Ước mơ Tết của 2 học trò ở Lũng Táo

05/02/2019 02:11
Trần Phương
(GDVN) - Cùng sinh ra ở vùng biên, hai học trò, hai số phận, hai hoàn cảnh nhưng các em cùng ước mơ rất chung về Tết đủ đầy và một tương lai khác

Thích Tết vì được gặp bố mẹ

Xã Lũng Táo (huyện Đồng Văn, Hà Giang)  là xã biên giới còn nhiều khó khăn, có nhiều dân tộc sinh sống, thành phần dân cư đa dạng, địa bàn phức tạp, giao thông đi lại ở vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn. Đời sống kinh tế xã hội của đại bộ phận dân cư còn nghèo, mặt bằng dân trí thấp.

Quá nửa số học sinh trong trường thuộc diện nghèo, còn lại cũng cận nghèo vì vậy, việc cho con cái đến trường học chữ đã là cố gắng của những người dân chứ nói gì đến sự quan tâm bảo ban con cái học hành ở nhà.

Nhiều năm trước, tình trạng học sinh vượt biên theo bố mẹ sang Trung Quốc làm thuê khiến công tác đảm bảo sĩ số tại các lớp học vùng biên gặp rất nhiều khó khăn.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại Lũng Táo có nhiều bước chuyển biến tích cực.

Học sinh vùng cao đi học về. (Ảnh: LC)
Học sinh vùng cao đi học về. (Ảnh: LC)

Đặc biệt trong công tác duy trì sĩ số tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo những năm gần đây đã đạt đến trên 95%.

Không còn tình trạng các em học sinh trường dân tộc thiểu số vượt tường, bỏ trường, bỏ lớp bỏ cô thầy về đi cắt cỏ bò, lên nương hay theo cha mẹ đi Trung Quốc làm thuê ít xảy ra.

Ước mơ Tết của 2 học trò ở Lũng Táo ảnh 2“Làm thế nào để cổng trường luôn mở mà học sinh không bỏ về”

Mặc dù, lũ trẻ ở Lũng Táo, ngoài giờ học ở trường, nhiều em còn phải phụ giúp gia đình chứ không được vui chơi như trẻ em ở thành phố, nên ước mơ Tết của các em rất giản dị là được đi chợ phiên, được áo mới… nhiều em thích Tết bởi đó là được gặp bố, mẹ.

Giàng Mí Súng (Dân tộc Mông, học sinh lớp 4C, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo) là một cậu bé khá kín tiếng khi trò chuyện với chúng tôi, bố mẹ Súng đi Trung Quốc làm thuê, Súng ở với bà.

Các anh, chị Súng đã đi học ở Đồng Văn (Học trung học phổ thông nội trú), còn Súng ở với bà, cả ngày Súng đi học, tối về với bà.

Hỏi về bố mẹ Súng, Súng cho biết, bố, mẹ Súng đi Trung Quốc làm việc, hỏi Súng biết Trung Quốc ở đâu không? Súng bảo Súng chỉ biết bên kia núi là Trung Quốc, còn chỗ bố, mẹ Súng làm thì Súng không biết.

Tết mới Giàng Mí Súng là được ăn cơm với bố mẹ là thích rồi, Súng không cần đồ chơi, không cần được tặng quà....
Tết mới Giàng Mí Súng là được ăn cơm với bố mẹ là thích rồi, Súng không cần đồ chơi, không cần được tặng quà....

Hỏi Súng có muốn bố mẹ đi Trung Quốc làm việc không, Súng bảo không, nhưng Súng cũng không biết làm thế nào để bố mẹ ở nhà.

Ngày đi học, tối về với bà, nhưng bà Súng cũng không nói chuyện, bà làm đi làm cả ngày, hết cắt cỏ bò, lại đi xách nước… Súng nói Súng ít khi nói chuyện với bà.

Anh chị Súng cuối tuần mới về ăn cơm với Súng nhưng không có bố mẹ ăn cùng. Súng bảo muốn có bố mẹ ở nhà.

Thành tích học tập của Súng rất khá, Súng tự hào khoe với chúng tôi mình học giỏi môn Toán và môn tiếng Việt.

