Lãnh đạo nguồn mà chỉ nín thở ngồi chờ thì làm gì có bản lĩnh mà rèn luyện

12/01/2019 07:41
Tùng Dương
(GDVN) - Người lãnh đạo đương nhiệm và người được giao tìm, chọn nhân sự phải thật sự “chí công vô tư” và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xoay quanh vấn đề lựa chọn nhân sự, nhất là cán bộ chiến lược chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để chọn được cán bộ có đức độ, có tầm vào các vị trí chiến lược?

Trao đổi về vấn đề này với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, người lãnh đạo đương nhiệm và người được giao tìm, chọn nhân sự phải thật sự “chí công vô tư” và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Do đó, phải chọn và tìm nhân sự kể cả cấp chiến lược trong số hơn 90 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.

"Tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ mối quan hệ biện chứng về nhân quả, giữa việc và người. 

Qua việc mà đào luyện, sàng lọc sẽ xuất hiện người tài đức, hiền lương.

Vì thế phải từ việc thực tế mà tìm và chọn người tài đức cho phù hợp bất kể đó là vị trí lãnh đạo nào", ông Hồng chia sẻ.

Ông Hoàng Nguyên Hồng cho rằng, việc lựa chọn cán bộ phải công khai, minh bạch để nhân dân giám sát nhằm đảm bảo chọn được những cán bộ có đủ đức, tài gánh vác công việc nước nhà. ảnh: NVCC.
Ông Hoàng Nguyên Hồng cho rằng, việc lựa chọn cán bộ phải công khai, minh bạch để nhân dân giám sát nhằm đảm bảo chọn được những cán bộ có đủ đức, tài gánh vác công việc nước nhà. ảnh: NVCC.

Cũng theo ông Hoàng Nguyên Hồng, chọn được cán bộ đúng với vị trí công việc là vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình xây dựng đất nước lâu dài.

Thông qua tổ chức và hoạt động công việc thực tiễn, sẽ đào luyện và chọn lọc tự nhiên những thế hệ cán bộ lãnh đạo gắn liền với nhân dân, với công việc và tôn chỉ vì dân.

Đó là quy luật và nguồn gốc hình thành đội ngũ nhân sự cấp cao chiến lược trong cách mạng Tháng 8 năm 1945 và ba cuộc khánh chiến chống Pháp, Mỹ, Trung Quốc thắng lợi của dân tộc Việt Nam.

Đã đến lúc cần phải thay đổi cách thức tìm người hiền tài.

Thời xưa, vua Lê Thánh Tông đã viết: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử là đầu”.

Cần loại những người đi làm mà chỉ biết đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên

Qua thi cử minh bạch, công khai, bình đẳng, dân chủ mới tìm và chọn được “Người hiền lương, chân chính, trí dũng và hào kiệt” lãnh đạo đất nước và quản trị quốc gia.

Cách thức chọn hiền tài qua thi cử thời vua Lê Thánh Tông đã thực thi cách nay 535 năm vẫn còn nguyên giá trị và rất thời sự trong công tác tổ chức nhân sự hiện nay.

Thay đổi cách thức tìm và chọn nhân sự như cha ông thời xưa đã làm là một biện pháp cần thiết chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII phù hợp công việc lãnh đạo đất nước, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Thời vua Lê Thánh Tông (năm 1484) cũng đã nêu rõ quan điểm và nguyên tắc về dùng người giúp việc nước, sách sử còn ghi: “Trong triều đình, nếu quân tử được tiến dụng là gốc rễ tiến lên đời thịnh trị. Nếu tiểu nhân được tiến dụng là đường ngõ bước vào đời loạn lạc”.

Đặc biệt, chuẩn bị nhân sự các vị trí chiến lược cho Đại hội XIII của Đảng rất cần tiến hành tìm và chọn rộng rãi trong toàn thể đảng viên và trong nhân dân.

Đồng thời tiến hành công khai minh bạch tìm chọn người “tài đức, hiền lương, chân chính, trí dũng và hào kiệt”.

Như thế sẽ có được nhân lực đủ tâm và tầm để lãnh đạo đất nước cũng như quản trị quốc gia, như ý nguyện của vua Quang Trung thời xưa “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Trị nước chọn nhân tài làm gốc”.

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng cũng lưu ý cần phải công khai quy hoạch và luân chuyển cán bộ để người dân giám sát.

Về nguyên tắc, Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.

Trong 20 năm qua, nhiều người được vào quy hoạch là yên tâm, “nín thở ngồi chờ”, “đến hẹn sẽ lên”. Vì thế, nghị quyết Trung ương 7 đánh giá “không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện”.

Lãnh đạo nguồn mà chỉ nín thở ngồi chờ thì làm gì có bản lĩnh mà rèn luyện ảnh 2Bà Bùi Thị An: "Cán bộ cấp chiến lược phải có tầm nhìn, bản lĩnh"

“Tình trạng chạy quy hoạch… chạy luân chuyển trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”.

Người đảng viên, người cán bộ cũng sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ nhân dân. Thông qua kết quả thực tiễn trong lao động, học tập, chiến đấu…nhân dân tự nhận biết được ai chân thật và ai giả dối, ai gian tham và ai chính trực và thực sự có tài.

Đó là quy luật sàng lọc tự nhiên và tranh đua sinh tồn trong xã hội loài người, làm cho xã hội phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn lãnh đạo Đảng ta: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.

Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Chính phủ, của Đoàn thể triển khai trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Đó là quy luật sàng lọc tự nhiên và tranh đua sinh tồn trong xã hội loài người, làm cho xã hội phát triển.

"Thay đổi tự duy về cách tìm và chọn nhân sự, chúng ta sẽ có được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đề ra", ông Hồng chia sẻ.

Tùng Dương