Những bước đột phá ngoạn mục của ngành điện Việt Nam

03/07/2018 07:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Ngành điện nói chung và những người lính truyền tải điện nói riêng đã có rất nhiều đóng góp quan trọng ngay trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh.

LTS: Ngày 4/7, tại Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT đã long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập. Nhìn lại chặng đường từ trước giai đoạn giải phóng miền Nam (1975) cho đến khi đất nước hoàn toàn độc lập, những người lính truyền tải điện kiên cường đã có những cống hiến quan trọng.

Bài 1: Quyết định lịch sử, đồng bào thoát khỏi “tăm tối” vì không có điện

Trong giai đoạn từ 1955 miền Bắc Miền Bắc phát triển trong chế độ xã hội chủ nghĩa, trong khi miền Nam vẫn phải chịu ách đô hộ của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn.

Lúc này ở miền Bắc, do phần lớn hoạt động sản xuất điện được cung cấp từ một số nhà máy nhiệt điện cũ (thời kỳ đó có rất ít nhà máy thủy điện lớn), và do các trạm điện chạy dầu điêzen được xây dựng từ thời thực dân Pháp chiếm đóng, hoặc xây dựng trước và trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, nên công suất rất thấp, cũng không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về điện sinh hoạt và điện sản xuất của nhân dân.

Trong hoàn cảnh ấy, vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm tổ chức lại ngành Điện. Ngày 21/7/1955, Bộ Công thương quyết định thành lập Cục Điện lực để quản lý hệ thống điện lực trên cả nước. Tuy còn non trẻ, nhưng kể từ thời điểm ấy, ngành Điện đã nhanh chóng trở thành một bộ phận gắn bó hữu cơ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của nhân dân ta.

Mặc dù “vạn sự khởi đầu nan”, từ cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, cán bộ, công nhân viên ngành Điện đã đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Hiện nay ở miền Nam nước ta chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hòa bình, chúng ta phải chống Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một ki-lô-oát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ”. 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, Đảng ta đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo chiến lược phát triển điện lực là: “Phương hướng xây dựng và phát triển chủ yếu của công nghiệp là công nghiệp điện lực đi trước một bước”.

Tư tưởng chỉ đạo này là sự vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn Cách mạng Việt Nam một luận điểm nổi tiếng của V.I.Lênin - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng vô sản thế giới, về điện khí hóa nước Nga Xô viết: “Chủ nghĩa Cộng sản = Chính quyền Xô viết + Điện khí hóa”.

Tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng ta là sợi chỉ đỏ xuyên suốt những năm tháng của cuộc kháng chiến ác liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta. Nó hiện hữu và phát huy tác dụng to lớn cả trong thời kỳ hòa bình, đổi mới, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Ngày 21/12/1961, trước yêu cầu của tình hình mới, Cục Điện lực tách khỏi Bộ Công nghiệp để nhập cùng Bộ Thủy lợi thành Bộ Thủy lợi và Điện lực, rồi trở thành Tổng Cục Điện lực. Cán bộ, công nhân viên ngành Điện, cùng với các tầng lớp nhân dân, phấn khởi và ra sức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) của Đảng và Nhà nước ta.

Một số nhà máy điện mới được xây dựng và đi vào vận hành. Sự ra đời của các nhà máy điện trong giai đoạn này dẫn đến sự hình thành hoàng loạt các sở quản lý và phân phối điện, trên cơ sở tách các chức năng này ra khỏi các nhà máy điện. Ngành xây lắp đường dây và trạm cũng ra đời, là cơ sở để thành lập những công ty lớn tại 3 miền của đất nước những giai đoạn sau.

Công nhân Nhà máy điện Thượng Lý mừng công hoàn thành vượt mức kế hoạch đại tu máy tuabin số 3 trước 10 ngày (Hải Phòng, 1965).
Công nhân Nhà máy điện Thượng Lý mừng công hoàn thành vượt mức kế hoạch đại tu máy tuabin số 3 trước 10 ngày (Hải Phòng, 1965).

Vào cuối thập kỷ 60, trong lúc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược đang diễn ra quyết liệt trên cả hai miền Bắc, Nam, tổ chức bộ máy ngành Điện tiếp tục có sự điều chỉnh mới.

