Siết chặt quản lý thuốc chữa bệnh đảm bảo sức khỏe nhân dân

10/10/2018 09:00
Vũ Phương
(GDVN) - Thời gian qua Cục Quản lý dược kiểm nghiệm nhiều mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng, mạnh tay với các tổ chức, cá nhân vi phạm lĩnh vực dược.

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, mỗi năm có khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường được kiểm nghiệm để giám sát chất lượng. Đáng chú ý, tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện khoảng 1,5-2% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, con số này mới chỉ phản ánh được một phần. Thực tế, trong năm 2018, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) liên tiếp phát hiện và thu hồi, đình chỉ lưu hành thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang được giao dịch rất tinh vi làm đau đầu các cơ quan chức năng và là mối hiểm họa rình rập đối với nhiều người bệnh.

Trong tháng 8/2018, Cục Quản lý dược đã công bố danh sách 50 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng. Đáng nói, có đợt danh sách công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng được công bố lên tới 70 đơn vị.

Những doanh nghiệp nước ngoài bị bêu tên đa phần là các doanh nghiệp đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc... Đáng nói, trong đó có những hãng dược tái phạm nhiều lần.

Đối với những hãng dược cố tình đưa thuốc kém chất lượng vào Việt Nam đều phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 100% lô thuốc nhập khẩu (tiền kiểm) thay vì hậu kiểm như quy định. Đây được xem như lời cảnh báo đối với chất lượng thuốc trên thị trường nước ta.

Ngoài công ty nước ngoài vi phạm, nhiều công ty trong nước cũng liên tục bị bêu tên vì sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn, kém chất lượng. Như tháng 9/2018, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ lưu hành thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai Collydexa do Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất.

Cục Quản lý dược đã có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc viên nang cứng Neopeptine.
Cục Quản lý dược đã có văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc viên nang cứng Neopeptine. 

Thời gian quan Cục Quản lý dược cũng rất quyết liệt, mạnh tay với nạn thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng. Cụ thể, Cục Quản lý dược xử lý nhiều công ty, đơn vị vi phạm về chất lượng thuốc, nhãn mác bằng việc thu hồi, đình chỉ lưu hành, phạt hành chính.

Như ngày 11/10/2018, Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm và sinh học y tế sản xuất ngừng lưu hành Bột pha hỗn dịch uống Batimin 125 và phải gửi thông báo, tiến hành thu hồi toàn quốc lô thuốc trên. Lý do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Tính chất và Định lượng.

Cục Quản lý dược cũng đình chỉ lưu hành, thu hồi hàng loạt sản phẩm như Cream mủ trôm Tân Gia Khang; sữa rửa mặt sáng da ngừa mụn, nám Ever today; kem trắng da mặt – X2; dầu gội Hairnew…

Cơ quan chức năng cũng thông tin, với công nghệ hiện đại như hiện nay, nhiều loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác rất giống thuốc thật.

Đáng nói, nhiều loại thuốc như thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế vi rút, thần kinh, hỗ trợ sinh lý bị làm giả được phát hiện. Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/100.000 - 1/10.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lên tới 1/10. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc, dị ứng thuốc, sốc phản vệ.

Trước tình trạng thuốc kém chất lượng xuất hiện có chiều hướng gia tăng và tinh vi. Để giải quyết vấn đề này, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, quy trình sản xuất, phân phối, nhập khẩu thuốc được kiểm soát rất chặt. Nhờ đó, nhiều loại thuốc kém chất lượng đã bị phát hiện, đình chỉ và thu hồi.

Riêng đối với thuốc nhập khẩu, hiện Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc của các công ty nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành tại Việt Nam.

Thời gian tới, Cục Quản lý dược tiếp tục đẩy mạnh cả tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc để kiểm soát chặt việc lưu hành thuốc.

Làm thuốc giả trị bệnh ung thư rồi rao bán trên mạng xã hội bị cơ quan chức năng thu giữ.
Làm thuốc giả trị bệnh ung thư rồi rao bán  trên mạng xã hội bị cơ quan chức năng thu giữ. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu, Bệnh viện E Trung ương đưa ra khuyến cáo, có nhiều loại thuốc giả rất khó phân biệt bằng mắt thường.

Bởi vậy, để tránh mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người dân nên mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc được bán trên mạng xã hội.

Lưu ý, với loại thuốc đã quen dùng, người bệnh cần xem kỹ bao bì, mùi vị thuốc khi uống. Nếu thấy có sự khác lạ cần tham khảo ý kiến tư vấn của các nhân viên y tế, đồng thời chú ý kiểm tra hạn sử dụng của thuốc.

Để phát triển ngành dược, tuyên chiến với thuốc giả, thuốc kém chất lượng, ông Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, trong nhiệm kỳ của mình ông sẽ dành tâm huyết cùng phát triển ngành dược, tiếp tục thực thi minh bạch trong chính sách, chú trọng phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó, quan tâm phát triển dược liệu và thuốc từ dược liệu.

Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, tham gia hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và trên thế giới.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển ngành dược và thiết bị y tế trong tình hình mới.

Nội dung Nghị quyết số 20 chỉ rõ, bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.

Tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chống thất thoát, lãng phí.

Quản lý chặt chẽ nhập khẩu thuốc. Củng cố hệ thống phân phối thuốc, bảo đảm kỷ cương pháp luật, hiệu quả, chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quyền phân phối thuốc, không để các doanh nghiệp không được phép nhưng vẫn thực hiện phân phối thuốc trá hình. Tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắcxin. Đầu tư đủ nguồn lực để làm chủ công nghệ sản xuất vắcxin thế hệ mới, vắcxin tích hợp nhiều loại trong một, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mở rộng trong nước, tiến tới xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vắcxin, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị dược phẩm trong khu vực và trên thế giới.

Đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng qua các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền. Hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền, tôn vinh và bảo đảm quyền lợi của các danh y.

Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm, ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu.

Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu ngoại nhập; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.

Vũ Phương