Giáo viên nào có đủ kiến thức để dạy thành công môn Khoa học tự nhiên?

07/01/2019 06:05
NHẬT KHOA
(GDVN) - Tôi tin rằng sẽ có rất ít thậm chí không có giáo viên nào đang giảng dạy trung học cơ sở đủ trình độ, năng lực để dạy được môn “tích hợp Khoa học tự nhiên.

LTS: Đặt ra câu hỏi "Giáo viên nào có đủ kiến thức, trình độ, năng lực... để dạy tốt được môn tích hợp Khoa học tự nhiên?", thầy Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa chủ trì buổi họp báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới  trong đó qui định cụ thể về các môn học tích hợp là môn Khoa học tự nhiên (gộp 3 môn Lý, Hóa, Sinh) và môn Sử và Địa (gộp môn Sử, Địa) ở bậc trung học cơ sở khiến rất nhiều người trong đó có giáo viên các bộ môn trên quan tâm.

Sau rất nhiều ý kiến của giáo viên, ý kiến của các chuyên gia cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về môn tích hợp trên thì cuối cùng nó cũng được thông qua và chắc chắn sẽ được áp dụng bắt đầu ở lớp 6 từ năm học 2021 – 2022 tức là còn khoảng 2 năm nữa bắt buộc phải thực hiện.

Hiện nay, giáo viên trung học cơ sở phụ trách các bộ môn trên khá hoang mang, lo lắng vì không biết sẽ học như thế nào? dạy như thế nào? phân công ra sao?…

Giáo viên nào có đủ kiến thức để dạy thành công môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên (Ảnh minh họa: vov.vn).
Giáo viên nào có đủ kiến thức để dạy thành công môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên (Ảnh minh họa: vov.vn).

Điều tôi lo lắng nhất là làm sao giáo viên dạy được cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh trong môn Khoa học tự nhiên?

Hiện nay, chương trình nếu không có gì thay đổi, dù muốn hay không giáo viên cũng phải chấp hành và bắt buộc phải học thêm cho đủ kiến thức để dạy được cả 3 môn từ những năm tiếp theo.

Nhưng, liệu có giáo viên nào có thể dạy được cả 3 môn trên và dạy như thế nào, học sinh học như thế nào, có giỏi hơn không là những vấn đề chúng ta cùng bàn, cùng tìm giải pháp tốt nhất để thực hiện.

Khi chưa có giáo viên tích hợp sẽ dạy như thế nào?

Theo ông Nguyễn Xuân Thành  - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo với các mạch kiến thức nêu trên, chương trình môn Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lí, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian như sau:

Lớp 6: Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%).

Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lí (28%) - Sinh học (38%).

Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lí (28%) - Sinh học (31%).

Lớp 9: Vật lí (30%) - Hóa học (31%) - Sinh học (29%).

Phương án thực hiện chương trình với đội ngũ giáo viên hiện hành (Ảnh: tác giả cung cấp).
Phương án thực hiện chương trình với đội ngũ giáo viên hiện hành (Ảnh: tác giả cung cấp).

Như vậy, ở mỗi lớp, các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lí, Hóa học, Sinh học do giáo viên có chuyên môn tương ứng phụ trách và được thực hiện gọn trong mỗi nửa học kì, mỗi năm học thành 2 học kì (Period), mỗi kì thành 2 nửa (Semester).

Nhưng, tôi rất thắc mắc là liệu việc cho điểm, kiểm tra, đánh giá như thế nào?

Tôi ví dụ học sinh lớp 6 sẽ học 3 phần gồm Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lí (32%) và phân chia Hóa học sẽ được dạy nửa đầu học kỳ I, Sinh dạy nửa cuối học kỳ I còn môn Lý sẽ được dạy nửa cuối học kỳ II.

Như vậy, khi chưa có giáo viên tích hợp, thì giáo viên nào sẽ dạy môn đó, không có gì là tích hợp, phần của môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, giáo viên dạy phần nào thì đánh giá kết quả phần đó.

Vấn đề nó lại là một môn Khoa học tự nhiên chỉ có duy nhất một điểm trung bình bộ môn nhưng lại do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên lại có một sổ điểm đánh giá riêng biệt.

