Đã có phiên tòa nào xử giới thiệu và bổ nhiệm nhầm người chưa?

01/01/2019 02:12
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Lê Thanh Vân: Vì chưa quy định tội bổ nhiệm nhầm người nên không thể truy cứu bằng pháp luật hình sự dẫn tới đấu tranh với tội phạm này gặp khó khăn.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có.

Trong đó, có 5 ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Số liệu trên cho thấy Đảng ta rất nghiêm minh trong xử lý những cá nhân sai phạm.

Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra tại sao những người tư chất, đạo đức kém như vậy lại có thể chui sâu, leo cao vào tổ chức Đảng và bộ máy của nhà nước?

Liệu có ai nâng đỡ, hà bơi tiếp sức cho họ? Xử lý những cá nhân chống lưng để cho những cán bộ năng lực phẩm chất kém vào tổ chức của Đảng, bộ máy của nhà nước theo hướng nào đang là vấn đề được dư luận đặt ra?

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh nguồn quochoi.vn).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm: “Nếu cá nhân, tổ chức mà giới thiệu người vô tích sự, hay người vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng, nhà nước thì phải trừng trị nghiêm khắc.

Xử lý về vấn đề này phải nghiêm khắc như xử lý tham nhũng vì đây là hành vi tham nhũng về quyền lực.

Thậm chí, tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm khắc hơn. Cần phải truy cứu, hồi tố bất cứ lúc nào”.

Đã có phiên tòa nào xử giới thiệu và bổ nhiệm nhầm người chưa? ảnh 2Có người năng lực yếu, phẩm chất kém nhưng lại đứng trên vũ đài chính trị

Tuy nhiên, khi đánh giá về công tác xử lý đối với những cá nhân mở đường cho nhân sự kém chất lượng vào bộ máy nhà nước, tổ chức Đảng, ông Lê Thanh Vân cho rằng: “Xã hội chưa hài lòng với việc xử lý trách nhiệm cá nhân trong công tác nhân sự.

Hiện, chúng ta xử lý chưa đến nơi, đến chốn, chưa đủ sức răn đe, chưa so sánh hậu quả mà những sai phạm trong công tác nhân sự để lại”.

Cũng theo vị này: “Hiện chưa có đánh giá, so sánh hậu quả sai phạm trong công tác nhân sự với hậu quả do những kẻ tham nhũng trong kinh tế gây ra.

Cũng chưa có báo cáo đánh giá bàn sâu vào việc này nhưng cá nhân tôi cho rằng hậu quả công tác nhân sự lớn hơn gấp nhiều lần so với tham nhũng kinh tế”.

Lý giải thêm về nhận định của mình, ông Lê Thanh Vân cho rằng: “Hành vi tham nhũng là phá hoại về kinh tế -  hệ quả của nó mang tính vật chất. Điều này nguy hiểm nhưng có thể khắc phục được trong khi đó sai lầm, vi phạm trong công tác nhân sự lại dẫn đến hậu quả khôn lường.

Việc đưa những cá nhân yếu kém về phẩm chất, năng lực vào bộ máy Đảng, nhà nước thì họ sẽ ban hành những văn bản phá hoại, áp dụng pháp luật một cách vô pháp, rồi liên kết cấu kết nhau thành lợi ích nhóm, phe phái.

Những điều này sẽ phá hủy cơ thể, chính trị của Đảng, hủy diệt tính chính danh quyền lực công của nhà nước và lớn hơn cả là làm tha hóa, băng hoại về giá trị đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước.

Cái vi phạm đó liên quan đến tồn vong của dân tộc, nguy hiểm hơn nhiều so với tội tham nhũng. Tuy nhiên, chưa có tòa án nào xử tội phạm đó”.

Đã có phiên tòa nào xử giới thiệu và bổ nhiệm nhầm người chưa? ảnh 3Ai bợ đỡ cho Vũ “nhôm” dùng trò “cáo mượn oai hùm” để lộng hành?

Lý giải cho việc tại sao chưa trừng trị đúng mức những cá nhân bợ đỡ, hà hơi, tiếp sức cho cá nhân yếu kém về phẩm chất, năng lực lại nắm giữ chức vụ quan trọng, ông Lê Thanh Vân nhận định: “Điều này do nhận thức, ở một số nơi cho rằng công tác nhân sự, công tác cán bộ là trách nhiệm của tập thể.

Khi có vi phạm thì đổ hết cho tập thể, chưa xác định được rõ cá nhân riêng lẻ cho nên dễ dàng đổ lỗi cho tập thể.

Nhận thức như vậy nên truy cứu trách nhiệm trong công tác nhân sự đối với vi phạm công tác nhân sự khó khăn”.

Cũng theo vị Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách này : “Nếu chúng ta nhận thức đầy đủ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể thì chúng ta vẫn bóc tách ra được.

Trong khoa học hình sự có tội đồng phạm, có kẻ cầm đầu, có kẻ xúi giục, tiếp sức nên không có gì khó trong việc xác định”.

Ngoài ra, vị này còn cho rằng: “Do chưa mạnh dạn quy định tội bổ nhiệm nhầm người, hoặc cố ý vi phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ nên chưa truy cứu bằng pháp luật hình sự.

Chính vì thế việc đấu tranh với loại sai phạm này còn gặp khó khăn”.

Trinh Phúc