Ngày 6/10/1969, Bộ trưởng Bộ Điện và Than ký ban hành Quyết định số 106/QĐ-TC thành lập Công ty Điện lực (ở miền Bắc), trực thuộc Bộ Điện và Than, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế. Đây là đơn vị đầu tiên của ngành Điện được tổ chức và hoạt động theo các quy định tương tự như một doanh nghiệp nhà nước sau này.   

Mặc dù phải tập trung lực lượng của toàn dân vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn dành một phần ngân sách còn hạn hẹp cho việc phát triển ngành Điện non trẻ, để sửa chữa, bổ sung các cơ sở điện cũ, xây dựng mới một số nhà máy điện, từng bước hình thành một cách có hệ thống nguồn và truyền tải điện của miền Bắc.

Dưới đây là số liệu các nhà máy điện và cơ sở sản xuất điện được xây dựng trong thời gian trước, trong và sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, lấy mốc giới từ năm 1955 tới năm 1975 ở ba miền Bắc, Trung, Nam:

Qua bảng thống kê cho thấy vào những thời kỳ lịch sử ấy, số lượng các nhà máy nhiệt điện và thủy điện được đầu tư xây dựng lần lượt tăng lên theo thời gian, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng tăng của xã hội. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy hầu như không có nhà máy điện có công suất lớn (trên 500 MW).

Giai đoạn từ năm 1955 - 1960, số lượng các nhà máy điện được xây dựng ít, công nghệ cũ lạc hậu, công suất của từng nhà máy nhỏ, thậm chí có nhà máy chỉ đạt 6 MW, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện an toàn và sự phát triển kinh tế, trong khi nhu cầu cần điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân đang ngày một tăng lên.

Nguyên nhân chủ yếu là thời điểm đó, chúng ta mới bắt đầu chuyển từ giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, sang giai đoạn xây dựng đất nước, tiếp nhận các cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật nghèo nàn và lạc hậu của chế độ cũ, tiềm lực và khả năng của chúng ta lúc ấy cũng có hạn.

Từ năm 1960 - 1975, cả nước ta dồn sức cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tuy có xây dựng và phát triển được một số nhà máy điện mới, có lắp đặt thêm được một số lưới điện truyền tải mới, nhưng cũng chưa đáp ứng được nhiều cho đời sống của nhân dân. Đây là vấn đề (cũng có thể được xem là mâu thuẫn) đầu tiên thực tế đặt ra cho ngành Điện phải nghiên cứu, từng bước có giải pháp giải quyết.

Vì những lý do trên, công tác trọng tâm của ngành Điện miền Bắc trong suốt cả giai đoạn 1955 - 1975, chủ yếu vẫn là tập trung sửa chữa, đại tu lại các thiết bị cũ của các nhà máy điện, củng cố, cải tạo, sửa chữa một số dây chuyền sản xuất điện bất hợp lý.

Trong số đó có 5 nhà máy điện tiếp quản từ chế độ cũ (trước năm 1954); các đường dây tải điện Hà Nội - Sơn Tây, Hà Nội - Hà Đông, Phố Nối - Hưng Yên, Thái Bình - Nam Định được phục hồi; các tuyến đường dây cũ 30,5kV được cải tạo thành 35kV và hàng trăm kilômét đường dây 35kV mới được xây dựng đã đưa điện đến các khu công nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng đường dây 110kV đầu tiên ở miền Bắc: Đông Anh - Việt Trì, Uông Bí - Hải Phòng; các nhà máy điện Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định tiến hành tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý xí nghiệp. Thủy điện Tà Sa và đường dây tải điện 6 kV nối Thủy điện Tà Sa - Nà Ngần được phục hồi để phục vụ cho mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng).

Điểm nhấn trong bức tranh điện lực đất nước là ngày 19/5/1961, chúng ta đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí có công suất 48MW là nguồn điện chủ lực lớn nhất cung cấp điện thực hiện chủ trương, đường lối xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sau 4 năm xây dựng, tới năm 1963 nhà máy đã được khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là công trình do Liên Xô giúp xây dựng, cung cấp thiết bị và đào tạo cán bộ, kỹ sư, công nhân viên. Tiếp đến, ngày 19/8/1964, khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) có công suất 108 MW, khánh thành đợt I và đưa vào vận hành ngày 5/10/1971.

Công trình có sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô và là công trình có công suất lớn nhất của nước ta vào thời điểm này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 69-LCT tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho kỹ sư trưởng A.V.Alếchxâyevich đã có nhiều thành tích trong quá trình xây dựng công trình.

