Tỉnh nào tuyển quá biên chế, Chủ tịch cứ bỏ tiền túi ra bồi hoàn sẽ hết tùy tiện

06/01/2019 00:43
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ ủng hộ cao với dự thảo của Bộ Nội vụ quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu tuyển vượt quá số biên chế công chức được giao.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý biên chế công chức thay thế Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức và Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP.

Đáng chú ý, dự thảo quy định người đứng đầu sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật; đưa vào xem xét phân loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

Đặc biệt, người đứng đầu phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được giao hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: TTXVN

Việc đưa vào dự thảo quy định trách nhiệm của người đứng đầu được xem là để giải quyết hạn chế của các quy định hiện hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ sự ủng hộ cao với điểm đề xuất này trong dự thảo

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn đồng tình với quy định người đứng đầu phải bồi hoàn kinh phí nếu tuyển quá số biên chế công chức được giao. Bởi lẽ, thực tế, thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, Bộ, ngành đã tuyển dụng quá số biên chế quy định”.

Thực tế này theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, nó thể hiện rõ nhất trong báo giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Đáng chú ý nhất trong báo cáo này là những số liệu, con số cho thấy, chủ trương tinh giản biên chế đã không được thực hiện nghiêm, kết quả là biên chế không giảm mà lại tiếp tục tăng trong giai đoạn giám sát.

“Qua giám sát của Quốc hội cho thấy, biên chế đã phình ra. Và một trong những vấn được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ rõ là chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu khi số lượng biên chế bị phình ra như vậy.

Dự thảo đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đã bổ sung bằng quy định rất nghiêm để ràng buộc trách nhiệm lãnh đạo Bộ ngành, Chủ tịch các tỉnh.

Ngoài xem xét về phân loại đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì quy định trách nhiệm kinh tế là khá quan trọng.

Tôi tin đây sẽ là giải pháp quan trọng để hạn chế tùy tiện trong tăng biên chế ở các địa phương, bộ ngành”, đại biểu Phương nhận định.

Trước e ngại là hiện nay không chỉ trong lĩnh vực tuyển dụng công chức, việc rằng buộc trách nhiệm người đứng đầu ở nhiều lĩnh vực đều có nhưng việc xem xét xử lý không phải nhiều.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phân tích: “Để thực hiện quy định này hiệu quả và khả thi, truy tới cùng trách nhiệm của lãnh đạo thì hàng năm, ngành nội vụ, các đơn vị liên quan phải thanh tra, các đoàn đại biểu Quốc hội phải vào cuộc giám sát.

Nơi nào có vi phạm xử lý ngay một số người, sẽ răn đe, ngăn chặn, buộc các đơn vị khác lấy đó làm gương.

Rõ ràng, chỉ cần nơi nào có vi phạm xử lý luôn thì tôi tin sẽ có hiệu quả ngay”, đại biểu Ngọc Phương nêu quan điểm.

Thực tế, việc tuyển dụng vượt biên chế công chức hay tuyển đối tượng sai phải thời gian dài mới phát lộ sai phạm. Lãnh đạo ở thời điểm đó làm sai có thể đã chuyển vị trí khác cùng cần truy trách nhiệm đến cùng.

“Quy định có thì sẽ rất dễ thực hiện thôi. Nhưng căn bản là ở chỗ có làm hay không? Cơ quan quản lý có vào cuộc không mà thôi.

Tỉnh nào tuyển quá biên chế, Chủ tịch cứ bỏ tiền túi ra bồi hoàn sẽ hết tùy tiện ảnh 2Phải lập bản đồ công chức quốc gia để chống tham nhũng biên chế

Tôi cho rằng như quy định trong dự thảo đã rất rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc tuyển dụng, sử dụng biên chế công chức rồi.

Có quy định chặt chẽ trong văn bản, ít nhất cũng hạn chế được 90%. Lúc đó các vi phạm sẽ chỉ còn là cá biệt.

Dù là cá biệt nhưng có quy định xử lý rồi nên tôi rất ủng hộ dự thảo này của Bộ Nội vụ”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2018.

Đáng chú ý, báo cáo đã nêu ra những con số rất khả quan trong thực hiện tinh giản biên chế.

Theo đó, các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước. Ban hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Đã giảm số lượng lớn các Tổng cục, Vụ, cục thuộc Bộ và giảm trên 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 công chức.

Đỗ Thơm