Giáo viên nào hay tặng quà Tết cho Hiệu trưởng?

27/01/2019 07:08
THANH AN
(GDVN) - Một số lãnh đạo đều “chối từ” nhưng người tặng quà bao giờ cũng nói đó là tình cảm, sự biết ơn nên những người được tặng quà đều phải “miễn cưỡng” nhận qùa.

Người Việt Nam ta thường trọng nghĩa tình nên chuyện đến chơi ngày Tết và  tặng quà cho nhau cũng là lẽ thường tình nếu đó là tặng qùa trong sáng, tình thân.

Nhưng ngày nay, chuyện tặng quà Tết ở một số cơ quan, doanh nghiệp thường mang màu sắc thực dụng nhiều hơn và ở ngành giáo dục cũng vậy. Lãnh đạo nhà trường cũng có nhiều người đến chúc Tết lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục.

Đối với các trường học, người hay đến nhà các thầy cô trong Ban Giám hiệu vào dịp Tết thường là những giáo viên trẻ đang dạy hợp đồng; những người vừa mới chuyển công tác về trường hoặc những người đang “ngấp nghé” một vị trí nào đó trong ở trong đơn vị.

Bởi, một lẽ hiển nhiên mà ai cũng biết là khi “đầu tư” phải đem lại hiệu quả, lợi ích cho bản thân mình, ít có ai tặng không cho ai cái gì.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà Tết cho một số giáo viên Bắc Giang ( Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà Tết cho một số giáo viên Bắc Giang ( Ảnh minh họa: moet.gov.vn)

Đối với những giáo viên lớn tuổi, cứng tay nghề và không có mục tiêu thăng tiến thường họ rất ít đến tặng quà cho lãnh đạo nhà trường trong dịp Tết.

Họ có đến nhà lãnh đạo cũng chỉ là thăm thú xã giao mà thôi bởi họ không có một mục đích cụ thể để thăng tiến hay vụ lợi một điều gì từ lãnh đạo đơn vị.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất giáo viên dư thừa, sinh viên sư phạm ra trường lại thất nghiệp nhiều nên một số giáo viên trẻ phải ký hợp đồng ngắn hạn với Hiệu trưởng, với Phòng Giáo dục.

Chính vì vậy, ngày Tết là dịp có thể phù hợp nhất để họ bày tỏ tình cảm của mình. Chính vì vậy, khoảng từ ngày 25-28 tháng Chạp là nhiều giáo viên trẻ thường đến nhà Hiệu trưởng để “chúc Tết”.

Họ đến, ngoài việc chúc Tết lãnh đạo thì bao giờ cũng có những "tâm tư" để mong lãnh đạo nhà trường lưu tâm giúp đỡ.

Tất nhiên, đi “chúc Tết” thì phải có quà, những món quà họ mang đến nhà Sếp thường là những…hàng độc. Nào là rượu cần, măng khô, thịt trâu xông khói, măng, bánh kẹo, rượu bia đắt tiền…

Giáo viên nào hay tặng quà Tết cho Hiệu trưởng? ảnh 2Biếu quà Tết lãnh đạo huyện, chuyện kể của một cựu Hiệu trưởng

Và, khi đã tặng quà Tết cho lãnh đạo nhà trường thì phải là những món quà có giá trị và thường chọn những mặt hàng mà địa phương mình không có để “lấy lòng” lãnh đạo.

Chính vì thế, trường nào mà nhiều giáo viên hợp đồng có thời hạn là lãnh đạo nhà trường khỏi phải mua sắm Tết bởi quà anh em trong trường “quý mình” đến biếu đã đủ đầy.

Không chỉ tặng quà cho Hiệu trưởng mà các Phó Hiệu trưởng, thậm chí tổ trưởng chuyên môn cũng phải “ghé qua” bởi những người này thường có những liên quan mật thiết đến chuyên môn và thường phải đánh giá, nhận xét những giáo viên hợp đồng.