Sau chiến tranh phá hoại miền Bắc, Nhà máy Thủy điện Thác Bà được khôi phục và đầu năm 1973 cả 3 tổ máy đã được đưa vào tiếp tục vận hành cung cấp lượng điện lớn vào thời điểm ấy cho cả miền Bắc. Ngày 19/5/1974, Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình do Trung Quốc giúp xây dựng bắt đầu hoạt động. Cùng ngày, chúng ta đã khôi phục xong Nhà máy Thủy điện Cống Lân (Thái Bình) - một công trình lớn ngăn nước mặn và tiêu nước cho hơn 3 vạn hécta ruộng ở ba huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư.

Tất nhiên, trong những năm này đều bị ảnh hưởng rất lớn bởi những tác động của chiến tranh. Các cơ sở ngành Điện trở thành những mục tiêu trọng điểm bị địch tập trung đánh phá dữ dội. Đã có 1.652 trận máy bay Mỹ oanh tạc các cơ sở của ngành Điện và có 11/12 nhà máy điện bị địch bắn phá và rải bom nhiều lần như:

Nhà máy Điện Uông Bí là nguồn chủ lực của lưới điện đã bị đế quốc Mỹ oanh tạc, đánh phá hàng chục lần với gần hai nghìn quả bom vào phạm vi nhà máy; Nhà máy Thủy điện Cống Lân và hệ thống thủy lợi ở Thái Bình cũng chịu hàng trăm lần bắn phá của máy bay địch.

Tuy vậy, cùng với quân và dân cả nước, cán bộ, công nhân viên ngành Điện đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, tập trung giải quyết vấn đề cấp bách là làm sao có điện để phục vụ cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, phục vụ nhân dân.

Với phương châm “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh ta lại phục hồi”, hàng nghìn cán bộ, công nhân, chiến sĩ tự vệ đã dũng cảm bám lò, bám máy, bám trận địa, giữ vững dòng điện trong mọi tình huống. Điều đó thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm cao cả, làm việc hết sức mình và thậm chí hy sinh quên mình của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành Điện.

Trước thềm mùa xuân đại thắng năm 1975, Điện lực miền Bắc đã hoàn thành việc xây dựng cột điện thép Chèm (Hà Nội) kéo đường dây băng qua sông Hồng, cao 115m. Đây là cột điện cao nhất nước ta lúc bấy giờ.   

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, công nhân viên ngành Điện đã đóng góp công lao, trí tuệ và xương máu của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì sự nghiệp cao cả ấy, đã có 125 liệt sĩ của ngành Điện đã anh dũng hy sinh. Có những cá nhân và tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Biểu đồ phát triển điện lực miền Bắc từ năm 1954 - 1975.

Biểu đồ phát triển điện lực miền Bắc từ năm 1954 - 1975.

Biểu đồ chỉ rõ sự phát triển nhanh chóng của công suất nguồn điện cũng như sản lượng điện được cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân miền Bắc.

Từ năm 1954, công suất nguồn điện và sản lượng điện ban đầu của miền Bắc rất nhỏ bé, tương ứng chỉ có 31,5MW và 53 triệu kWh, thì tới năm 1965 đã lên đến 161MW và 600 triệu kWh, tăng hơn 11 lần.

Tới năm 1975, công suất nguồn đã đạt 451MW, cung cấp sản lượng điện là 1.264 triệu kWh, tăng  hơn 2 lần so với năm 1965. Sở dĩ có sự tăng “đột biến” cả về công suất nguồn điện và sản lượng điện trong giai đoạn từ 1965 - 1975, là vì số lượng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện ở miền Bắc được xây dựng và đưa vào khai thác nhiều hơn (bổ sung 6 nhà máy điện mới), có công suất nguồn điện lớn hơn gấp nhiều lần giai đoạn trước.

Mặt khác, chúng ta đã đẩy mạnh và hoàn thành kế hoạch 3 năm (1958 - 1960), tiếp đó là hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân (1961 - 1965) ở miền Bắc, nên đã tích lũy được  tiềm lực và trình độ khoa học kỹ thuật nhất định, có điều kiện để hỗ trợ ngành Điện từng bước phát triển.

Trong giai đoạn này, nhất là quãng thời gian đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, chúng ta có được sự đồng lòng giúp đỡ đắc lực của chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em về cả chuyên môn kỹ thuật và cơ sở vật chất, nên có thêm điều kiện để phát triển khả năng sản xuất, cung cấp điện.

