Năm Hợi tán chuyện lợn

07/02/2019 06:00
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Mong rằng, năm Hợi sẽ mang đến vận tốt cho đất nước Việt Nam trên con đường hội nhập, phát triển: Kinh tế tăng trưởng cao, chính trị ổn định, xã hội thái bình.

Mười hai năm mới quay lại một lần, nhân xuân Kỷ Hợi - năm của con heo (lợn) theo truyền thống văn hóa dân tộc. Góp nhặt đôi ba câu chuyện về một loài vật quá đỗi gần gũi với chúng ta.

Từ khoa học

Người Việt quá quen thuộc với loài lợn, nhưng ít ai biết rằng, nghiên cứu về lợn cũng là chủ đề gây nhức đầu với khoa học gia khắp nơi trên thế giới.

Rất khó để thống kế hết có bao nhiêu công trình biên khảo về loài lợn, cũng như hằng hà sa số những quan điểm thú vị khác nhau còn gây tranh cãi.

Một nhóm nhà sinh học người Mỹ cho rằng, loài lợn có niên đại khoảng năm 13.000 trước công nguyên xuất phát ở vùng châu thổ sông Tigris thuộc không gian của nền văn minh Lưỡng Hà.

Tuy nhiên, một công trình khảo cổ của các nhà khoa học Thụy Điển cho rằng, quê hương của loài lợn xuất phát từ Đông Nam Á rồi theo chân con người ra lục địa Á - Âu và các đảo quốc trên Thái Bình Dương rộng lớn.

Năm Hợi tán chuyện lợn ảnh 1Triển khai các giải pháp ổn định thị trường thịt lợn

Gần đây, một phát hiện tình cờ ở Vanuatu, Papua New Guinea trùng khớp với kết luận loài lợn có nguồn gốc ở Đông Nam Á. Kết quả này cũng phù hợp với các di chỉ khảo cổ tìm thấy ở Việt Nam.

Theo các di chỉ này, nghề chăn nuôi lợn khá phát triển ở thời kỳ Hùng Vương - nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt.

Tại di chỉ Đồng Đậu, tỉ lệ xương lợn trong tầng văn hóa ở đây cao hơn xương lợn rừng và các gia cầm.

Đến đời thường

Nhưng, không cần phải tham khảo các công trình nghiên cứu cũng dễ thấy, loài lợn gắn chặt với lịch sử con người Việt Nam cả quá khứ lẫn hiện tại và chắc chắn còn đồng hành với sự tồn vong của dân tộc Việt trong tương lai.

Thực phẩm từ lợn xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, trong bữa ăn bình thường đến đại tiệc sang trọng. Vui có thể mổ lợn ăn mừng, buồn cũng không thể vắng lợn. Thời bao cấp, thịt lợn là món ăn xa xỉ, mỡ lợn, bì lợn là cứu cánh trong ngày mưa tháng gió.

Lợn còn xuất hiện trong những câu chuyện cảm động của hàng triệu ông bố bà mẹ lam lũ ở khắp các vùng quê nghèo nuôi con ăn học trên phố thị, “đợi bán lợn” có lẽ là sự mong ngóng háo hức nhất của nhiều thế hệ đỗ đạt sinh ra từ làng.

Người Miền Nam, bất kể giàu nghèo vẫn phải có món canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt lợn trong mâm cơm cúng ông bà ngày tất niên.

Người Miền Bắc ở rẻo cao biến thịt lợn thành đặc sản nhờ tuyệt chiêu bảo quản bởi cái hăng hắc của mùi khói - thường “cháy” hàng trong mỗi dịp tết Nguyên đán.

Ngày nay, thịt lợn là món ăn thông thường, dân thượng lưu ngán thịt lợn vì ngại bệnh tim mạch, nhưng nông thôn, miền núi rẻo cao, thịt lợn vẫn còn cao sang lắm.

Ấy vậy nên một chương trình từ thiện nâng cao dinh dưỡng cho trẻ vùng cao mang tên “Cơm có thịt” trở nên đáng quý.

Thịt lợn vốn “dễ tính” với sức khỏe con người như bản chất tính cách của loài này. Có thể biến tấu thành vô số món ngon, ăn nhiều chóng ngán nhưng vắng đôi ba bữa lại thấy lao xao trong lòng.