Vì thế, ngày Tết các thầy cô trong Ban Giám hiệu ít phải lo mua sắm Tết bởi đã đủ đầy tất cả. Và, những giáo viên hợp đồng- những người khó khăn nhất trong nhà trường nhưng hàng năm cứ phải đi "chúc Tết".

Những năm mới ra trường, lúc đó tôi xin dạy hợp đồng ở một một trường Trung học phổ thông.

Là giáo viên hợp đồng dù đồng lương chẳng đáng bao nhiêu nhưng các ngày lễ tết thì tôi cũng như tất cả giáo viên hợp đồng trong trường đều phải tổ chức đi tặng quà cho Ban Giám hiệu nhà trường, Chủ tịch Công đoàn và Tổ trưởng chuyên môn của mình.

Lúc đó, trường chúng tôi đa phần là giáo viên trẻ và có rất nhiều giáo viên hợp đồng nên cứ dịp Tết là anh em bàn nhau đi chúc Tết.

Nhớ lại, ngày Tết Nguyên đán lúc ấy, những giáo viên biên chế được nhà trường chi tiền quà Tết là 40 000 đồng còn giáo viên hợp đồng như chúng tôi được 30 000 đồng.

Tuy nhiên, ngày Tết thì phải đi chúc Tết tất cả những thầy cô chủ chốt trong trường nên mấy chục nghìn đồng thưởng Tết chỉ là muối bỏ bể và chẳng thấm tháp vào đâu.

Giáo viên nào hay tặng quà Tết cho Hiệu trưởng? ảnh 3Đối tượng nào hay đi quà, phong bì trong dịp Tết?

Lương hợp đồng mỗi tháng được vài trăm nghìn đồng đủ tiền xăng xe và hiếu hỷ trong đơn vị nên mỗi khi Tết đến là phải xin tiền gia đình đi …chúc Tết.

Bởi, ngoài tiền mua quà Tết thì một khoản không thiếu được là tiền mừng tuổi (lì xì) các con, cháu của lãnh đạo, quản lí nhà trường.

Ngoài những thầy cô giáo hợp đồng ngắn hạn hay đến chúc Tết các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường thì một số giáo viên biên chế hoặc hợp đồng không thời hạn cũng đến chúc Tết lãnh đạo nhà trường trong dịp Tết.

Đó là những người đã nằm trong quy hoạch lãnh đạo hoặc mới được bổ nhiệm vào các chức vụ trong nhà trường như Tổ trưởng chuyên môn, Công đoàn và những giáo viên mới luân chuyển về trường.

Họ đến, một phần là tạo mối quan hệ và phần còn lại cũng muốn “nhờ bóng” của lãnh đạo nhà trường nâng đỡ trong công việc, trong đường thăng tiến sau này.

Chuyện tặng quà Tết, năm nào ta cũng thấy Trung ương ra chỉ thị cấm, một số Sở Giáo dục cũng cấm. Nhưng, có lẽ đây vẫn là một việc vô cùng khó khăn bởi từ lâu chúng ta vẫn cấm nhưng vẫn có người “cần” đi chúc Tết và tặng quà.

Một số lãnh đạo đều “chối từ” nhưng người tặng quà bao giờ cũng nói đó là tình cảm, là sự biết ơn…nên thường những người được tặng quà đều “miễn cưỡng” nhận bởi không thể chối từ tình cảm của anh em được.

Thời hiện đại, cấp dưới đi chúc Tết cấp trên đừng nói đó là “tình cảm” trong sáng bởi khi đã “biếu” và “tặng” một người không phải họ hàng, máu mủ bằng những món quà giá trị thì ắt phải có mục đích và chủ định được gửi gắm trong đó.

Vì vậy, dù năm nào cũng có Chỉ thị cấm tặng quà Tết của các cơ quan chức năng nhưng có lẽ sẽ rất khó bởi thực tế nó đã trở thành "một nét văn hóa" của một số người.

THANH AN