Tuy vậy, ngành Điện lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, vẫn đi sau nhu cầu, việc cắt giảm điện là thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Bức tranh điện lực miền Nam trước năm 1975 lại mang màu sắc khá tương phản với điện lực miền Bắc. Do hệ thống điện lực miền Nam chủ yếu được thiết kế, lắp đặt và xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho chính quyền Mỹ - Ngụy, cùng với một số lượng cư dân giàu có nhất định, tập trung cho việc thắp sáng, tiêu dùng trong thành phố, mà ít tính tới yếu tố phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai.

Mức tiêu thụ bình quân là 80kWh/người/năm. Lưới điện miền Nam bao gồm 3 cấp điện áp là 230kV, 66kV và 15kV. Tổng chiều dài lưới truyền tải là 800 km, trong đó 257km đường dây 230kV, 543km đường dây 66kV chia thành 3 khu vực vận hành độc lập: Miền Đông, miền Tây và Cao nguyên. Lưới điện phân phối tập trung ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh lị lớn.

Miền Nam chỉ thực sự có những công trình nguồn điện đáng kể, sau khi hoàn tất xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim năm 1962 và tiếp sau là Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức năm 1965.

Đây là hai nhà máy có công suất lớn lúc bấy giờ (300MW) do Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn xây dựng để cấp điện cho khu vực Sài Gòn. Có chuyên gia nhận xét “... Với hai chương trình trên, Nam Việt Nam có được hệ thống dẫn điện và biến điện cao thế tân tiến 230kV, 66kV giúp tăng cường khả năng sản xuất điện tại đô thành trước nhu cầu giá tăng vượt bực mà công ty CEE không thỏa mãn”.

Cũng vào thời điểm trước năm 1975, nguồn cung cấp điện chủ yếu của miền Nam chỉ có Nhà máy Thủy điện Đa Nhim xây dựng trong giai đoạn 1961 - 1964 có công suất lắp đặt là 160MW, gồm 4 tổ máy, sản lượng điện bình quân hàng năm là khoảng 1 tỉ KW, được Chính phủ Sài Gòn xây dựng trong thời kỳ Mỹ xâm lược miền Nam và do Nhật Bản tài trợ; còn Nhà máy Điện Thủ Đức và Nhà máy Điện Trà Nóc mới chỉ đạt công suất nguồn là 20MW/một nhà máy.

Như vậy tổng công suất thiết kế lắp đặt điện của khu vực miền Nam thấp hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng điện. Lúc ấy buộc Công ty Điện lực miền Nam phải cắt điện luân phiên hoặc đột xuất, chỉ cố gắng đảm bảo điện ánh sáng sinh hoạt chứ điện dùng cho sản xuất công nghiệp là rất hạn chế.

Biểu đồ phát triển điện lực miền Nam từ năm 1954 - 1975.
Biểu đồ phát triển điện lực miền Nam từ năm 1954 - 1975.

Biểu đồ đã chỉ ra công suất nguồn điện và sản lượng điện của miền Nam từ năm 1960 đến trước ngày giải phóng 30/4/1975, tăng lên rõ rệt theo từng năm. Nếu như năm 1960 công suất nguồn là 92,81MW với sản lượng điện đạt 286,76kWh, thì tới năm 1965, sau 5 năm đã đạt công suất nguồn là 284,90MW tăng hơn 3 lần và sản lượng điện là 474,61kWh, tăng hơn 1,6 lần.

Từ năm 1965 trở đi đến năm 1975, mỗi năm đều có sự tăng lên tương đối đồng đều và đáng kể. So sánh biểu đồ điện lực của hai miền Nam, Bắc trước năm 1975, chúng ta cũng có thể thấy rõ thêm thực trạng này. Biểu đồ công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Nam lớn hơn miền Bắc gần gấp đôi, nhưng số lượng các nhà máy thủy điện và nhiệt điện được xây dựng mới lại ít hơn miền Bắc.

Điều đó cũng dễ hiểu là vì sau khi xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ đã làm biến đổi nền kinh tế miền Nam nửa thực dân, nửa phong kiến mà thực dân Pháp để lại, thành nền kinh tế mang tính chất tư bản với một xã hội tiêu thụ, tiêu dùng là chủ yếu.

