Họp phụ huynh: ông nói ông phải, bà nói bà hay, làm sao vừa lòng tất cả?

02/01/2019 06:28
Mai Hoa
(GDVN) - Nhiều phụ huynh cho rằng việc nhận xét chung chung như thế không nghe cũng chẳng sao. Bởi thế, không ít phụ huynh cũng chẳng mặn mà khi được mời đi họp.

LTS: Đưa ra giải pháp nhằm góp phần đem lại hiểu quả tốt cho buổi họp phụ huynh, cô giáo Mai Hoa đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời gian này là thời điểm các trường học ở cả ba cấp đang tiến hành buổi họp phụ huynh học sinh. 

Khác với những cuộc họp phụ huynh đầu năm chủ yếu chỉ nói đến các khoản tiền đóng góp gây áp lực cho người họp. 

Cuộc họp phụ huynh cuối học kì 1, nội dung triển khai chủ yếu là việc học hành, sinh hoạt của các em ở trường và kế hoạch giảng dạy, giúp đỡ học sinh trong thời gian tới.

Họp phụ huynh: ông nói ông phải, bà nói bà hay, làm sao vừa lòng tất cả? ảnh 1
Một buổi họp phụ huynh học sinh (Ảnh minh họa: teachvn.com).

Nội dung gì được triển khai trong cuộc họp cuối học kì?

Thường thì vào cuộc họp, giáo viên sẽ đưa ra nhận xét chung về tình hình nhà trường như bao nhiêu lớp, bao nhiêu học sinh, việc xếp loại học lực và hạnh kiểm, về việc thu chi quỹ hội của trường, của lớp, về tình hình học tập và rèn luyện của lớp như tỉ lệ về chất lượng học tập, về hạnh kiểm…

Những nhận xét chung chung theo kiểu “đa phần các em đều chăm ngoan, biết hợp tác với bạn trong học tập, đi học đúng giờ…

Tuy nhiên, vẫn còn một số em lười học, ý thức học tập chưa cao, chưa thực hiện tốt việc an toàn giao thông…

Nhiều phụ huynh cho rằng việc nhận xét chung chung như thế nghe cũng được mà không nghe cũng chẳng sao. Bởi thế, không ít phụ huynh cũng chẳng mặn mà khi được mời đi họp. 

Cha mẹ các em mong gì ở cuộc họp cuối kì và cuối năm?

Buổi họp phụ huynh là cơ hội hiếm để giáo viên và cha mẹ học sinh có dịp gặp mặt trực tiếp. Phụ huynh rất muốn biết tình hình cụ thể của con mình khi học tập, sinh hoạt ở trường. 

Điểm nào nổi trội, mặt nào còn hạn chế để về kèm cặp, nhắc nhở và chấn chỉnh các em. 

Họp phụ huynh: ông nói ông phải, bà nói bà hay, làm sao vừa lòng tất cả? ảnh 2Những buổi họp phụ huynh thân tình, hiệu quả

Nhiều năm về trước, trong các cuộc họp phụ huynh, sau khi nêu tình hình chung về trường, lớp giáo viên sẽ nhận xét kĩ từng học sinh để phụ huynh nắm được.

Thế nhưng cũng có người cho rằng do con mình học yếu, chưa chăm ngoan “nếu giáo viên nhận xét mặt chưa tốt của con trước mặt nhiều phụ huynh khác, bản thân cha mẹ sẽ bị người khác cười chê và tổn thương lòng tự trọng”…

Nhiều năm trở lại đây, trường học nào cũng quán triệt thầy cô không được nêu khuyết điểm của từng học sinh trước cuộc họp chỉ đưa nhận xét chung chung. 

Cần thông báo “nếu phụ huynh nào muốn hỏi chi tiết về con mình thì gặp riêng giáo viên chủ nhiệm sau buổi họp phụ huynh ấy”. 

Thế nhưng do sĩ số học sinh đông, nhu cầu gặp riêng giáo viên lại nhiều, nên không ít phụ huynh dù có muốn cũng không thể đợi thầy cô được.

Và họ đành ra về mà chẳng biết gì về chuyện học tập, sinh hoạt cụ thể của con ở trường.

Làm thế nào để vẹn cả đôi đường?

Thực tình giáo viên cũng muốn trao đổi chi tiết về từng học sinh cho cha mẹ các em nắm được. Thông qua việc trao đổi, giáo viên cũng yêu cầu phụ huynh cùng phối hợp giáo dục. Điều này sẽ cho kết quả khá tích cực. 

Những phụ huynh có con chăm ngoan học giỏi đương nhiên sẽ không có vấn đề gì. Thế nhưng những phụ huynh có con học dở thường hay vi phạm, có người vẫn không thích con mình bị bêu tên ngay trong cuộc họp.

Làm thế nào để giáo viên không làm phật lòng phụ huynh?

Tìm hiểu một số người quen bên Mỹ, họ cho biết cách họp phụ huynh nơi ấy khá hay và hiệu quả. 

Họp phụ huynh: ông nói ông phải, bà nói bà hay, làm sao vừa lòng tất cả? ảnh 3Làm thế nào để phụ huynh không tránh buổi họp cuối năm?

Mỗi học sinh được phát một phiếu mời họp theo giờ khác nhau. Phụ huynh được mời thường tuân thủ nghiêm ngặt về giờ giấc. 

Khi đến trường, mỗi phụ huynh tự tìm đến căn phòng mà giáo viên ghi sẵn để trực tiếp nói chuyện với giáo viên. Cuộc trao đổi diễn ra khoảng 20-30 phút/người tùy theo nội dung cần trao đổi. 

Kiểu họp này, đương nhiên chẳng ai biết ai, giáo viên thoải mái trao đổi, cha mẹ các em sẽ nắm rất rõ về con mình mà không sợ bị ai nhòm ngó. 

Ở nước ta kiểu họp phụ huynh như thế hầu như chưa có trường công lập nào thực hiện. Việc họp chung tất cả phụ huynh một lớp với nhau nếu chỉ nêu những nhận xét chung chung chẳng tác dụng gì. 

Do đó, những học sinh nổi trội giáo viên có thể nêu tên từng em mà không sợ làm ai phật lòng. 

Nhưng, những học sinh chậm tiến, chưa ngoan, phụ huynh cần đi sớm hơn thời gian diễn ra cuộc họp để xin gặp riêng thầy cô trao đổi. Số còn lại, sẽ trao đổi với giáo viên vào cuối buổi họp phụ huynh hôm ấy.

Chỉ có cách đó, buổi họp phụ huynh của chúng ta mới vẹn cả đôi đường.

Mai Hoa