phí viết sách giáo khoa lấy từ nguồn ngân sách nhà nước có lẽ cũng không phải là vấn đề quá lớn. 

Nhưng, điều mà hàng chục năm qua dư luận chưa đồng tình là chi từ ngân sách cho sách giáo khoa dù lớn nhưng hàng năm người dân vẫn phải chi hàng ngàn tỉ đồng để mua sách cho con em mình. 

Ai cũng biết, bộ sách giáo khoa hiện nay không đáng bao nhiêu tiền, sách Tiểu học thì khoảng trên dưới 100 ngàn đồng, sách Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông thì có giá trên dưới 200 ngàn đồng.

Số tiền ấy không phải là quá nhiều và phụ huynh vẫn có thể chấp nhận được. 

Điều mà dư luận phản đối là là một số sách bài tập hiện nay đang có giá rất cao. Nhiều cuốn lên đến mấy chục ngàn đồng như sách bài tập Tiếng Anh.

Trong khi, học sinh học ở trường thì thường được nhà trường yêu cầu mua thêm sách bài tập mới học được. 

Vì thế, giá thành cho một bộ sách hiện nay đã lên đến mấy trăm ngàn đồng. Chỉ có điều, sách bài tập lại thường có giá thành cao nhưng lại thiết kế dùng trong một năm rồi phải bỏ đi.

Và, bây giờ, khi chương trình môn học chính thức đã được thông qua, mọi phản biện, nhiều băn khoăn của dư luận cũng đã phải lùi lại phía sau khi “ván đã đóng thuyền”.

Chúng tôi - những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông - cũng là những phụ huynh học sinh luôn chờ đợi, hy vọng sự thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Từ chương trình môn học này, các nhà biên soạn, các tổ chức viết sách giáo khoa có cơ sở để “trình làng” bộ sách của riêng mình. 

Chúng tôi chỉ mong muốn có những bộ sách giáo khoa khoa học, nhẹ nhàng, ít chi phí và có tính thực tiễn cao để tránh lại những vết xe đổ ở chương trình hiện hành như chúng ta đang thấy.                 

Nguyễn Cao