Trung Quốc có từ bỏ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước?

07/02/2019 11:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Chạy đua vũ trang hải quân Trung - Mỹ đang gia tăng, gây áp lực lên Bắc Kinh về việc xem lại chính sách phòng thủ hạt nhân, nhưng Trung Quốc không đủ khả năng.

South China Morning Post ngày 7/2 dẫn lời các nhà phân tích cảnh báo, Trung Quốc có thể đang chịu áp lực phải xem lại chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, bởi bối cảnh họ đang tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang trên biển với Hoa Kỳ.

Cuộc đua hạt nhân đang phát sinh giữa hai nước khi Trung Quốc đã có những bước tiến về nghiên cứu, phát triển loại vũ khí hủy diệt này và Washington cố gắng kiềm chế chiến lược quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh theo đuổi.

Hoa Kỳ vẫn đi trước Trung Quốc hàng thập kỷ trong việc phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng một vụ thử nghiệm thành công vào cuối năm ngoái của Trung Quốc, phóng tên lửa đạn đạo JL-3 từ tàu ngầm, là nguyên nhân gây lo ngại cho Washington.

Tên lửa JL-3 Trung Quốc trong một vụ phóng thử, ảnh: Military Today.
Tên lửa JL-3 Trung Quốc trong một vụ phóng thử, ảnh: Military Today.

Các cuộc thử nghiệm cho thấy Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng với thế hệ tàu ngầm chiến lược mới SSBN có thể trang bị tên lửa JL-3 mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm sẽ khó phát hiện hơn vũ khí hạt nhân thông thường trên đất liền.

Trong bối cảnh mối quan ngại về Trung Quốc ngày một gia tăng, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố quyết định rút khỏi hiệp ước hạt nhân đã có hiệu lực hàng thập kỷ với Nga để đối phó với tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Phó tổng thống Mike Pence cũng nhấn mạnh rằng, tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, ám chỉ Biển Đông và nhắm vào hành động quân sự hóa vùng biển này mà Trung Quốc đang thực hiện.

Theo nhà nghiên cứu Zhao Tong, Mỹ và các đồng minh đang đẩy mạnh khả năng tác chiến chống tàu ngầm ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Điều này làm gia tăng sự ngờ vực lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Washington.

Cũng bởi điều đó, Bắc Kinh có thể đang xem xét mở rộng các hệ thống vũ khí hạt nhân, làm nổi lên những tranh luận tại Trung Quốc về việc chỉ nên sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp phòng thủ, hay có thể sử dụng nó tấn công phủ đầu.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân thông qua 3 hệ thống: tên lửa phóng từ mặt đất; tàu ngầm vũ trang hạt nhân; máy bay chiến lược ném bom hạt nhân hoặc phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Hình minh họa, nguồn: Navy Recognition.
Hình minh họa, nguồn: Navy Recognition.

Một nguồn tin nói với South China Morning Post, không giống như Mỹ, Trung Quốc không có khả năng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, do đó nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách phòng thủ hạt nhân, chứ không đánh đòn phủ đầu hạt nhân.

Chuyên gia quân sự Song Zhongping từ Hồng Kông nhận định, khả năng hạt nhân của Trung Quốc đứng sau cả Nga. Hoa Kỳ và Nga đang sở hữu hơn 90% số vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Bắc Kinh đang tăng cường, cải thiện khả năng răn đe hạt nhân trên biển vì Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chặn tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc tiếp tục hoạt động, Song Zhongping nhấn mạnh.

Cuộc thử nghiệm thành công tên lửa JL-3 ở Hoàng Hải mà Trung Quốc tiến hành vào cuối tháng 11 năm ngoái đã khuyến khích hải quân nước này tiếp tục phát triển tàu ngầm chiến lược thế hệ mới, lớp 096, có thể trang bị JL-3.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc có tầm bắn 12 ngàn km và có khả năng tiếp cận bất kỳ mục tiêu nào ở lục địa Mỹ trong vòng 1 giờ.

Dường như đằng sau sự phát triển công nghệ quân sự này là một ý chí chính trị.

Một quan chức hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, cho biết, Quân ủy Trung ương do ông Tập Cận Bình chủ trì đã dành một khoản tiền khổng lồ để nâng cấp, thay thế vũ khí cho hải quân, đặc biệt là đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Trung Nam Hải hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách công nghệ tàu ngầm hạt nhân với Hoa Kỳ từ 30 năm xuống khoảng 10 năm vào năm 2025 khi cả thế hệ tiếp theo của các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và đội tàu ngầm mới chính thức được biên chế vào đội hình tác chiến.

Tàu ngầm và tàu sân bay mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân là 2 loại vũ khí chiến lược mạnh mẽ, tiên tiến nhất mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Hiện tại hải quân Trung Quốc có 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân, lớp 094, mỗi chiếc được trang bị 16 tên lửa JL-2 để tuần tra thường xuyên.

Hải quân Mỹ có 18 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio, trong đó 14 chiếc có khả năng mang 24 tên lửa Trident I. Washington cũng đang phát triển các tàu ngầm lớp Columbia thế hệ tiếp theo có thể mang 16 tên lửa Trident II.

Nhà nghiên cứu quân sự Macau, Antony Wong Dong, tên lửa JL-2 của Trung Quốc mang được ít đầu đạn hơn (so với tên lửa Trident I?), trong khi tàu ngầm lớp 094 rất ồn và dễ bị phát hiện.

Collin Koh, một nghiên cứu viên Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng  Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh răn đe trên biển bằng việc phát triển một loạt vũ khí tăng khả năng tấn công.

Ông cảnh báo, động thái này có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang Trung - Mỹ cũng như với các nước khác trong khu vực.

Nguồn:

https://www.scmp.com/news/china/military/article/2184577/could-china-abandon-its-no-first-use-nuclear-weapons-policy

Hồng Thủy