Dù mới lớp 4 nhưng chẳng ai phải nhắc Súng học, cậu bé người Mông này có sẵn một kết hoạch học tập cụ thể, thời gian học, thời gian đi lấy cỏ cho bò và thời gian chơi với bạn.

Nói về Tết, Súng bảo Súng thích Tết, nhưng Súng thích Tết không phải Tết được mua đồ chơi hay được tiền mừng tuổi, được đi chơi như những đứa trẻ thành phố Súng thích Tết vì lúc ấy Súng được gặp bố mẹ.

Bố mẹ Súng đi lao động tự do đến Tết mới về. Lúc ấy Súng được xuống chợ chơi, được quần áo mới.

Thích tết vì được mặc váy mới

Khác với Giàng Mí Súng, Vừ Thị Sú (Dân tộc Mông, Học sinh lớp 5A) được ở nhà với bố, mẹ nhưng gia đình Sú khó khăn, bố mẹ cũng đi làm suốt, Sú cũng tự lên cho mình một kế hoạch học tập, sinh hoạt cụ thể.

Học bán trú nhưng do nhà ở ngay Lũng Táo, Sú đi học chỉ vượt qua quãng được chưa hết một quả núi nên Sú có nhiều thời gian giúp bố mẹ nhiều hơn.

Ngoài giờ đi học, Sú cũng phải làm những công việc nhà khác như cho bò ăn, nấu cơm giúp bố mẹ… Sú cũng tự sắp xếp cho mình thời gian cụ thể để tự học.

Sú kể với chúng tôi về kế hoạch tự học của em từ 8 giờ tối đến hơn 9 giờ, theo Sú học như thế là đủ.

Dù dành ít thời gian tự học nhưng Sú đạt 5 năm liệt là học sinh Giỏi. Sú bảo Sú thích học nhất là môn Toán và môn Tiếng Anh, thậm chí Sú thích học tiếng Anh hơn tiếng Việt vì theo Sú, tiếng Việt khó lắm. (Cười)

Cô bé Vừ Thị Sú, học sinh giỏi 4 năm liền.
Cô bé Vừ Thị Sú, học sinh giỏi 4 năm liền.

Chia sẻ về ước mơ của mình, Sú bảo công việc cụ thể thì Sú chưa biết nhưng lớn lên Sú sẽ là một người có ích cho xã hội.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cô bé Vừ Thị Sú rất lạc quan, Sú nói Sú thích đi học, bởi đi học vừa được gặp bạn bè, vừa được học lại có thể đỡ đần cho cha mẹ. (học sinh ở Lũng Táo ăn bán trú không hết suât, cuối tuần được cầm gạo về nhà - PV).

Chia sẻ về Tết, Sú bảo Sú rất thích Tết bởi Tết Sú được theo mẹ, theo chị đi chợ chơi, được đi chơi với bạn và nhất là được mặc váy mới.

Nói về Tết nhưng Sú không quên nói về việc dành thời gian tự học để đi chơi.

Ước mơ của trẻ vùng cao lạ lắm, trong điều kiện thiếu thốn, trẻ em vùng cao không hề được người lớn mua cho những món đồ chơi đắt tiền.

Một sân chơi cho trẻ em luôn là ước mơ xa xỉ. Nhất là vùng đất mà đá bao quanh như Lũng Táo.

Tết với trẻ vùng cao là tự mình được chơi với những trò chơi yêu thích, tự mình sáng tạo ra.
Tết với trẻ vùng cao là tự mình được chơi với những trò chơi yêu thích, tự mình sáng tạo ra.

Ngày Tết, trẻ dưới xuôi được tặng quà, có quần áo mới với đủ thứ vật phẩm đắt tiền, thì trẻ vùng cao vẫn với đôi chân trần, nhem nhuốc.

Song, trong cái nghèo, trẻ vùng cao vẫn tìm cho mình được những niềm vui, hồn theo theo lứa tuổi của các em.

Đâu đó, còn vang lên tiếng cười, hình ảnh hồn nhiên nô đùa, ngộ nghĩnh của trẻ em bên những gốc chè cổ thụ, ruộng hoa tam giác mạch, phiên chợ… hay hình ảnh cô bé, cậu bé chăn trâu, địu củi là những hình ảnh khó quên.

Tết với trẻ vùng cao là được nghỉ học và chạy chơi với nhau trên những nương cải đầy hoa.

Trần Phương