Vậy thì có một môn học mà 3 giáo viên dạy, 3 quyển sổ điểm, 3 kế hoạch giảng dạy (giáo án) khác nhau giáo viên nào chịu trách nhiệm cộng điểm của 3 môn cho học sinh, giáo viên nào chịu trách nhiệm vô điểm phần mềm? Giáo viên nào chịu trách nhiệm về chất lượng môn học.

Bên cạnh đó, việc ra đề thi, kiểm tra sẽ ra 3 phần riêng biệt hay ra 1 môn gồm 3 phần Lý, Hóa, Sinh.

Vẫn câu hỏi cũ tích hợp ở đâu? Nếu ra chung một đề thì ai chịu trách nhiệm tổng hợp đề? Chấm điểm như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm về nội dung đề thi, kiểm tra.

Giáo viên nào có đủ kiến thức để dạy thành công môn Khoa học tự nhiên? ảnh 3Tích hợp sẽ giảm tải hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh?

Nếu điểm trung bình cuối năm học sinh học yếu một phân môn không đạt đến mức phải thi lại ví dụ môn Sinh chẳng hạn thì thi lại một môn Sinh hay thi lại cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh?

Theo tôi, đã gọi là môn Khoa học tự nhiên thì phải thi lại môn đó gồm 3 phần, nếu học sinh chỉ học yếu môn Sinh mà thi lại gồm môn Hóa, Sinh liệu có công bằng?

Hay chúng ta không cho học sinh ở lại như việc đánh giá của tiểu học hiện nay. Nếu vậy bệnh thành tích trong giáo dục khi thực hiện chương trình mới sẽ tiếp tục tăng cao?

Đây là vấn đề lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có tính toán cẩn thận và có thông báo rộng rãi đến giáo viên biết để an tâm công tác trong thời gian sắp tới.

Giáo viên nào có đủ kiến thức để dạy tốt được môn Khoa học tự nhiên?

Như đã nói ở trên, môn Khoa học tự nhiên là tích hợp của 3 môn Lý, Hóa, Sinh và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng chủ biên chương trình là ông Nguyễn Minh Thuyết từng nhiều lần khẳng định hướng tới giáo viên dạy được cả 3 môn.

Có nghĩa là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng đến mục tiêu là một phần sinh viên đang chuẩn bị học ngành sư phạm và hàng vạn giáo viên đang giảng dạy đơn môn Lý, Hóa, Sinh tại các trường trung học cơ sở dạy được cả 3 môn trên.

Điều này liệu có khả thi?

Theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình mới.

Theo lộ trình, đến năm học 2021-2022, chương trình áp dụng đến cấp trung học cơ sở và lần lượt đến năm học 2024-2025 sẽ áp dụng đến lớp 9.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên như sau:

Trước hết là tập trung bồi dưỡng 25% số giáo viên để dạy lớp 6 và cuốn chiếu cho các năm tiếp theo.

Bộ khuyến khích và có chế độ cho các giáo viên tự nguyện đăng kí học thêm các học phần bổ sung kiến thức chuyên môn để có thể đảm nhận từ 2 phân môn, tiến tới đảm nhận toàn bộ chương trình môn học.

Giáo viên nào có đủ kiến thức để dạy thành công môn Khoa học tự nhiên? ảnh 4Giáo viên tích hợp đào tạo ở đâu?

Đối với đào tạo giáo viên mới, các trường sư phạm đã xây dựng chương trình đào tạo giáo viên cấp trung học cơ sở để dạy học môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lí. Giáo viên mới sẽ thay dần khi giáo viên hiện hành nghỉ hưu.

Về vấn đề bồi dưỡng giáo viên, theo tôi những sinh viên sẽ được học tại các trường sư phạm đang chuẩn bị đào tạo thì khoan hãy bàn, bởi vì trong ít nhất 25 năm nữa chưa chắc đào tạo được đầy đủ giáo viên Khoa học tự nhiên.

Hay tất cả các giáo viên đơn môn đã nghỉ hưu, mà chưa chắc tuổi thọ chương trình mới được 25 năm vì khi đó xã hội đã thay đổi, có thể chúng ta đã thay đổi chương trình thêm 1 vài lần nữa.

Vấn đề bây giờ khó khăn và cần quan tâm nhất là làm sao cho hàng vạn giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung học cơ sở có đủ kiến thức để dạy được cả 3 môn.

