Nỗi buồn... Xuân, Tết!

27/01/2019 06:14
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Như một vòng xoay, giáo viên cứ luẩn quẩn cuộc sống với “nợ”. Ngoài nợ “chợ”, không ít giáo viên còn nợ “vay thấu chi” ngân hàng, nơi làm thẻ lãnh lương.

LTS: Lương giáo viên chưa đủ sống là chủ đề được bàn đến rất nhiều trong các diễn đàn. Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ nỗi khó khăn của giáo viên khi mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tự xưa đến nay, dù nghèo đói, nhưng người dân Việt cũng cố gắng kiếm cho con tấm áo mới khoe xuân với bạn bè, gia đình no say ba ngày Tết.

Cuộc sống của giáo viên, cũng vậy. Nói giáo viên nghèo, nhiều người nửa tin nửa ngờ! Cớ sao nghèo mà người ta bỏ hàng trăm triệu để được làm ... nghèo.

Của đáng tội, “con trong lừ đỏ mắt, con bên ngoài ngúc ngoắc muốn vô”. Vì thế mỗi kì thi công chức ngành giáo, vẫn sục sôi khí thế “chạy chọt”.

Thế tại sao các “nhà giáo nghèo” kia không “nhảy việc”, cơ chế thị trường mà, nơi này không đủ sống, nhảy làm nơi khác; việc này không đủ sống, nhảy làm việc khác. Xã hội đầy người nhảy việc, đổi việc có sao đâu?

Thật ra, đi dạy, một thời gian, giáo viên bị cái “nghiệp giáo” vận vào mình; càng ngày càng “ngu ngơ”, càng ngại đổi mới, càng muốn thu mình lại; tự động viên mình theo kiểu “phong lưu xác”, dù nghèo. Vì thế số “giáo viên nghèo” nhảy việc, đổi việc không nhiều.

Mong sao năm mới về, mùa xuân về, hạnh phúc về cùng nhà giáo. Ảnh minh họa: VTV
Mong sao năm mới về, mùa xuân về, hạnh phúc về cùng nhà giáo. Ảnh minh họa: VTV

Ngay Tết đến, Xuân sang, giáo viên chạnh lòng vì cuộc sống vật chất của mình, nhưng may mắn thay, mỗi giáo viên được nhận “đúp” hai tháng lương.

Việc nhận hai tháng lương này cũng là nguyên nhân khởi đầu của bệnh “viêm màng túi” mà rất nhiều giáo viên gặp phải sau khi hết Tết.

Thủ quỹ nhà trường, công đoàn, ra Tết nhận được điện thoại của giáo viên là mở đầu ngay câu quen thuộc “đừng nói là xin tạm ứng lương nhé!”.

Cũng may, giáo viên vẫn còn “uy tín” với các cửa hàng tạp hóa, tiệm bán gạo... vì thế các thầy cô vẫn “sống khỏe”.

Nợ chồng nợ, mấy bà chủ tiệm còn mong giáo viên có lương sớm hơn chính họ. Lương vào cửa trước, ra cửa sau, đúng là “gió vào nhà trống”.

Dân ta có thói quen, nợ không thể để qua Tết! Vì vậy, như một vòng xoay, giáo viên cứ luẩn quẩn cuộc sống với “nợ”. Ngoài nợ “chợ”, không ít giáo viên còn nợ “vay thấu chi” ngân hàng, nơi làm thẻ lãnh lương.

Nỗi buồn... Xuân, Tết! ảnh 2Nhiều gia đình thày cô, tết đến trong nhà không có nổi vài chục bạc

Trong một hoàn cảnh như vậy, hỏi còn tâm và trí đâu để dành cho công việc chính?

Giáo viên làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống là bắt buộc, ở nông thôn, giáo viên là “nông dân có nghề phụ dạy học”; ở thành phố, thôi thì đủ, từ chạy xe ôm, phụ quán v.v...

Cứ thế Tết đến, Xuân về, cuộc sống giáo viên thêm nốt “trầm” trong bản hòa ca cuộc sống, khi tăng lương giáo viên vẫn là câu chuyện ... rất dài.

Rất nhiều giáo viên khi được hỏi, lắc đầu không muốn có Tết. Thế nhưng cũng có số ít giáo viên thích Tết. Tết đến là dịp kiếm thêm thu nhập, ngày công cao gấp mấy lần ngày thường, dễ kiếm việc hơn.

Chính nhờ vậy mà một số giáo viên có Tết sum vầy, thanh toán được công nợ. Năm ngoái, vợ chồng A. nhận trông nhà cho một gia đình đi chơi Tết, trên thành phố, kiếm mấy chục triệu bạc; khu tập thể giáo viên năm nay có mối “trông nhà Tết”, nên đã kín lịch, một cái Tết “thoát nghèo”!

Mong sao năm mới về, mùa xuân về, hạnh phúc về cùng nhà giáo. Mùa xuân yêu thương gõ cửa, nhà giáo sống được bằng lương của mình.

Nhà giáo lên lớp chỉ còn chia sẻ yêu thương, gieo mầm nhân ái, ươm cây tri thức, cùng đất nước vang khúc hòa ca mùa xuân.

Sơn Quang Huyến