Tôi là Hiệu trưởng hay mấy thầy cô vậy?

19/01/2019 07:34
Mai Hoa
(GDVN) - Trường mà hiệu trưởng thích nghe lời nịnh hót thì sự đoàn kết nội bộ chẳng bao giờ có. Bởi trong trường luôn luôn có hai phe đối lập.

Nhà giáo Mai Công Tình đặt vấn đề “Trong giáo dục liệu có sự nịnh bợ cấp trên không?” Câu trả lời chính xác đương nhiên là có và có nhiều là đằng khác. Nơi nào cấp trên thích nịnh ắt nơi ấy sẽ sản sinh ra đội quân chuyên nịnh và ngược lại.

Người thích nịnh đương nhiên không muốn nghe lời nói thật

Năm ấy, trường tôi có hiệu trưởng mới về. Giáo viên chúng tôi cũng chưa hiểu nhiều về vị hiệu trưởng ấy. Chỉ thấy rằng trong cách phân công chuyên môn, bố trí việc làm của cô có vấn đề.

Giáo viên dù không phục nhưng cũng chỉ dám nhỏ to bên ngoài. Nghĩ mình cần phải góp ý với cô với vai trò là một đảng viên, một tổ trưởng chuyên môn.

Vào phòng hiệu trưởng tôi nêu lý do “em muốn nói chuyện với cô 10 phút về việc trường”.

Tôi thẳng thắn bày tỏ ý kiến của nhiều giáo viên không bằng lòng khi cô bố trí hiệu phó nhà trường làm chủ nhiệm lớp còn kiêm luôn việc thư kí hội đồng nhưng (nhờ người khác viết biên bản, kí tên) còn chế độ giảm trừ tiết dạy 2 tiết/tuần lại nhận đủ.

Cần loại những người đi làm mà chỉ biết đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên

Tôi chưa dứt lời, cô hiệu trưởng đã lớn tiếng “tôi là hiệu trưởng hay mấy thầy cô là hiệu trưởng? Phân công ai dạy lớp nào, làm công việc gì là quyền của tôi”.

Thế là từ đó, ở trường chẳng ai còn dám góp ý thẳng thắn với hiệu trưởng điều gì. Nhiều giáo viên nói vui “hiệu trưởng trường mình thuộc dạng không thích nghe lời nói thật. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ xu nịnh”.

Ra đời những kẻ xu nịnh

Như “bắt mạch” được hiệu trưởng là người chỉ thích ưa nói ngọt, không ít giáo viên cơ hội đã bắt đầu vây quanh xun xoe, nịnh bợ.

Thôi thì đủ kiểu nịnh.

Nịnh từ lời nói, nịnh đến chuyện đón ý của hiệu trưởng.

Cái kiểu nịnh lộ liễu làm đỏ mặt bất kể ai nghe được.

Chỉ mỗi việc khen chiếc áo hay đôi giày mới người nịnh cũng có cách khen khác người bình thường.

Minh họa của Sa Tế
Minh họa của Sa Tế

Việc đón ý người khác không ai nhanh nhạy bằng mấy kẻ xu nịnh.

Có lần, đang giữa đám đông, chẳng biết tình cờ hay cố ý, hiệu trưởng khen đôi giày của một giáo viên rất đẹp.

Cố ấy cứ xuýt xoa và hỏi địa chỉ nơi bán.

Chỉ ngay ngày mai thôi, mấy thầy cô đã thấy hiệu trưởng của mình có ngay đôi giày mới.

Hay việc khen thỏi son màu này tươi, mùi nước hoa kia quyến rũ thì y như rằng chỉ mai mốt có người mang quà đến biếu ngay.

Có lẽ nhờ thế, những kẻ xu nịnh luôn được hiệu trưởng của tôi du di, nâng đỡ. Bất kể việc gì cũng được ưu ái, bất kể lỗi lầm gì cũng được bỏ qua.

Hậu quả của việc trọng người nịnh

Chủ tịch nước: “Báo chí góp phần ngăn chặn xu nịnh, chạy chọt..."

Thích nghe lời nói nịnh thế nên bên cạnh hiệu trưởng khi ấy chẳng còn ai dám nói thật.

Nghe nhiều kẻ nịnh nói đến độ không còn biết phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai.

Thế nên không ít những kẻ xu nịnh luôn “lấy câu chuyện làm quà” đặt điều cho những người họ không ưa với hiệu trưởng.

Có những chuyện hiệu trưởng chỉ nghe thôi không cần kiểm chứng, hậu quả là trách oan người vô tội.

Trường mà hiệu trưởng thích nghe lời nịnh hót thì sự đoàn kết nội bộ chẳng bao giờ có. Bởi trong trường luôn luôn có hai phe đối lập.

Bên sống nép mình, bên luôn rình rập, để ý, chờ sơ hở là mách tội. Nhiều khi giáo viên chẳng dám ngồi nói chuyện vì họ luôn đề phòng “tai vách mạch dừng”

Trường học luôn sống trong sự đề phòng, nghi kị quả thật buồn lắm thay!  

Mai Hoa