Các ngành sản xuất công nghiệp và kinh tế - kỹ thuật, tuy không được chú trọng, nhưng do cơ chế hoạt động của kinh tế thị trường nên có điều kiện phát triển hơn miền Bắc còn đang trong thời kỳ chiến tranh hứng chịu bom đạn đế quốc Mỹ, dẫn tới nhu cầu sử dụng điện năng của một xã hội tiêu dùng theo kiểu tư bản cũng đa dạng và lớn hơn, đòi hỏi nguồn cung ứng điện và sản lượng điện tiêu thụ lớn hơn.

Điều này ẩn chứa sự phát triển điện lực không đồng đều giữa hai miền và dần tích tụ trở thành mâu thuẫn khá phức tạp, khó giải quyết, ngay cả sau khi nhân dân ta đã giành được tự do, độc lập, thống nhất Tổ quốc.    

Thực trạng hệ thống điện khu vực miền Trung “chiếc đòn gánh” của đất nước cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí một số địa bàn trọng điểm về kinh tế và dân cư như thị xã, thành phố còn kém hơn cả một số địa bàn nông thôn ở phía Nam.

Trước năm 1975, hầu hết nguồn điện do Công ty Nước và Điện Đông Dương miền Trung (SIPEA) và Công ty Điện lực Việt Nam (CDV) quản lý. Toàn miền không có lưới điện truyền tải cao áp. Do có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt tại khu vực này, rồi chiến tranh liên miên suốt 30 năm, nên kinh tế khu vực miền Trung không phát triển được.

Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Công ty Điện lực miền Trung được thành lập (7/10/1975), trực thuộc Bộ Điện và Than, quản lý ngành Điện trên địa bàn 11 tỉnh từ Quảng Bình tới Phú Yên và Tây Nguyên.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song mức tiêu thụ điện ở miền Trung cũng mới chỉ đạt bình quân 13kWh/người/năm, tổng công suất lắp đặt là 74MW. Cả khu vực có quãng đường dài hàng nghìn ki-lô-mét với mấy chục triệu dân, nhưng hệ thống phát điện rất sơ sài, nhỏ bé và manh mún; ở Đà Nẵng chỉ có trạm phát điện điêzen Liên Trì; đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới lấy điện từ Hòa Bình; đường dây 66kV lấy điện từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn điêzen nhỏ tại chỗ.

Do đường dây quá dài, lại không có lưới truyền tải cao áp, toàn miền chỉ có 150 máy phát điêzen phân tán ở các đô thị, nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn đưa tới các đơn vị sản xuất và sinh hoạt của các hộ dân không đảm bảo, thường xuyên bị sụp đổ điện áp ở các khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Công suất lắp đặt điện của miền Trung chỉ khoảng 80 - 90MW, trong khi nhu cầu là trên 220MW và chỉ đạt  khoảng 40%. Tình hình ấy làm cho đời sống của nhân dân ở khu vực miền Trung rất khó khăn vì thiếu điện.

Đảng và Nhà nước ta đã nhìn xa, trông rộng, hiểu rõ tác dụng, lợi ích và tầm quan trọng to lớn của điện năng, chuẩn bị các điều kiện và tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ chiến tranh và cả sau chiến tranh.

Vì thế, trong lúc ngoài mặt trận, chúng ta đang gấp rút đi “nước cờ lớn”, chuẩn bị mở chiến dịch đột phá giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột trên địa bàn mang tính chiến lược Tây Nguyên ngày 10/3/1975, làm xoay chuyển toàn bộ cục diện chiến trường miền Nam, tạo đà thắng lợi cho hàng loạt chiến dịch tiếp theo, thì tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định yêu cầu các ngành trung ương và địa phương có liên quan, phối hợp với Ban Quản lý xây dựng công trình thủy điện sông Đà, tập trung thực hiện các nhiệm vụ: “khảo sát thiết kế, thi công, xây dựng, chuẩn bị tiền vốn, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm, thông tin tuyên truyền, đối ngoại..., để phấn đấu khởi công vào năm 1978”.

Điểm nhấn xuyên suốt quá trình này là đường lối, chủ trương xây dựng và phát triển điện lực, lấy điện lực làm một trong những nội dung và công việc quan trọng hàng đầu trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế quốc dân của Đảng và Nhà nước ta, làm cho đời sống của nhân dân khấm khá lên và ở mọi vùng, miền, cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi tình trạng cuộc sống tăm tối vì không có điện.

Trúc Diệp