Đâu là động cơ thực sự trong các quyết định rút quân của Mỹ?

31/10/2011 11:55
Theo Petro Times
Những lợi thế lớn trong công nghệ quân sự đang hỗ trợ các gốc rễ sức mạnh của Mỹ. Được trang bị các loại súng đạn hiện đại.

Theo báo Bưu điện quốc gia của Canada ngày 29/10, trong hai tháng tới, hàng chục nghìn quân Mỹ tại Iraq sẽ về nước, kết thúc chín năm chiến tranh.

Lính Mỹ rút quân khỏi Iraq
Lính Mỹ rút quân khỏi Iraq
Theo các điều khoản của một hiệp định an ninh song phương năm 2008, khoảng 39.000 binh lính Mỹ và 38.500 nhân viên các nhà thầu tư nhân làm việc cho Lầu Năm Góc, dự kiến rời Iraq trước cuối năm 2011, bỏ trống 15 căn cứ quân sự cuối cùng của Mỹ tại Iraq. Thời đỉnh điểm năm 2007, Mỹ có 505 căn cứ quân sự tại Iraq.

Một số nhà phân tích cho rằng việc rút quân là cái kết thích hợp về chính trị cho một cuộc chiến tranh tốn kém và không được lòng dân. Nhưng một số người khác lại coi đó là sự điều chỉnh lại sức mạnh quân sự của Mỹ, là sự thích nghi với những ưu tiên và nguy cơ đang thay đổi.

Theo một kiểm kê hàng năm của Lầu Năm Góc về số bất động sản mà họ hiện sở hữu hoặc đi thuê khắp thế giới, quân đội Mỹ đang duy trì 716 căn cứ quân sự ở nước ngoài tại 62 quốc gia. Vào thời cực thịnh, đế quốc Anh cũng chỉ có căn cứ quân sự tại 35 quốc gia và thuộc địa.

Nhưng danh sách các căn cứ chính thức của Lầu Năm Góc không bao gồm quân số và các cơ sở tại Iraq, Afghanistan hoặc các căn cứ bí mật tại những nơi như Israel, Côoét, Qatar hoặc Trung Á. Các số liệu căn cứ chính thức cố tình loại ra những căn cứ hoạt động tình báo, được đặt tại các khu vực chiến tranh, hoặc những cơ sở hỗn hợp như Căn cứ Không quân Al-Udeid trị giá nhiều tỉ USD tại Qatar, từ đó quân đội Mỹ đã tổ chức cuộc chiến tranh bằng máy bay không người lái khắp thế giới.

Washington đang "huênh hoang" về một mạng lưới căn cứ quân sự rộng lớn, chi phối tất cả các châu lục, trừ châu Nam cực, và triển khai hơn 500.00 binh lính và nhân viên các nhà thầu quốc phòng tư nhân trong một chuỗi các căn cứ và khu vực khắp thế giới.

Những lợi thế lớn trong công nghệ quân sự đang hỗ trợ các gốc rễ sức mạnh của Mỹ. Được trang bị các loại súng đạn hiện đại có độ chính xác cao, các máy bay chiến đấu tối tân và tên lửa xuyên lục địa, quân đội Mỹ có thể tấn công bất cứ nơi nào trên trái đất mà ít lo bị trả đũa.

Nhưng sức mạnh quân sự đó khiến Mỹ rất tốn kém. Chi phí quốc phòng là phần lớn nhất của ngân sách Mỹ và hiện tương đương với chi phí quốc phòng của tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại. Kể từ sau các cuộc khủng bố ngày 11/9/2001, chi phí quốc phòng và an ninh của Mỹ đã tăng thêm hơn 119%.

Tuy nhiên, trong hai thập kỷ tới, việc trả lãi suất cho khoản nợ quốc gia, cung cấp lương hưu và chăm sóc y tế cho những người sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ II đã đến tuổi nghỉ hưu, Mỹ sẽ khó có thể duy trì mức chi tiêu quốc phòng như hiện nay.

Ông Michael Mandelbaum thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế hiện đại Johns Hopkins nhận định: “Một ngân sách quốc phòng nhỏ hơn và những cam kết quốc tế ít tham vọng hơn sẽ không báo hiệu sự chấm dứt kỷ nguyên Mỹ là một siêu cường toàn cầu, mà có nghĩa là Mỹ cần lựa chọn kỹ hơn những nơi và cách thức triển khai các nguồn lực quân sự và ngoại giao”.

Hậu quả là sức ép đang tăng lên đòi cắt giảm thâm hụt của Mỹ bằng cách củng cố hoặc đóng cửa những căn cứ quân sự tại nước ngoài. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ tại Washington đang khuyến nghị cắt giảm 1/3 số quân Mỹ tại châu Âu và châu Á, để tiết kiệm 40 tỉ USD vào năm 2016.

Việc đóng cửa các căn cứ quân sự tại nước ngoài sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chính sách đối ngoại chung của Mỹ. Trước khi về hưu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo Quốc hội rằng việc đóng cửa các căn cứ quân sự ở nước ngoài có thể tạo ra nguy cơ chiến lược.
Theo Petro Times