Theo tôi là cực khó để đạt như mong muốn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi tin rằng sẽ có rất ít thậm chí không có giáo viên nào đang giảng dạy tại trường trung học cơ sở đủ trình độ, kiến thức, năng lực để dạy được cả 3 phân môn lý, Hóa, Sinh rất khó trong phân môn Khoa học tự nhiên.

Thậm chí tôi cũng tin rằng không có vị giáo sư, tiến sĩ nào mà nắm vững được kiến thức chuyên sâu của cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh để dạy cho giáo viên.

Tại sao, lại quá khó để đào tạo giáo viên đang giảng dạy để trở thành giáo viên “tích hợp”?

Thứ nhất, môn Lý, Hóa, Sinh ở bậc trung học cơ sở nhất là ở lớp 8, 9 có những phần rất khó, chưa nói đến kiến thức chuyên sâu phục vụ cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, chỉ riêng học giỏi hay nắm vững một phân môn để giảng dạy đã là điều không hề đơn giản.

Tôi ví dụ một giáo viên vật lý hiện nay nắm vững kiến thức môn Lý của lớp 8, 9 là đã rất khó, việc nhồi nhét thêm kiến thức các môn Hóa, Sinh để trở thành giáo viên “tích hợp” là khó khả thi, thậm chí biến giáo viên đang là giáo viên giỏi thành giáo viên “dở”.

Tôi tin rằng, với hàng vạn giáo viên hiện tại có rất hiếm giáo viên nào có thể trở thành giáo viên “tích hợp” cho dù có học thêm 300 tiết hay 3.000 tiết/phân môn đi nữa.

Giáo viên nào có đủ kiến thức để dạy thành công môn Khoa học tự nhiên? ảnh 5Chương trình đào tạo sư phạm đã thay đổi theo xu hướng tích hợp

Chúng ta biết, sự tiếp thu kiến thức tốt nhất ở giai đoạn trẻ, trí não còn sự tiếp thu, não còn khoảng trống để tiếp nhận kiến thức.

Trong khi đó, giáo viên đang giảng dạy đa số đã có tuổi, lại bận việc giảng dạy, học chuyên môn, gia đình,…mà kiến thức của 2 môn còn lại để đáp ứng việc dạy là rất khó nên giáo viên đó cực khó để trở thành giáo viên “tích hợp”.

Thứ hai, khi bắt đầu thực hiện chương trình mới, giáo viên vừa làm quen chương trình mới, vừa học thay sách, vừa làm quen với các thiết bị, đồ dùng dạy học mới, vừa soạn giáo án mới, bên cạnh đó giáo viên trung học cơ sở phải dạy từ thứ 2 đến thứ 7 rất mệt mỏi.

Vậy giáo viên đơn môn sẽ dành thời gian nào để cho việc học, tiếp thu kiến thức của các môn hoàn toàn mới hoặc đã lâu rồi không tiếp cận, việc học như vậy có hiệu quả không? Học như trên giáo viên có trở thành giáo viên tích hợp được không?

Sẽ có tình trạng “chạy” chứng chỉ tích hợp không? Có tình trạng giáo viên có đủ bằng cắp, chứng chỉ thật nhưng kiến thức không có? Tôi tin là có.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy mạnh dạn làm một cuộc khảo sát trung thực tất cả giáo viên Lý, Hóa, Sinh trong cả nước, tôi tin rằng sẽ có nhiều giáo viên chỉ kiến thức một bộ môn mình dạy còn chưa đáp ứng chứ đừng nói gì đến kiến thức sâu để trở thành giáo viên “tích hợp”.

Giáo viên không thể dạy hay dạy kiểu cầm chừng thì làm sao có học sinh giỏi được? Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cho những giải thích thỏa đáng để trấn an dư luận và giáo viên.

Xin nhắc lại lời đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Hà Nội), cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng về chương trình mới trong đó có môn “tích hợp” trước khi ban hành vì ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh - tương lai của đất nước.

Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những giải đáp, phản hồi về những thắc mắc của tôi và nhiều giáo viên trong cả nước về bộ môn “tích hợp” một cách đầy đủ nhất về mọi thứ để giáo viên trên cả nước yên tâm công tác và cống hiến.

Bên cạnh đó, tôi rất mong có những cuộc thử nghiệm trung thực, khách quan và mong được xem vài tiết giảng dạy trên Tivi hay trên Internet của các vị soạn chương trình hay của chủ biên môn Khoa học tự nhiên là Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn.

NHẬT KHOA