Năm Hợi tán chuyện lợn ảnh 2Kiểm tra hệ thống giết mổ, tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi lợn

Đi vào kinh tế

Một tin tốt lành, năm 2018 ngành chăn nuôi lợn Việt Nam thắng lớn sau một năm vô cùng bết bát. Tốc độ tăng trưởng của ngành luôn thuộc nhóm cao trong khu vực nông nghiệp. 

Bình quân duy trì ở mức 5-6%/năm, góp phần giữ vững mức tăng trưởng chung cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong nước và bước đầu có xuất khẩu.

Một đất nước truyền thống nông nghiệp như Việt Nam, lợn còn đi vào những báo cáo vĩ mô, những kế hoạch dài hạn, là thành công hay thất bại của cả một ngành kinh tế chủ đạo.

Việt Nam là “cường quốc lợn” đúng nghĩa, tổng đàn khoảng 30 triệu con, đứng đầu ASEAN, thứ 2 ở Châu Á, sản sinh lượng thịt thương phẩm 3,8 triệu tấn, xếp thứ 7 toàn thế giới, chiếm hơn một nửa ngành chăn nuôi của nước ta.

Diện mạo ngành chăn nuôi thay đổi theo xu hướng hiện đại, lợn từ chuồng nhà dần vắng bóng, thay vào đó là những trang trại quy mô lớn gắn với dòng vốn FDI, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhưng cũng từ đây, người nuôi lợn truyền thống bị bần cùng hóa bởi dịch bệnh, bởi những cuộc khủng hoảng thừa mà nguyên nhân nằm ở đâu đó rất xa xôi.

Dạo nọ, thịt lợn đổ đống vì rớt giá, dịch bệnh và người sành ăn lại quay về kiếm tìm miếng thịt lợn “sạch” trong những nhà vườn nhỏ lẻ.

Thực trạng “lợn hai chuồng”, nội tạng bẩn, “gắn mác” bò cho lợn, đầu độc người tiêu dùng bởi hàng tá món ăn từ thịt lợn bẩn… là sự thất bại đớn đau của nhân cách con người mà tuyệt nhiên lợn không phải tội.

Trở về trong văn hóa

Lợn không những chất phác, đoàn kết và kinh tế, mà còn đi vào văn hóa người Việt như một cách rất tự nhiên.

Con lợn trong tranh Đông Hồ là một trong những tạo hình đẹp nhất, có lẽ vì Đông Hồ là làng tranh giữa một vùng quê, nên đã có cái nhìn đẹp như vậy về một con vật nuôi tượng trưng cho hiền hòa, ấm no, sung túc.

Con lợn trong tranh Đông Hồ (Ảnh minh họa: tranhdangiandongho.vn).
Con lợn trong tranh Đông Hồ (Ảnh minh họa: tranhdangiandongho.vn).

Thuở hồng hoang, lợn là thực phẩm nuôi quân đánh giặc giữ yên bờ cõi. Lễ hội chém lợn đầu năm mới Âm lịch ở Bắc Ninh có nguồn gốc từ thời loạn 12 sứ quân.

Tục chém lợn gây tranh cãi vì không còn phù hợp với văn hóa hiện đại trọng sinh mạng muôn loài. Đó cũng là lúc lợn được nhân cách hóa.

Răng nanh lợn lòi, lợn cỏ, lợn rừng được con người - từ ngàn xưa cho đến mãi hôm nay ở Tây Bắc, Tây Nguyên… dùng chế biến làm đồ trang sức, cũng còn dùng như một thứ bùa hay thuốc chữa bệnh.

Đồ trang sức, tín ngưỡng dân gian, y dược cổ truyền đều được UNESCO xếp vào phạm trù văn hóa.

Trong văn hóa Việt Nam, lợn (Hợi) xếp cuối cùng trong 12 con giáp, khóa lại một chu trình mà mở ra một chu trình mới. Những người sinh năm Hợi được cho là tốt số, hanh thông đường đời.

Hơi duy tâm nhưng vẫn ước ao rằng, năm Hợi sẽ mang đến vận tốt cho đất nước Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển: Kinh tế tăng trưởng cao, chính trị ổn định, văn hóa khơi trong, xã hội thái bình và lòng người phơi phới.

Trương Khắc Trà